19/02/2010 06:57 GMT+7

Mỹ - Trung căng thẳng quanh cuộc gặp Obama - Đạt Lai Lạt Ma

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Quan hệ Mỹ - Trung lại đối mặt nguy cơ khủng hoảng mới vì cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhà lãnh đạo lưu vong của Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma hôm 18-2 tại Nhà Trắng.

Tổng thống Obama đã quyết định gặp nhân vật này bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh cho rằng cuộc gặp này sẽ gây phương hại nghiêm trọng cho quan hệ hai nước. Đạt Lai Lạt Ma cũng sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại trụ sở Bộ Ngoại giao.

Đạt Lai Lạt Ma đến Mỹ gặp ông Obama

rttdvOdD.jpgPhóng to

Đạt Lai Lạt Ma đã có mặt tại Washington DC từ ngày 17-2 - Ảnh: AFP

Tân Hoa xã: Obama “không khôn ngoan” khi gặp Đạt Lai Lạt Ma

Hãng tin chính thức của nhà nước Trung Quốc hôm 17-2 trích lời một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung Fred Teng nói quyết định của Tổng thống Obama là “không khôn ngoan”. “Trong giai đoạn quan trọng này, Tổng thống Obama nên tập trung xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc và điều đó sẽ là lợi ích tốt nhất của nhân dân hai nước” - ông Teng nói.

Ông Teng cho rằng Tây Tạng trở thành một phần của Trung Quốc thậm chí trước cả khi Hawaii trở thành một bang của nước Mỹ và chỉ ra thực tế là năm 1893, Quốc hội Mỹ đã đưa ra đạo luật có tên Nghị quyết xin lỗi để nhận trách nhiệm về việc hỗ trợ vụ lật đổ vương quốc Hawaii.

“Dù vậy, Hawaii vẫn là một phần không tách rời của chủ quyền nước Mỹ. Chính phủ Mỹ sẽ phản ứng sao nếu Chính phủ Trung Quốc ủng hộ một lãnh đạo ủng hộ độc lập cho người Hawaii?” - ông Teng viết trên trang Huffington Post. Theo ông, giờ là lúc Tổng thống Obama nên dành nhiều thời gian với các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào “các ưu tiên thực tế hơn” như thương mại, thay đổi khí hậu và nợ quốc gia.

Cuộc gặp diễn ra vào lúc quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi nhanh sau hàng loạt vụ việc gần đây: Washington bán vũ khí cho Đài Loan, tranh cãi về Google và các vấn đề thương mại... Đến nay Trung Quốc vẫn coi Đạt Lai Lạt Ma là nhân vật ly khai và cho rằng cuộc gặp sẽ làm ảnh hưởng quan hệ Trung - Mỹ. Trong khi đó phía Mỹ cho rằng lo lắng của Trung Quốc là không cần thiết.

Dù tiếp Đạt Lai Lạt Ma nhưng quan điểm của Mỹ, cũng giống như phần lớn các quốc gia khác, tới nay đều thừa nhận “Tây Tạng là một phần của Trung Quốc”. Bênh vực cho quyết định của Tổng thống Obama, tuần trước người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs đã nói rằng Đạt Lai Lạt Ma là “nhà lãnh đạo tôn giáo được quốc tế kính trọng” và quan hệ Trung - Mỹ đủ trưởng thành để có thể bất đồng trong các vấn đề tranh cãi.

Theo Los Angeles Times, mục đích của Washington là nhằm củng cố quan hệ giữa Trung Quốc và nhà lãnh đạo Tây Tạng. Đạt Lai Lạt Ma nói ông chỉ muốn tìm kiếm quy chế tự trị cho người dân của mình.

“Tổng thống tiếp Đạt Lai Lạt Ma giống như cách các tổng thống trước kia đã tiếp ông” - một quan chức cao cấp của ông Obama nói - Chúng tôi đã phối hợp với Đạt Lai Lạt Ma và người của ông nhằm tìm cách tốt nhất để thúc đẩy và kết nối họ đàm phán với Trung Quốc”.

Trước đó, đề cập “mức độ nhạy cảm cao của vấn đề Tây Tạng”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ hủy chuyến thăm nhằm tránh “làm tổn hại thêm quan hệ Trung - Mỹ”. Trong khi đó, các quan chức Mỹ bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền của người Tây Tạng. Dù coi đây là vùng đất thuộc Trung Quốc, Washington vẫn muốn Bắc Kinh bảo vệ các truyền thống văn hóa, tôn giáo của Tây Tạng.

Thực tế Mỹ đã “nhượng bộ” Trung Quốc trong cuộc gặp này. Nhà Trắng đã luôn thông báo cho phía Trung Quốc về kế hoạch tiếp Đạt Lai Lạt Ma của mình. Cuộc gặp hôm 18-2 diễn ra ở phòng Bản đồ thay vì phòng Bầu dục - vốn dành để tổng thống Mỹ tiếp các nhà lãnh đạo quốc tế và khách VIP. Ngoài ra, cuộc gặp sẽ là cuộc gặp nhóm thay vì một - một giữa Obama và Đạt Lai Lạt Ma. Hai bên cũng sẽ không họp báo chung sau cuộc gặp.

Theo đặc phái viên của Đạt Lai Lạt Ma Lodi Gayari, “việc có cuộc gặp đã là quan trọng” và lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng sẽ kêu gọi tổng thống Mỹ “giúp tìm giải pháp cho vấn đề Tây Tạng theo hướng có lợi chung cho cả người Tây Tạng và Trung Quốc”.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên