13/03/2005 10:49 GMT+7

Mua đất cho sếu?

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TTCN - Sếu đầu đỏ - một loài chim quí hiếm nằm trong Sách đỏ hiện còn rất ít trên thế giới. Tại Việt Nam có hai nơi sếu đầu đỏ thường thiên di về trú ngụ kiếm ăn là vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) và khu vực Hòn Chông, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Tuy nhiên, một trong hai nơi trú ngụ lý tưởng của sếu là Hòn Chông (Kiên Lương) nay đã và đang bị con người tấn công làm đầm, ao nuôi tôm. Sếu đang dần bay đi...

TeSOw8Lb.jpgPhóng to
Mai này sẽ còn đâu cảnh sếu bay về
TTCN - Sếu đầu đỏ - một loài chim quí hiếm nằm trong Sách đỏ hiện còn rất ít trên thế giới. Tại Việt Nam có hai nơi sếu đầu đỏ thường thiên di về trú ngụ kiếm ăn là vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) và khu vực Hòn Chông, huyện Kiên Lương (Kiên Giang). Tuy nhiên, một trong hai nơi trú ngụ lý tưởng của sếu là Hòn Chông (Kiên Lương) nay đã và đang bị con người tấn công làm đầm, ao nuôi tôm. Sếu đang dần bay đi...

Tôm giết... sếu

Một ngày trung tuần tháng 3-2005 tôi về Hòn Chông, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) ngay sau khi tin sếu đầu đỏ lại về. Ngồi trên chiếc vỏ lãi vừa thuê chạy xé nước băng băng trên dòng kênh mới đào chưa kịp đặt tên đỏ quạch nóng như muốn sôi, tôi hoàn toàn bị bất ngờ trong lần trở lại này. Những cánh đồng cỏ năn bạt ngàn cặp kênh Chống Mỹ, Lung Khana, An Bình, Rạch Đùng... ngày nào nay đã thành ao, đầm nuôi tôm với chi chít những bờ bao, chòi mọc lên giữa đồng. Anh tài xế vỏ lãi người địa phương dẫn đường tên Lâm cho hay năm nay sếu về ít, chỉ chừng một nửa so với năm ngoái và chỉ cư trú chưa đầy một tuần rồi bay đi.

Đầm Hà Tiên và Hòn Chông, Kiên Lương (Kiên Giang) là vùng đất khá đa dạng về sinh cảnh, bao gồm rừng ngập mặn, vùng đầm lầy nước lợ, đồng cỏ ngập nước theo mùa, rừng tràm, rừng trên núi... với diện tích lên đến khoảng 200.000ha.

Trong đó, quần xã năn xoắn và đồng cỏ tự nhiên phân bổ trên diện tích rộng chừng 1.300ha tại khu vực Hòn Chông, xã Bình An, Kiên Lương chứa đựng những sinh cảnh đồng cỏ gắn liền với hệ sinh thái núi đá vôi và rừng ngập mặn.

Đây được xem là vùng đất ngập nước nguyên thủy quí giá duy nhất còn sót lại ở ĐBSCL. Các cuộc quan trắc gần đây của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), Hội Sếu quốc tế cho thấy: khu vực Hòn Chông (Kiên Lương) là nơi đàn sếu đầu đỏ về trú ngụ đông nhất khu vực châu Á, với hơn 50% tổng số cá thể sinh sống vào mùa khô. Không chỉ có sếu mà khu vực này còn nhiều loại chim quí hiếm khác về trú ngụ như: ô tác, cò quắm cánh xanh, đại bàng đen...

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, tôi đến khu vực kênh Chống Mỹ - nơi có cánh đồng năn rộng lớn mà những năm trước đây đàn sếu thường về kiếm ăn, nay là một cánh đồng rộng hàng trăm hecta đã được thả tôm. Phía xa tít trong khu vực sát vách Núi Mây, một nhóm người cũng đang hì hục phát dọn cỏ năn để nuôi tôm. Buông vội phảng, ngồi bệt xuống bờ ruộng, Danh Tíu (thường trú ấp Ba Núi, xã Bình An, Kiên Lương - người đang phát năn thuê cho một chủ vuông tôm tên Thuần ở Cà Mau lên thuê đất nuôi tôm) cho biết: ông chủ thuê miếng đất này của một cán bộ với giá 20 triệu đồng/năm. Từ đầu năm đến nay vùng này đã có chừng 10 hộ đến thuê hơn 50ha đất nuôi tôm. Hôm qua lại có hai người đến hỏi thuê nhưng bị từ chối vì giá thuê thấp. Cô giáo trẻ Bích Duyên, đã có gần năm năm gắn bó ở điểm Trường Núi Mây nằm ngay bên đường vào ấp Ba Núi, cho hay: cách đây mấy ngày các chuyên gia ở Hội Sếu quốc tế cũng vừa về đây. Họ nói rất thất vọng bởi những cánh đồng cỏ bãi ăn, bãi ngủ của sếu đã không còn.

Tôi tìm đến nhà lão nông Danh Kiệt, người được bà con trong vùng mệnh danh là “người yêu sếu”, hầu như không có đoàn nào về quay phim, chụp ảnh sếu lại không cậy nhờ ông. Ông kể: “Tui mê sếu chừng hơn năm năm nay, hồi trước thấy chúng về cả xóm ra xem. Có người còn cài bẫy bắt làm thịt vì hổng biết là loài chim quí, gần đây tui và bà con trong ấp biết Nhà nước cấm nên tìm cách bảo vệ, nhưng nay thì hết nổi vì người ta dọn năn để nuôi tôm nên không còn thức ăn cho sếu. Tuần trước thấy sếu bay về tui chạy vỏ lãi vô tận Lung Khana rình đếm được chừng gần 300 con, nhưng hai bữa nay chúng đã bay đi kiếm ăn đâu mất rồi, tội cho chúng quá!”.

Ông kéo hộc tủ lấy vội quyển tập học sinh đã nhàu nát ra và bảo: “Đây là cuốn sổ tui ghi các lần sếu về. Sếu thường về vùng này vào đầu tháng mười một âm lịch đến tháng hai, ba năm sau. Chúng tập trung kiếm ăn theo từng đàn rất đông và dạn. Nơi chúng thường đến ăn là khu vực kênh Chống Mỹ, Lung Khana..., tối đến chúng bay về ngủ ở khu vực cạnh Núi Mây, Rạch Đùng, xã Bình An. Năm nay sếu về ít và chỉ ở lại rất ngắn, chắc vì thiếu thức ăn. Tui đề nghị Nhà nước can thiệp dành ít đất không nuôi tôm để giữ chân bầy sếu ở lại với bà con nơi đây”.

rPVmV6Ku.jpgPhóng to
Người dân tiếp tục tấn công dọn cỏ năn để nuôi tôm
Vùng đất mà đàn sếu hằng năm vẫn thiên di về kiếm ăn nay đã được xẻ kênh dọc ngang, trở thành những đầm nuôi tôm sú. Sự tấn công ồ ạt của con người đã làm thu hẹp dần những cánh rừng ngập mặn, đồng cỏ năn xoắn, các bãi ngủ của sếu. Tiến sĩ Trần Triết - Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), người có nhiều tâm huyết bảo vệ sếu - bức xúc: “Không nên nghĩ tới cái lợi trước mắt mà cần có cách nhìn rộng hơn để có biện pháp giữ đồng cỏ năn xoắn ở Hòn Chông, Kiên Lương. Bởi đây là một trong hai nơi còn sót lại của VN không chỉ của đàn sếu đầu đỏ mà còn của nhiều loài chim quí hiếm khác có tên trong sách đỏ...”.

Không chốn nương thân?

Theo các nhà khoa học, muốn bảo vệ và giữ chân đàn sếu, trước hết phải giữ được vùng đất ngập nước đầm Hà Tiên, Hòn Chông, Kiên Lương với diện tích 200.000ha. Trong đó, khu vực cần bảo vệ cấp bách nhất hiện nay có diện tích 1.300ha, thuộc khu vực Hòn Chông (Kiên Lương). Đây là một trong hai dự án: “Bảo vệ sếu đầu đỏ và đồng cỏ kết hợp du lịch vùng Hòn Chông” và “Bảo tồn đồng cỏ bàng kết hợp phát triển thủ công mỹ nghệ” đã được các nhà khoa học thuộc Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học Cần Thơ, một số viện nghiên cứu trong nước, nhà tài trợ như công ty tài chính quốc tế... đề xuất.

Biết vùng đất này đang được tỉnh Kiên Giang dự kiến qui hoạch nuôi tôm sú, ngay từ cuối năm 2003 các đơn vị này đã đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang cần duy trì hiện trạng, hạn chế mở rộng phong trào nuôi tôm để thành lập dự án kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ kinh phí bảo vệ đàn sếu. Trước những bức xúc của các nhà khoa học, UBND tỉnh Kiên Giang đã đồng ý. Nhưng điều khó hiểu là khi dự án thành lập khu bảo tồn sếu đã hình thành thì chỉ một thời gian rất ngắn sau đó 1.200/1.300ha đất khu vực Hòn Chông đã được cấp cho cán bộ đồng loạt nuôi tôm sú. Đáng tiếc là việc bảo vệ sếu cũng không được sự ủng hộ của một số cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang.

I7gqxgXo.jpgPhóng to
Khoảng đồng năn hiếm hoi còn sót lại ở Hòn Chông, Kiên Lương
Sở Tài chính-vật giá Kiên Giang đưa ra một phép tính: hiện nay nuôi tôm công nghiệp ở đây cho thu nhập 1tỉ đồng/ha/năm. Sở Thủy sản Kiên Giang lại có cách tính: với 1.300ha này chỉ cần nuôi tôm quảng canh cũng sẽ “lãi ròng” 30 tỉ/năm. Với cách tính này các cơ quan trên cho rằng nếu giữ đất cho sếu đậu thì tỉnh sẽ thất thu ngân sách lớn. UBND huyện Kiên Lương lại lo: hiện nay Kiên Lương đã “hết quĩ đất tái định cư” để cấp cho dân, trong khi đó nếu đền bù để giải tỏa 1.300ha này cũng không đơn giản chút nào bởi giá đất quá cao: 2.400 USD/ha đất đã canh tác, 800 USD/ha đất hoang. Với giá này muốn giữ chân sếu ít nhất phải mất 70 tỉ, vượt quá khả năng của các nhà tài trợ. Tuy nhiên, thực tế toàn bộ khu vực này hiện đã được giao cấp cho cán bộ cho thuê nuôi tôm, chứ người dân địa phương gần như không ai được cấp đất. Và hiệu quả của quá trình nuôi tôm ở đây trong thời gian qua đang đi ngược với những gì mà các ngành chức năng tỉnh tính toán, rất nhiều hộ đã bị thua lỗ trắng tay “dở khóc dở mếu” vì... tôm.

Một bản báo cáo của Hội Sếu quốc tế cho biết: số lượng sếu đầu đỏ đang giảm đi một cách đáng báo động. Tại Kiên Giang, thời điểm tháng 3-2001 là 348 con, tháng 3-2002 là 377 con, tháng 3-2003 là 258 con, tháng 3-2004 là 150 con và hiện nay chỉ đếm được trên dưới 200 con. Chúng chỉ về ngủ đêm, còn ban ngày lại bay đi kiếm ăn nơi khác. Dự báo sếu sẽ không về Hòn Chông khi vùng đầm ngập nước ở đây không còn nữa.

Giữ chân đàn sếu - một loài chim quí hiếm mà thế giới đang ra sức bảo vệ, cũng như bảo tồn được sự đa dạng sinh học của vùng đồng cỏ ngập nước sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn mở ra hướng phát triển mới cho ngành du lịch Kiên Giang trong việc phát triển du lịch sinh thái với cụm du lịch lý tưởng từ An Giang - Hà Tiên - Kiên Lương, Phú Quốc.

Tiếc thay, các dự án bảo tồn đều dừng lại bởi gặp quá nhiều khó khăn do thiếu sự đồng thuận giữa các bên. Các nhà khoa học thì tỏ rất tâm huyết và nhà tài trợ cũng sẵn sàng bỏ tiền ra nhưng địa phương lo ngại, không mặn mà vì sợ “đụng chạm quyền lợi”. Thế nên thông tin mới nhất mà chúng tôi nắm được hiện tại là 100ha còn lại cũng đã và đang được đào bới chuyển sang nuôi tôm.

Tôi rời Kiên Lương về lại thị xã mà lòng nặng trĩu. Rồi đây sếu sẽ về đâu? Câu hỏi ấy cứ xoáy vào lòng đau nhói. Chúng tôi thầm cầu mong có một phép mầu để số phận của đàn sếu đầu đỏ bớt mong manh.

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên