Đáng lưu ý, có 1.230 văn bản trái về nội dung, thẩm quyền ban hành, trung bình mỗi ngày có từ 3-4 văn bản nội dung trái luật được ban hành. Tuổi Trẻ trao đổi với ông Đồng Ngọc Ba - cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.
Chưa có quy định về bồi thường thiệt hại do văn bản trái luật gây ra cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay chỉ có quy định cơ quan ban hành văn bản trái luật phải khắc phục hậu quả do văn bản trái luật gây ra, còn quy định chi tiết về việc bồi thường, khắc phục hậu quả chưa có, chưa cụ thể.
Từ bộ đến xã đều có quyền ban hành văn bản
* Thưa ông, 1.400 đầu mối kiểm tra, giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang thực hiện nhiệm vụ thế nào mà vẫn có hàng ngàn văn bản sai luật mỗi năm?
- Có thể nói hệ thống cơ quan ban hành văn bản hiện nay rất phức tạp, tất cả các bộ trưởng đều có thẩm quyền ban hành thông tư, HĐND cấp tỉnh ban hành nghị quyết, UBND ban hành quyết định.
Với 22 đầu mối bộ ngành, 126 đầu mối ban hành văn bản cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, khoảng 720 huyện và hơn 10.000 xã có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi được luật giao.
Như vậy, cả nước có hơn 20.000 đầu mối có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
1.400 đầu mối giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nằm rải rác ở tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Cơ quan kiểm tra có thể kết luận bộ, ngành, địa phương ban hành văn bản để đẻ ra thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trái luật, nhưng văn bản đó tác động tốt, xấu đến xã hội, cộng đồng doanh nghiệp thế nào thì cơ quan kiểm tra văn bản không có đủ thông tin, cơ sở, trách nhiệm để kết luận.
* Hiện có một hệ thống màng lọc, giám sát rất kỹ trong khâu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, vậy tại sao những năm gần đây năm nào cũng có hàng ngàn văn bản trái luật?
- Năm 2017, các cơ quan đã ban hành 40.350 văn bản, trong đó có 5.630 văn bản bị phát hiện có nội dung trái luật.
Tính bình quân cứ 20 cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản thì có một cơ quan ban hành văn bản trái luật.
Trên cả nước, số văn bản trái luật những năm qua giảm dần, nhưng cá biệt vẫn có bộ, ngành số văn bản ban hành trái luật tăng lên.
Trong số hàng chục nghìn văn bản được ban hành trong năm 2017, Bộ Tư pháp chỉ kiểm tra theo thẩm quyền 5.848 văn bản do cấp bộ, cấp tỉnh ban hành và phát hiện 157 văn bản có nội dung trái luật và ban hành trái thẩm quyền.
Thẩm quyền giám sát, xử lý các văn bản trái luật này do bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm. Văn bản trái luật được coi là xử lý dứt điểm khi văn bản đó được thay hoặc bãi bỏ.
Bộ Tư pháp không có thẩm quyền dừng, đình chỉ, sửa các văn bản trái luật, các cơ quan ban hành văn bản trái luật phải trực tiếp sửa các văn bản trái luật theo quy định.
Người dân và doanh nghiệp rất cần giảm tối đa văn bản hành chính để việc làm thủ tục đơn giản hơn. Nhiều năm qua Đà Nẵng là điểm sáng của cả nước về cải cách thủ tục hành chính. Trong ảnh: người dân làm thủ tục một cửa tại Trung tâm hành chính Đà Nẵng - Ảnh: T.LỰC
Chưa tính toán được thiệt hại
* Thưa ông, đến nay đã có thống kê về thiệt hại do hàng ngàn văn bản trái luật gây ra chưa?
- Hiện chúng tôi chưa có thống kê cụ thể. Có thể khẳng định hiện chưa đủ năng lực để định lượng thiệt hại do văn bản trái luật gây ra, dù đây là điều rất cần thiết, nhưng điều kiện hiện tại chưa có cơ sở để đánh giá hết.
Các kiến nghị do doanh nghiệp, người dân gửi đến Bộ Tư pháp, Cục Kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật thông thường cũng chỉ đề cập văn bản có bảo đảm tính pháp lý không để xử lý, chứ chưa thấy doanh nghiệp, người dân kiến nghị về thiệt hại bao nhiêu tiền do văn bản trái luật gây ra.
Cũng có trường hợp doanh nghiệp kiến nghị về các quy định do địa phương ban hành bất hợp lý trong thực tế.
Bộ đang sử dụng thông tin kiến nghị của các tổ chức, cá nhân như một kênh thông tin quan trọng, và một trong những giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xử lý văn bản trái luật thời gian tới.
33 - 49,5 tỉ đồng
Đó là số tiền 22 bộ, ngành chi cho việc xây dựng các thông tư trong năm 2017, chi phí cho xây dựng một thông tư 30 - 45 triệu đồng. 22 bộ, cơ quan ngang bộ, ban hành khoảng 1.100 thông tư, 63 địa phương ban hành khoảng 4.000 văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2017.
* Trong số văn bản có nội dung trái luật do Bộ Tư pháp phát hiện, có văn bản nào có dấu hiệu cài cắm lợi ích nhóm các ngành như dư luận lâu nay lo ngại?
- Cũng có lo ngại như vậy, nhưng quá trình kiểm tra thông tư của các bộ, rồi văn bản của chính quyền địa phương, cục phải trao đổi qua rất nhiều cuộc họp mới kết luận được văn bản trái luật.
Nhưng đến nay không đủ cơ sở để kết luận những quy định pháp luật nào tạo ra lợi ích nhóm cho ngành nào, và không đủ cơ sở để kết luận có lợi ích nhóm hay không.
Nhưng cũng có những quy định ban hành để dễ quản như quy định nặng tính xin cho, thu hẹp quyền của người dân, doanh nghiệp, tác động không tốt cho xã hội.
Tuy nhiên, chưa khẳng định quy định trái luật đó mang lại lợi ích cho cơ quan, đơn vị hay nhóm công chức nào đó.
* Việc chế tài, xử lý người ký văn bản trái luật được thực hiện thế nào, thưa ông?
- Trong quy định pháp luật về công chức đã có những quy định về xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức khi có vi phạm.
Rõ ràng việc ra văn bản trái luật có ảnh hưởng khác nhau nên cần xem xét mức độ, tính chất để có biện pháp xử lý phù hợp.
Còn trong các quy định về kiểm tra văn bản chỉ quy định người tham mưu, soạn thảo, trình, ký văn bản trái luật sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm.
Đến nay đã có một vài cơ quan tiến hành xử lý kỷ luật công chức khi soạn thảo, trình, ký văn bản trái luật, chẳng hạn năm 2017 Bộ Giao thông vận tải đã xử lý một số công chức ban hành văn bản có nội dung trái luật.
Dở khóc dở cười vì thông tư
Ông Huỳnh Minh Vũ, trưởng văn phòng luật sư Huỳnh Minh Vũ (Q.3, TP.HCM), cho biết trước đây văn phòng luật sư của ông mở tài khoản ngân hàng đứng tên văn phòng luật sư để giao dịch với khách hàng.
Tuy nhiên, sau khi thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, văn phòng luật sư - theo quy định không có tư cách pháp nhân - không được mở tài khoản ngân hàng.
Theo đó, ông vẫn được giữ số tài khoản cũ nhưng tên chủ tài khoản chuyển thành tên cá nhân ông.
"Việc chuyển tên chủ tài khoản từ tên văn phòng luật sư thành tên cá nhân khiến cho khách hàng có cảm giác tôi làm việc không chuyên nghiệp, vì họ giao dịch, sử dụng dịch vụ là của văn phòng luật sư nhưng khi thanh toán tiền lại thanh toán cho cá nhân tôi" - ông Vũ nói.
Tương tự như vậy, với chủ doanh nghiệp tư nhân - một tổ chức cũng không có tư cách pháp nhân - và theo quy định của thông tư 32 không được đứng tên chủ tài khoản.
Chủ một DNTN tại Q.Bình Thạnh (đề nghị không nêu tên) cho biết tên doanh nghiệp và tên ông hoàn toàn... không liên quan.
Trước đây mua hàng, khách hàng chuyển tiền về tài khoản doanh nghiệp tư nhân.
Nay theo yêu cầu mới, tài khoản phải "thay tên đổi họ" dẫn đến phiền toái không ít vì khách hàng theo thói quen cũ ghi tên chủ tài khoản là tên doanh nghiệp.
Rắc rối nữa phát sinh khi cá nhân ông đứng tên chủ tài khoản của doanh nghiệp tư nhân là không thể thực hiện được việc ủy quyền. Muốn rút tiền, chuyển tiền ông phải đích thân ra ngân hàng.
Nếu kẹt công việc khác thì giao dịch bị đình trệ. Trong khi trước kia khi tài khoản đứng tên tổ chức thì ông được ủy quyền cho người khác làm.
Ánh Hồng
* Luật sư Trương Thanh Đức:
Quy định vô lý, không phù hợp thực tế
Thông tư số 32/2016 do Ngân hàng Nhà nước ban hành nêu "đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và pháp nhân" là sai cơ bản.
Rõ ràng Bộ luật dân sự 2015 quy định chỉ có hai chủ thể cá nhân, pháp nhân và không có chủ thể thứ ba.
Thực tế có những khách hàng của ngân hàng như tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tư nhân, gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân, cũng không phải là chủ thể nhưng không được phép loại bỏ, điều này được quy định rõ trong Luật doanh nghiệp.
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 ghi rất rõ, khi giao dịch, khi kiện cáo thì chủ doanh nghiệp là đại diện chứ không phải doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cực kỳ vô lý khi loại trừ tập đoàn, tổng công ty, văn phòng luật sư, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác ra khỏi giao dịch ngân hàng, đây là sai trong thực tế.
Bỗng dưng bị truy thu thuế vì nghị định, thông tư khác luật
Gần đây, nhiều doanh nghiệp ngành sơn khốn khổ vì quyết định truy thu thuế của Cục Hải quan Bình Dương liên quan Luật thuế bảo vệ môi trường từ năm 2010.
Giám đốc một doanh nghiệp cho biết dù theo Luật doanh nghiệp không nằm trong đối tượng thu thuế môi trường nhưng hai văn bản nghị định và thông tư hướng dẫn luật này lại thêm một đối tượng chịu thuế so với điều quy định trong luật, khiến một loạt doanh nghiệp bỗng dưng thành đối tượng bị truy thu thuế.
Vấn đề công văn bắt đầu truy thu xuất phát từ một văn bản hướng dẫn của Tổng cục Hải quan trả lời cơ quan hải quan địa phương.
Thế nên gần một tháng nay, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương nhận được thông báo truy thu thuế môi trường, nếu doanh nghiệp không tự nguyện nộp tiền truy thu sẽ phải đóng tiền phạt nộp chậm.
"Trước đây, khi luật mới ra đời doanh nghiệp xác định mình không thuộc đối tượng chịu thuế nên không đóng, giờ chúng tôi bị truy thu thuế từ tờ khai đầu tiên của doanh nghiệp tính từ khi luật ra đời vào năm 2010.
Không những vậy, doanh nghiệp còn phải nộp thêm tiền phạt với lãi suất và phạt vi phạm hành chính nếu hải quan phát hiện theo quy định của lĩnh vực hải quan. Như vậy quá áp đặt", vị giám đốc cho biết.
N.Bình
Ông Đậu Anh Tuấn (trưởng Ban pháp chế - VCCI):
Có những cách hiểu luật khác nhau
Thông tư số 83/2016/TT-BTC không tác động nhiều đến doanh nghiệp trên thực tế.
Hiện cách hiểu luật của các bộ có khác nhau, ví dụ theo quy định hiện nay, thông tư không được quy định điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, nhưng một số luật lại giao cho bộ hướng dẫn cụ thể nên các bộ ban hành thông tư hướng dẫn có bao gồm thủ tục hành chính.
Nếu soi theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật như vậy là trái, nhưng luật chuyên ngành lại giao bộ chuyên ngành hướng dẫn.
Hiện nay đang có tranh cãi giữa các bộ về điều này khi nhìn vào 1.236 điều kiện kinh doanh trái luật.
Hơn nữa, giờ hiểu thế nào về điều kiện kinh doanh đến nay vẫn chưa rõ ràng, có bộ, ngành bảo đó là quy chuẩn kỹ thuật, nhưng có bộ lại bảo đó là điều kiện kinh doanh.
Một số quy định trái luật
* Thông tư số 32/2016 do Ngân hàng Nhà nước ban hành nêu "đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng chỉ gồm cá nhân và pháp nhân".
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng đây là quy định không hợp pháp, hạn chế quyền của các tổ chức không có tư cách pháp nhân đã được pháp luật quy định trong việc mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, cũng như hạn chế quyền của ngân hàng trong cung ứng dịch vụ mở tài khoản thanh toán cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân.
* Thông tư 83/2016 hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư; thông tư 219/2013 hướng dẫn thi hành Luật thuế giá trị gia tăng do Bộ Tài chính ban hành trái luật.
* Bộ VH-TT&DL ban hành thông tư liên tịch số 19/2013 hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ di tích; thông tư 28/2014 quy định mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa trái luật.
* Bộ LĐ-TB&XH ban hành 2 thông tư trái luật số 46/2016 quy định điều lệ trường cao đẳng, thông tư 47/2016 quy định điều lệ trường trung cấp.
* Bộ Y tế ban hành quyết định 4930/2016 quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận