05/05/2023 13:53 GMT+7

Một học sinh bị tổn thương gan, thận vì sốc nhiệt khi tập chạy ở trường

Tập chạy quanh sân bóng nhà trường trong 30 phút dưới nắng nóng, học sinh T.T.K. (14 tuổi) bị sốc nhiệt, ghi nhận tổn thương gan, thận.

Một học sinh bị tổn thương gan, thận vì sốc nhiệt khi tập chạy ở trường - Ảnh 1.

Học sinh T.T.K. (nam, 14 tuổi) bị tổn thương gan, thận do sốc nhiệt khi tập chạy quanh sân bóng nhà trường trong 30 phút - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trưa 5-5, bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết bệnh viện vừa cấp cứu thành công bệnh nhi T.T.K. (nam, 14 tuổi) bị tổn thương gan, thận do sốc nhiệt.

Khai thác bệnh sử ghi nhận lúc 8h30 ngày 4-5, học sinh K. tập chạy quanh sân bóng của trường. K. chạy được 10 vòng trong 30 phút, mỗi vòng trung bình 400m.

Sau khi chạy xong, K. than mệt, vã mồ hôi, vọp bẻ chân (chuột rút), nhức đầu, ngất xỉu không biết gì. Em được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng tím tái, thở yếu, sốt 41 độ C, SpO2 70%, mạch nhẹ 165 lần/phút, huyết áp 80/50mmHg.

K. được bác sĩ đặt nội khí quản giúp thở, truyền dịch chống sốc, chụp CT-Scan não không ghi nhận tổn thương. Tuy nhiên tình trạng sức khỏe của K. diễn tiến nặng và được chuyển Bệnh viện Nhi đồng thành phố lúc 13h30 cùng ngày.

Tại đây, ghi nhận K. còn lơ mơ, tự thở qua nội khí quản, sốt 39 độ C, mạch 126 lần/phút, huyết áp 110/80mmHg, da khô nóng. 

Bệnh nhi được chẩn đoán sốc nhiệt khi vận động gắng sức trong môi trường nắng nóng.

Qua xét nghiệm máu, X-quang phổi, CT-Scan não kiểm tra, ghi nhận K. bị tổn thương gan, thận, toan chuyển hóa, lactate (sản phẩm của quá trình chuyển hóa tế bào) máu tăng. Bệnh nhi tiếp tục được truyền dịch, lau mát bằng nước thường kết hợp với quạt để tăng cường thải nhiệt, điều chỉnh điện giải, đường huyết...

Sau 6 giờ điều trị, sức khỏe của K. được cải thiện, sốt 38 độ C, tỉnh táo, tự thở khá. Bệnh nhi tiếp tục điều trị hỗ trợ gan thận, theo dõi tình trạng huyết động.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Minh Tiến lưu ý đến phụ huynh vào mùa nắng nóng nên cho trẻ mặc đồ vải mỏng, ngắn tay, màu nhạt để tránh hấp thu nhiệt. Đồng thời uống nhiều nước, tránh chơi vận động mạnh dưới trời nắng nóng, đội nón rộng vành khi đi ngoài trời nắng.

Những ngày qua, thời tiết tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành rất oi bức, nắng nóng hầm hập từ sáng sớm kéo dài đến chiều tối.

Các bác sĩ cảnh báo thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải dễ dẫn đến rối loạn chuyển hóa, thậm chí đột quỵ do sốc nhiệt. Tuy nhiên vẫn có nhiều người chủ quan hay cố gắng lao động ngoài trời gây nguy hiểm sức khỏe.

Riêng với trẻ nhỏ là nhóm đặc biệt dễ bị tác động bởi thời tiết oi bức như hiện nay.

Khi trẻ hoạt động, vui chơi liên tục trong môi trường nhiệt độ cao có thể dẫn đến sốc nhiệt. Đây là tình trạng đe dọa đến tính mạng vì nhiệt độ cơ thể tăng quá cao, trên 40 độ C. Sốc nhiệt có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương và các mô khác của cơ thể.

Nắng nóng hầm hập, nhiều người đổ bệnhNắng nóng hầm hập, nhiều người đổ bệnh

Những ngày qua, thời tiết tại TP.HCM, Hà Nội và nhiều tỉnh miền Trung rất oi bức. Nắng nóng gay gắt khiến người lao động làm việc ngoài trời dễ bị say nắng, sốc nhiệt. Trẻ nhỏ đổ bệnh vì nắng nóng cũng tăng lên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên