05/01/2024 09:57 GMT+7

Nạn bạo lực học đường, phải ngăn chặn mầm mống từ sớm

Nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra trong và cả ngoài nhà trường gây hoang mang, bức xúc dư luận và lo âu cho những bậc làm cha, làm mẹ. Làm thế nào để giảm thiểu vấn nạn này?

Học sinh Trường THCS Ba Đình (TP.HCM) diễn tiểu phẩm tuyên truyền chống bạo lực học đường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Học sinh Trường THCS Ba Đình (TP.HCM) diễn tiểu phẩm tuyên truyền chống bạo lực học đường - Ảnh: NHƯ HÙNG

PGS.TS.BS Tạ Thị Minh Tâm

PGS.TS.BS Tạ Thị Minh Tâm

Đối thoại với Tuổi Trẻ về chủ đề này, PGS.TS.BS Tạ Thị Minh Tâm - khoa tâm thần và trị liệu tâm lý, khoa học thần kinh Cơ sở Benjamin Franklin, Viện trường Đại học Y khoa Charité Berlin, Đức) - chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh tại Đức và những bài học mà Việt Nam có thể tham khảo.

Bạo lực học đường: tảng băng đã nổi

* Với công việc của mình, theo như bà quan sát, phải chăng các vụ việc bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng nhiều hơn?

- Bạo lực học đường là vấn đề nan giải và ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần của trẻ em, tăng các nguy cơ rối loạn, lo âu, trầm cảm và làm giảm sự tự tin của học sinh vào bản thân. Các tác động không chỉ nhất thời mà còn lâu dài, tiềm ẩn mối nguy về các rối loạn nghiêm trọng hơn như trầm cảm, tự hoại hay tự tử. Gần như trong mọi nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của học sinh trên thế giới đều đề cập đến các trải nghiệm bạo lực, bắt nạt học đường.

Ngày nay với Internet và mạng xã hội, có lẽ hiện tượng này được nhìn nhận và ghi lại nhiều hơn. Giống như một tảng băng chìm dần được nổi lên trên mặt nước. Liệu tảng băng ấy có lớn hơn so với trước đây hay không? Hiện chưa có những nghiên cứu chính thức kết luận số lượng và tần suất các vụ bạo lực học đường tăng so với trước đây.

Tuy nhiên nếu hỏi có nhức nhối hay không thì chắc chắn là rất nhức nhối. Bởi lẽ một vụ việc học sinh đánh nhau sẽ không chỉ ảnh hưởng đến những em có liên quan mà còn đến cả môi trường học tập chung. Những học sinh còn lại có thể cảm thấy bất an ngay trong chính lớp học, ngôi trường của mình. Xa hơn nữa có thể là cảm giác nặng nề hoặc suy giảm lòng tin kéo dài trong các em.

* Có nhiều kinh nghiệm về các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần của các học sinh, sinh viên ở Đức, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm từ các trường học tại đây?

- Tại Đức, khâu "phòng bệnh" rất được chú trọng. Các trường luôn chú trọng xây dựng môi trường học loại trừ từ sớm những vấn đề có thể tác động đến sức khỏe tâm thần học sinh. Chẳng hạn, các trường luôn xây dựng rất nhiều hoạt động từ thể thao đến giải trí, giúp học sinh luôn có không gian giải tỏa năng lượng và cảm xúc.

Các chương trình học tập được cân đối. Giáo viên thường sắp xếp linh hoạt thời gian biểu trong năm để học sinh luôn có lộ trình ôn tập kiểm tra, thi cử hợp lý, tránh trường hợp để học sinh gần đến sát những ngày cuối mới ôn tập, rất dễ làm tăng nguy cơ rối loạn lo âu do thi cử.

Trường học ở Đức luôn có một chuyên viên tâm lý học đường riêng. Họ sẽ là người xây dựng các hoạt động kiến tạo trường học lành mạnh. Họ cũng thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ, thảo luận cho các em nhận thức sức khỏe tinh thần hay cách ứng phó với những biểu hiện bắt nạt. Đặc biệt, họ còn tạo thêm những hoạt động dành cho phụ huynh, bởi phụ huynh cũng cần biết cách nắm bắt tâm lý của con. Nếu có nhu cầu, chính phụ huynh cũng có thể nhận được những tư vấn tâm lý từ các chuyên viên của trường.

Tất nhiên, nhiệm vụ chính của các chuyên viên vẫn sẽ là lắng nghe và chia sẻ với học sinh. Học sinh có những vấn đề sẽ được gỡ rối. Nếu nghi ngờ học sinh có các vấn đề rối loạn tâm thần hoặc gặp những ca khó, họ sẽ hướng dẫn các em đến gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia tâm lý. Ở Đức, hệ thống điều trị ngoại trú chăm sóc sức khỏe tâm thần rất tốt, rộng khắp và dễ tiếp cận, ngay cả với học sinh.

Giáo viên Trường THCS Kim Đồng (quận 5, TP.HCM) tư vấn tâm lý cho học sinh tại phòng tư vấn tâm lý học đường - Ảnh NHƯ HÙNG

Giáo viên Trường THCS Kim Đồng (quận 5, TP.HCM) tư vấn tâm lý cho học sinh tại phòng tư vấn tâm lý học đường - Ảnh NHƯ HÙNG

Nếu có điều kiện, các trường có thể tổ chức thêm những hoạt động kết nối học sinh với gia đình, chẳng hạn khuyến khích phụ huynh tham gia các chương trình của con, tổ chức các buổi trò chuyện chuyên đề với phụ huynh tại trường. Vì gia đình hiểu và đồng hành sức khỏe tinh thần của con là rất quan trọng.

Cần thêm nhiều nguồn lực

* Trong những năm gần đây, theo quan sát cá nhân, bà nhận thấy vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh ở Việt Nam có những biến chuyển như thế nào?

- Sức khỏe tâm thần của học sinh ở Việt Nam được quan tâm nhiều hơn. Trước đây, cha mẹ Việt Nam thường chỉ chú trọng đến chuyện học của con cái, giờ thì nhiều người đã biết nhiều hơn đến tâm lý của trẻ. Đặc biệt sau dịch COVID-19, các nghiên cứu chỉ ra tình trạng stress và các rối loạn về tâm thần có xu hướng gia tăng ở người trẻ.

Sự quan tâm này còn đến từ xã hội và các cơ quan quản lý giáo dục. Các chính sách mới hiện đã khuyến khích phát triển các chuyên viên tâm lý trong trường học. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng thách thức lớn hiện là thiếu nguồn lực. Không chỉ là chuyên viên tâm lý mà còn là cả hệ thống, từ nguồn nhân lực tâm lý, tâm thần, chăm sóc nội trú, ngoại trú, dự phòng, sàng lọc cho đến điều trị các rối loạn tâm thần.

Bên cạnh đó, cần có thêm các nghiên cứu về sức khỏe tâm thần học đường và hiệu quả các biện pháp can thiệp, can thiệp dự phòng nên có đặc thù tại Việt Nam. Các biện pháp này nên có sự kết hợp trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục, y tế đến an sinh xã hội.

* Với các điều kiện hiện tại ở Việt Nam, theo bà, các trường có thể chủ động triển khai các giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường và tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần của học sinh thế nào?

- Ngăn chặn bạo lực học đường cần sự tham gia của nhiều bộ phận, không chỉ là nhiệm vụ của một phòng tham vấn tâm lý học đường. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì vậy tôi nghĩ trên hết vẫn là tạo môi trường học tập tốt nhất cho các em, có thể tăng cường các hoạt động thể chất, dinh dưỡng hợp lý, cân bằng với học tập chính khóa. Các nội dung về sức khỏe tinh thần, bạo lực học đường nên được lồng ghép vào những hoạt động ngoại khóa hay những tiết học đạo đức, giáo dục công dân. Nhà trường cũng có thể mời các chuyên gia tâm lý đến trường chia sẻ cho học sinh cách xử lý trong một số trường hợp bạo lực, bắt nạt cụ thể.

Nếu có điều kiện hơn, các trường có thể tổ chức thêm những hoạt động kết nối học sinh với gia đình, chẳng hạn khuyến khích phụ huynh tham gia các chương trình của con, tổ chức các buổi trò chuyện chuyên đề với phụ huynh tại trường. Vì gia đình hiểu và đồng hành sức khỏe tinh thần của con là rất quan trọng.

Tất nhiên phòng bệnh là tốt nhưng cần chuẩn bị cho trường hợp có bạo lực học đường xảy ra. Tiên quyết là cần một quy chế xử phạt thật nghiêm trong những trường hợp bạo lực học đường. Trong những vụ bạo lực học đường, sẽ không có một lý do giải thích nào là chính đáng. Không thể đổ lỗi vì em cũng đang bị áp lực nên em có quyền bạo lực bạn khác. Các em cần chịu trách nhiệm với hành động của mình.

Và trong những sự vụ về bạo lực học đường, nhà trường cần xử lý nhanh và nghiêm túc. Ban giám hiệu và các giáo viên sẽ cần ngồi lại để xem vấn đề gặp phải ở đâu. Không được đổ lỗi, bởi bạo lực học đường không phải lỗi của một cá nhân, mà là của cả một hệ thống bên trong nhà trường.

Lắng nghe giáo viên

* Phải chăng ngoài học sinh, sức khỏe tâm thần của giáo viên cũng cần được quan tâm không, thưa bà?

- Giáo viên là những người truyền cảm hứng cho học sinh, nhưng giáo viên cũng là con người, cũng có những lo toan, gánh nặng thường nhật. Nguy cơ kiệt sức của họ cũng rất cao.

Do vậy, vấn đề chăm sóc tâm lý cho giáo viên cũng đang được các trường quan tâm. Các trường có điều kiện hơn có thể thường xuyên có những buổi mời chuyên gia đến giảng dạy cho giáo viên về quản lý stress, về sức khỏe tâm lý. Có một số trường cũng tạo điều kiện cho các thầy cô giáo tiếp cận với những khóa học như thiền hay yoga...

Tuy nhiên, tôi nghĩ quan trọng nhất là đồng hành của trường cùng giáo viên. Cần có những cơ chế bảo vệ giáo viên. Hoặc ít nhất có thêm những dịp cô giáo chia sẻ những cảm xúc, đề xuất những mong muốn đến nhà trường. Thầy cô giáo cũng có cảm giác mình đang được nhà trường lắng nghe.

Bạo lực học đường có phải do đạo đức xuống cấp?Bạo lực học đường có phải do đạo đức xuống cấp?

Giải pháp nào để ngăn chặn bạo lực học đường? Bạo lực học đường có phải do đạo đức xuống cấp không? Những câu hỏi này đã được đại biểu chất vấn giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên