08/01/2014 04:00 GMT+7

Miệt mài xin việc

PHẠM HOÀNG HẢI TRIỀU (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
PHẠM HOÀNG HẢI TRIỀU (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

TT - Tôi tốt nghiệp đại học đã gần một năm nay nhưng vẫn thất nghiệp. Ngoài nỗi đau và trăn trở của các bậc làm cha làm mẹ thì chính bản thân chúng tôi - những sinh viên đã cầm trên tay tấm bằng đại học - cũng gánh chịu sự nặng nề không kém.

Cái không khí vui tươi của lễ tốt nghiệp vẫn còn lâng lâng trong lòng như mới diễn ra hôm qua. Tấm bằng đại học đẹp và trân trọng làm sao! Tôi sung sướng chuẩn bị hồ sơ để kiếm việc làm trong tâm thế ấy. Trước hết tôi đặt mục tiêu sẽ xin vào công ty lớn, đúng chuyên ngành vì nghĩ rằng một người tốt nghiệp loại khá, có thêm bằng B Anh văn, bằng B vi tính thì cũng đủ “sức nặng” cho hồ sơ xin việc.

Nhưng ngày qua ngày, niềm tin và hi vọng ấy cứ tan dần. Một bộ hồ sơ nộp và sau đó chờ đợi... chờ đợi... Không được gọi phỏng vấn! Thêm một bộ hồ sơ nữa, rồi bộ thứ... 12 vẫn chẳng nơi nào gọi phỏng vấn. Từ đẳng cấp “công ty lớn” và đúng chuyên môn, tôi tự kéo thấp ước mơ của mình xuống, bắt đầu hành trình xin việc ở “công ty bé” và “trái ngành”. Thế nhưng vẫn chẳng nơi nào nhận vào làm!

Ròng rã chín tháng trời, tôi chỉ làm mỗi việc hằng ngày lên mạng xem nơi đâu có thể đến xin việc, hoặc tìm đến các văn phòng giới thiệu việc làm. Sự thật phũ phàng lộ ra là: rất nhiều người cũng nhiều bằng cấp như mình (thậm chí bằng cấp loại giỏi) mà không ăn thua gì.

Trong quá trình tìm cho mình một chỗ làm ấy, tôi đã bị mất tiền vì “công ty lừa đảo”. Những món tiền 200.000 hoặc 300.000 đồng được nộp dưới danh nghĩa “tiền đào tạo kỹ năng làm việc” đã một đi không trở lại. Tôi từng chấp nhận làm cộng tác viên không lương, chỉ mong nhận được tiền công tác. Rất tiếc, cả ước mơ nhỏ nhoi ấy cũng không thành sự thật.

Giờ đây, ngồi trước một bộ hồ sơ thứ n (vì nộp nhiều quá tôi không thể nhớ hết), tôi bỗng thấy thương cha mẹ mình quá. Nơi vùng quê xa xôi, hằng ngày cha mẹ tôi vẫn phải lo toan cuộc sống. Cái nắng cháy da, những giọt mồ hôi lao động vất vả, những trận mưa xối xả, những ngày bão lụt ở miền Trung nước mắt cha mẹ tôi hòa cùng nước mưa. Cực khổ lắm nhưng cha mẹ tôi và bao nhiêu người cha người mẹ khác vẫn không than thở một lời. Họ vẫn dành phần lớn số tiền kiếm được để cung cấp cho con mình chỉ mong con có bằng đại học và nay thì lo cho con để chờ tìm việc làm cho đời con sung sướng hơn, tốt đẹp hơn. Ước mơ cao cả ấy đang bị giội những gáo nước lạnh.

Vì đâu? Vì mỗi năm hàng ngàn sinh viên ra trường bất chấp nhu cầu tuyển dụng thế nào để điều tiết, hướng dẫn cho học sinh trước khi chọn thi đại học. Vì tư tưởng xã hội trọng bằng cấp, nhiều thầy thiếu thợ và vì tuyển sinh đại học ồ ạt. Từ “sinh viên 15 điểm” rồi đến “sinh viên 12 điểm”. Không biết sau này có “sinh viên 6 điểm” không?

Đã từ lâu, tôi rất trân trọng những người trẻ trạc tuổi tôi đang bưng bê trong quán cà phê, phục vụ ở quán ăn bởi biết họ là sinh viên như mình, bằng cấp có thể cao hơn mình nhưng trong thực trạng hiện nay họ cũng như tôi, phấn đấu vượt muôn vàn khó khăn để cầm tấm bằng đại học rồi thất nghiệp! Nhưng quan trọng hơn, họ sẽ thành người “đồng hội đồng thuyền” của tôi khi tôi quyết định bộ hồ sơ này sẽ nộp để xin đi làm một... công việc thời vụ!

PHẠM HOÀNG HẢI TRIỀU (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên