17/02/2019 09:16 GMT+7

Mong chờ những trang sử đổi thay

V.HÀ - M.GIẢNG - H.HƯƠNG  ghi
V.HÀ - M.GIẢNG - H.HƯƠNG ghi

TTO - Đưa hai cuộc chiến tranh biên giới vào chương trình giáo dục phổ thông mới sắp triển khai là nỗ lực rất lớn của các nhà biên soạn chương trình lịch sử.

Mong chờ những trang sử đổi thay - Ảnh 1.

Sách giáo khoa lớp 12 hiện tại, trang 207 có đoạn rất ngắn nói về chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 - Ảnh: NGUYỆT NHI

Không đưa nội dung về cuộc chiến biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc một cách độc lập, các nhà biên soạn chương trình đã đặt hai cuộc chiến trong tiến trình lịch sử theo các mạch nội dung thông sử ở lớp 9 và các chủ đề, chuyên đề ở bậc THPT.

Trong chương trình lớp 9 mới, nội dung các cuộc chiến biên giới Tây Nam và phía Bắc nằm trong mạch nội dung "Việt Nam những năm 1976-1991". Đây là một nội dung thông sử về cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và lợi ích của vùng biên giới phía Bắc và Biển Đông. Mạch kiến thức này sẽ nêu nguyên nhân, diễn biến, ý nghĩa của các sự kiện lịch sử... Ở bậc THPT, hai cuộc chiến biên giới sẽ trình bày trong chủ đề "Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam từ tháng 8-1945 đến nay".

Ở bậc THPT còn có 3 chủ đề lịch sử có nội dung của hai cuộc chiến tranh biên giới. Đó là "Lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông" (lớp 11), "Công cuộc đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay" và "Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam" (lớp 12).

Theo GS.TS Phạm Hồng Tung - chủ biên chương trình lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, cách thiết kế như thế sẽ giúp cho việc tìm hiểu về các cuộc chiến tranh được đặt trên hệ quy chiếu lịch sử đồng nhất là lịch sử quân sự, lịch sử kháng chiến và đấu tranh chống ngoại xâm. Cách làm này sẽ thuận lợi hơn cho học sinh, giúp học sinh hiểu một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống thuận theo tiến trình lịch sử. Và chính điều này cũng tránh cho bất cứ can thiệp nào vào nội dung chương trình giáo dục lịch sử nhân danh "vấn đề nhạy cảm".

Theo GS Tung thì với cách thiết kế trên, lịch sử các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc bao gồm: kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ cứu nước và các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc được đề cập ít nhất 2 lần ở cấp THCS và THPT với mức độ, cách tiếp cận khác nhau. Riêng vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia từ sau năm 1979 được đề cập ít nhất 3 lần trong 3 chủ đề khác nhau.

So với 13 dòng về chiến tranh biên giới Tây Nam và 11 dòng về chiến tranh biên giới phía Bắc trong sách giáo khoa (SGK) lịch sử hiện hành thì dung lượng như GS.TS Phạm Hồng Tung chia sẻ là một bước thay đổi lớn.

Từ việc những nội dung trên sẽ đưa vào SGK và thiết kế chương trình, Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến nhận xét:

* Cô Ngô Thị Thành (phó hiệu trưởng - giáo viên dạy lịch sử Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):

Chương trình hợp lý

a5

Cô Ngô Thị Thành

Bổ sung vào chương trình cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và phía Bắc là cần thiết vì chúng ta cần khách quan thừa nhận đây là những sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ. Đây là một phần nội dung của lịch sử Việt Nam, lịch sử Trung Quốc, lịch sử khu vực Đông Á, Đông Nam Á và lịch sử thế giới hiện đại.

Theo tôi, cách xây dựng như chương trình mới là hợp lý vì khi các sự kiện, các vấn đề lịch sử đó được đề cập có hệ thống, đầy đủ, khách quan hơn thì nó sẽ có tác dụng sâu sắc hơn trong việc giáo dục cho học sinh, giúp học sinh dễ hình dung, hiểu sâu sắc hơn về truyền thống yêu nước, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của các thế hệ đi trước, hình thành cho học sinh cách ứng xử, ý thức trách nhiệm trước những vấn đề đang diễn ra của đất nước. Việc giảng dạy và học tập lịch sử cuộc chiến này nhằm giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam hiểu rõ, hiểu đúng về quá khứ, giúp họ nhận thức rõ cái đúng, cái sai, cái chính nghĩa, cái phi nghĩa trong quá khứ để khép lại quá khứ, hướng tới tương lai hòa bình, hòa giải, hữu nghị và hợp tác. Trong giảng dạy, cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị..., không hề giúp cho các lập luận, phân tích, đánh giá gia tăng tính thuyết phục, trái lại làm bộc lộ rõ thái độ định kiến, áp đặt, phiến diện, thiếu khách quan và do đó thiếu tính thuyết phục.

* GS.TS Võ Văn Sen (chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.HCM, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Giáo dục bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ

a1

GS.TS Võ Văn Sen

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc cũng có ý nghĩa rất to lớn khi nó bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, củng cố và phát triển nước Việt Nam. Do vậy, việc phục hồi đầy đủ những trang sử có ý nghĩa rất lớn. Nếu không chúng ta sẽ có tội với những chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng chiến đấu và hi sinh, không khẳng định được tinh thần dân tộc, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cũng như không rút ra được những bài học từ lịch sử để bảo vệ đất nước, nhất là trong điều kiện Biển Đông hiện nay.

Từ những lý do ấy, việc giảng dạy một cách đầy đủ về dung lượng, trung thực về diễn biến và ý nghĩa, những bài học rút ra từ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là rất cần thiết. SGK là tài liệu chính thống và những trang sử trung thực về cuộc chiến này là rất cần thiết để giáo dục học sinh những bài học vệ quốc từ lịch sử.

* PGS.TS Ngô Minh Oanh (giảng viên cao cấp khoa lịch sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục):

Để hiểu đúng, hiểu đủ

a2

PGS.TS Ngô Minh Oanh

Cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 có thể nói là cuộc chiến lớn nhất về quy mô, số lượng người tham gia so với các cuộc chiến thời phong kiến nhưng liều lượng trong SGK lại quá ít và không đầy đủ. Lần này đưa vào SGK, điều quan trọng nhất là phải khách quan, trình bày đúng sự thật lịch sử để học sinh hiểu được tiến trình lịch sử, tôn vinh những người chiến đấu, hi sinh bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta không khơi hận thù mà để giới trẻ hiểu đúng, hiểu đủ và rút ra những bài học sâu sắc về bảo vệ Tổ quốc. Hiểu đầy đủ về lịch sử nước nhà trong quan hệ với các nước láng giềng sẽ giúp thế hệ trẻ có cái nhìn trách nhiệm và ý thức hơn về ý nghĩa to lớn của sự toàn vẹn lãnh thổ không chỉ trước đây mà còn sau này.

* ThS Nguyễn Kim Tường Vy (tổ tưởng tổ sử Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM):

Tránh được cái nhìn lệch lạc

a4

ThS Nguyễn Kim Tường Vy

Cuộc chiến năm 1979 là một phần của lịch sử và nó là sự thật - giới trẻ Việt Nam cần phải biết và biết một cách chính xác. Do đó, tôi mong SGK sẽ thể hiện đúng bối cảnh, diễn biến... về xung đột năm 1979, những bài học và cách để tránh những cuộc chiến tương tự trong tương lai. Việc SGK cung cấp thông tin đầy đủ về cuộc chiến là rất cần thiết, để cho học sinh hiểu được lịch sử nước nhà - không phải để hận thù mà là biết để tránh những cuộc chiến tương tự.

* ThS Nguyễn Viết Đăng Du (tổ trưởng tổ sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):

Cần thể hiện khách quan

a3

ThS Nguyễn Viết Đăng Du

Tôi thực sự vui khi nghe tin SGK sẽ có nội dung về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân dân ta. Tôi mong muốn nội dung về cuộc chiến này được viết trong SGK một cách trung thực, rõ ràng và khách quan để học sinh hiểu được mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc thay đổi trong từng giai đoạn khác nhau, có những giai đoạn thăng trầm. Trong đó, cuộc chiến năm 1979 là giai đoạn quan hệ giữa hai bên không tốt đẹp. Khi giới trẻ hiểu đúng và đủ vấn đề, các em mới có thái độ đúng đắn được.

Nói cách khác, tôi mong muốn cuộc chiến năm 1979 phải được nhìn nhận là một sự kiện lịch sử chứ không phải sự kiện chính trị.

Việc cấp thiết

vuninh 4(read-only)

Các nghiên cứu, loại sách có cách đặt vấn đề, diễn đạt khác nhau nhưng đều cần viết đúng sự thật, khách quan về những điều đã diễn ra, phân tích đầy đủ bản chất của sự kiện lịch sử, bài học kinh nghiệm và thể hiện sự tri ân với những người Việt đã hi sinh xương máu giữ gìn Tổ quốc. Các SGK lịch sử, văn học và môn khoa học xã hội khác cần phải chú ý điều này. Đặc biệt không khơi gợi hận thù. Việc nhắc lại quá khứ để có hành xử đúng đắn cho hôm nay, phòng ngừa cho ngày mai là cần thiết và cấp thiết đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.

GS Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội)

* Phạm Đức Thắng (lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM):

Tôi bắt đầu tìm hiểu về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 từ khi học lớp 9, nhưng trên mạng thì có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau phục vụ cho những mục đích khác nhau nên tôi cũng không biết cái nào đúng, cái nào sai.

Tôi sắp hoàn thành chương trình bậc THPT và hơi tiếc vì chương trình môn lịch sử không có nhiều thông tin cho giai đoạn 1979 - 1989. Hi vọng các thế hệ đàn em của tôi sau này sẽ được học đầy đủ hơn.

* Huệ Lâm (học sinh lớp 10A4 Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM):

Hồi năm lớp 9, em không được học về cuộc chiến này nên hiện tại em khá mù mờ. Nếu là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam thì việc đưa vào SGK là vô cùng cần thiết. Chúng em ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, biết nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ và biết ơn những người đã ngã xuống vì hòa bình dân tộc nếu được học hỏi kỹ lưỡng.

Thông tin đưa vào sách cần chính xác, khách quan, tránh đưa dài dòng lê thê, nên đưa thông tin kèm theo những hình ảnh chân thực, sống động để khơi gợi hứng thú tìm hiểu của học sinh.

H.HG. - P.NGUYỄN ghi

V.HÀ - M.GIẢNG - H.HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên