22/10/2015 09:01 GMT+7

Một phút trôi qua, tiền của nhân dân chảy đi

MAI HƯƠNG thực hiện
MAI HƯƠNG thực hiện

TTO - Lần thứ hai trong hai kỳ họp Quốc hội liên tiếp, buổi thảo luận phải kết thúc sớm vì nhiều đại biểu không có ý kiến. Nhiều bạn đọc quan tâm câu chuyện này.

Các đại biểu ra về vào 9g15 sáng 21-10 sau khi Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố kết thúc phần làm việc buổi sáng vì chỉ có bốn ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận Luật kế toán

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, tại phiên thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã tuyên bố kết thúc buổi họp Quốc hội sớm hơn 2 tiếng so với dự kiến vì không có đại biểu bấm nút tham gia ý kiến thảo luận.

Đây là lần đầu tiên sau 9 kỳ họp của Quốc hội khóa XIII, một phiên họp Quốc hội phải kết thúc sớm khi không đại biểu nào tham gia ý kiến.

Phó chủ tịch quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, người điều hành phiên thảo luận này, cũng khá bất ngờ và có phần bối rối trước tình huống này.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý các đại biểu cần dành thời gian tối đa cho kỳ họp, không được vắng họp vì những lý do không chính đáng. Ông lo ngại rằng “Nếu các đại biểu không đi họp đủ thì Quốc hội sẽ rất trống vắng. Quyết định của chúng ta sẽ không được đa số”.

Đại biểu có vắng họp nhiều hay không thì chưa biết vì kỳ họp mới vừa diễn ra được hai ngày, nhưng việc nhiều đại biểu không có ý kiến tại buổi thảo luận sáng 21-10 về Luật kế toán khiến Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải tuyên bố kết thúc phiên họp sớm là câu chuyện nhiều bạn đọc và cử tri quan tâm.

Tuổi Trẻ xin trích đăng ý kiến của nguyên đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu và một số cử tri.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - của Quốc hội:
Đừng để dân nhìn vào coi không được

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu - Ảnh: T.L
Đại biểu Quốc hội đi họp mang theo ý chí, nguyện vọng, gửi gắm của cử tri nhưng vào họp anh không phát biểu, họp nhanh về nghỉ sớm thì dân nhìn vào coi không được.

Việc đại biểu Quốc hội nhất trí cao, không có thêm ý kiến gì khác cũng là bình thường tại nghị trường quốc hội. Không phải chuyện gì cũng phải đem ra cãi nhau thì mới tốt.

Tuy nhiên ở đây là khâu xây dựng chương trình kỳ họp, có trách nhiệm của người lên dự kiến chương trình và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi biểu quyết thông qua chương trình của toàn bộ kỳ họp.

Nếu dự luật đã tiếp thu đầy đủ ý kiến nhân dân, ý kiến của đại biểu trong những lần trước và lần này đo lường được sẽ ít có thêm ý kiến đóng góp thì có thể hoạch định, điều chỉnh chương trình sao cho hợp lý, tiết kiệm thời gian. Một phút trôi qua là tiền của nhân dân chảy đi. 

Đầu kỳ họp, khi đại biểu biểu quyết thông qua chương trình là đồng ý về tính hợp lý của chương trình nghị sự, xác định phân bổ thời gian cho từng nội dung chứ không phải biểu quyết cho xong thủ tục.

Mình biểu quyết thế nào mà Quốc hội dành nhiều thời gian cho dự luật đó nhưng rốt cuộc đem ra thảo luận chỉ có vài ba ý kiến thì phải xem lại tính hợp lý của chương trình. Như thế chứng tỏ đại biểu cũng thiếu trách nhiệm với chính mình.

Chương trình kỳ họp đâu phải do Ủy ban thường vụ Quốc hội đặt ra rồi ép Quốc hội phải theo. Đúng ra trong hội nghị trù bị, các đại biểu nên có ý kiến để điều chỉnh thời gian cho phù hợp, tránh lãng phí.

Để tổ chức một kỳ họp Quốc hội, ngân sách cũng tốn kém nhiều. Điện, nước, máy móc phục vụ, tiền ăn ở, đi lại của đại biểu… là tiền của dân cả. Thêm một ngày, một giờ họp cũng là tiêu tốn thêm tiền của dân.

Tiền của dân phải chảy vào chỗ có ích chứ không thể để chảy đi vô ích. Những chuyện như vậy Quốc hội phải rút kinh nghiệm. Quốc hội làm việc tất cả đều trên tinh thần dân chủ. 

Tôi cho rằng cần tăng cường trách nhiệm của đại biểu nhiều hơn nữa. Làm sao cho kỳ họp nào của Quốc hội, dù là đầu nhiệm kỳ hay cuối nhiệm kỳ, cũng phải sôi nổi như chợ đông buổi sáng chứ không thể là phiên chợ chiều đìu hiu.

Tránh tâm lý xem đây là kỳ họp cuối, có đại biểu sẽ không tái cử nên nảy sinh tâm lý tranh thủ nghỉ ngơi, làm cho qua chuyện.

Đại biểu đi họp mà không tập trung, nói chuyện riêng, ngủ gục, chơi game… người dân đều có thể biết hết. Đại biểu làm gì cũng nên nghĩ rằng mọi hành vi của mình dân đều quan sát. Cho nên phải hết sức nghiêm túc để dân còn niềm tin vào Quốc hội. Đây cũng là cơ sở để người dân lựa chọn những gương mặt bầu vào Quốc hội khóa tới.

Cử tri Vũ Nga, quận 10:
Đừng để cuộc sống ngồn ngộn vấn đề mà nghị trường thì bình yên quá

Ông Vũ Nga - Ảnh: Quang Định

Đại biểu không có ý kiến có thể có nhiều nguyên nhân: luật đã chặt chẽ rồi không cần góp ý nữa, đại biểu đồng thuận cao với bản dự thảo, đại biểu không hiểu rành về chuyên môn kế toán nên khó góp hoặc do đại biểu không tha thiết muốn góp ý.

Tôi băn khoăn nhiều nhất về lý do thứ ba. Gần đây, thực tế cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề nóng như chuyện lấp sông Đồng Nai, chuyện lấn chiếm đất công, tham nhũng, lãng phí… nhưng tôi thấy trên diễn đàn Quốc hội rất im ắng, chỉ có một số ít người lên tiếng mà ý kiến cũng rất "nhẹ nhàng".

Không hiểu vì lý do gì nhưng sự im lặng của các vị khiến người dân chúng tôi phải đặt câu hỏi liệu có phải do trong thời điểm các nơi đại hội Đảng, rồi chuẩn bị hết nhiệm kỳ Quốc hội nên đại biểu chọn cách “im lặng là vàng” hay không?

Nếu có tình trạng này thì lãnh đạo Quốc hội phải chấn chỉnh ngay từ đầu kỳ họp. Đừng để cuộc sống thì ngồn ngộn vấn đề mà nghị trường thì bình yên quá.

Cử tri Lý Thiếu Mai (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1)
Luật chuyên ngành, nhiều đại biểu không rành?

Bà Lý Thiếu Mai - Ảnh: Quang Định

Bản thân tôi là người làm trong ngành kinh tế, từng làm kế toán nên tôi hiểu để có thể góp ý sâu cho luật này phải có kiến thức chuyên môn vững, có kinh nghiệm thực tế và am hiểu về kinh tế. Đại biểu Quốc hội đâu phải ai cũng rành lĩnh vực này.

Dưới góc độ của người trong ngành, tôi cho rằng lĩnh vực kế toán cũng còn nhiều chuyện phải bàn, còn nhiều kẽ hở để người ta lợi dụng.

Quốc hội bàn rất nhiều chuyện. Đại biểu Quốc hội cũng không phải cái gì cũng biết hết nhưng cơ cấu Quốc hội mấy trăm người như vậy chắc chắn lĩnh vực nào cũng phải có người rành, hiểu sâu.  Tôi cho là phải xây dựng luật sao cho chặt, lấp được những khoảng hở như vậy, ràng buộc trách nhiệm rõ ràng. Có như vậy luật mới sát thực tế, mới đi vào cuộc sống.

Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt, phường Cô Giang, quận 1:
Đại biểu không nắm vững vấn đề hay chưa tìm hiểu kỹ?

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Ảnh: Quang Định

Theo tôi, hoạt động Quốc hội trong thời gian gần đây đã có nhiều tiến bộ. Riêng chuyện Luật kế  toán chỉ có vài người góp ý, tôi cho là do đại biểu không nắm vấn đề, chưa đầu tư tìm hiểu kỹ và chưa am hiểu các vấn đề kinh tế.

Đại biểu Quốc hội cũng không nắm rõ, không thể cho ý kiến xác đáng, điều này dẫn đến tình trạng luật không thể đi vào cuộc sống.

MAI HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên