27/06/2016 11:02 GMT+7

​Mẹo học các môn khoa học xã hội bằng sơ đồ nhánh

TUẤN MINH
TUẤN MINH

TTO - Để đơn giản hóa các bài học thuộc các môn khoa học xã hội, vẽ sơ đồ là phương pháp mà bạn Đinh Kim Hạnh (22 tuổi) sử dụng để tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả học tập.

Hạnh đã ứng dụng phương pháp vẽ sơ đồ nhánh khi ôn tập môn Ngữ văn - Ảnh Tuấn Minh
Hạnh đã ứng dụng phương pháp vẽ sơ đồ nhánh khi ôn tập môn Ngữ văn - Ảnh: Tuấn Minh

Nhiều bạn học sinh thường không biết sẽ bắt đầu vẽ sơ đồ như thế nào trong khi các bài học môn khoa học xã hội hầu như nhiều chữ. 

Theo Kim Hạnh, với những bạn bắt đầu với phương pháp này, các bạn nên bắt đầu từ mục lục, chương, tựa bài, tiêu mục của các phần nhỏ trong bài học để chia nhánh sơ đồ được dễ dàng, lớp lang và có trình tự thời gian, đi từ khái quát đến chi tiết.

Bố cục rõ ràng, xác lập từ khóa

Sơ đồ nhánh nên chọn hướng nhìn từ trái sang phải hoặc từ trên xuống dưới tùy thuộc vào thói quen của từng cá nhân. Việc tạo ra bố cục kiến thức rõ ràng theo từng phần sẽ giúp người học dễ dàng cơ cấu, tổ chức lại kiến thức đã học, xác lập thứ tự ưu tiên với mỗi loại thông tin.

Một trong những kĩ năng quan trọng nhất của người học môn hoa học xã hội là tìm kiếm và làm bật lên từ khóa. Từ khóa là từ trong một câu, một đoạn, một văn bản, mang một ý nghĩa quan trọng hoặc có mục đích nhấn mạnh theo ý của người viết.

Khi nhắc đến từ khóa đó, người học sẽ liên tưởng rộng hơn đến các vấn đề có liên quan, các vấn đề đã được học. Hạnh cho biết: “Nếu đã thành thục việc vẽ sơ đồ nhánh và tìm kiếm từ khóa để lấp vào các nhánh sơ đồ thì khi chỉ cần nhắc đến một từ khóa quan trọng nhất, bạn có thể cô đọng và nhớ lại toàn bộ nội dung cần học”.

Khi mới làm quen phương pháp này, Hạnh thường có thói quen ghi các ý khá dàn trải thành câu hay cụm từ dài dòng do chưa xác định chính xác từ khóa. “Sơ đồ lúc đó của mình không khác gì ghi chép lại bài học cũ dưới dạng nhánh. Dần dần, khi đã quen với phương pháp học, sơ đồ của mình ngày càng gọn gàng, ít chữ và logic hơn rất nhiều”, Hạnh chia sẻ.

Trước đây, Hạnh quan niệm rằng bài học có sẵn trong sách, vở, chỉ cần tô đậm từ khóa và “ôm khư khư” sách học thuộc lòng là có thể ghi nhớ kiến thức mãi mãi, làm thêm một cái sơ đồ sẽ lại mất thời gian.

“Việc học thuộc lòng như vậy thường mang tính nhất thời nên mình dễ dàng quên. Cứ nhìn vào sách ngồn ngộn chữ là lại buồn ngủ, nản chí. Trong khi nhìn vào sơ đồ có thứ tự lớp lang, thoáng tầm nhìn, trực quan, sinh động với một vài từ khóa quan trọng, việc học hiểu, học thuộc trở nên nhanh hơn, sâu hơn. Khi cần thiết tua lại bài cũ cũng nhanh và dễ hơn rất nhiều”, Hạnh khẳng định.

Sau mỗi bài học, Hạnh đều vẽ lại một sơ đồ tóm tắt với những từ khóa chỉ cô đọng trong một trang giấy vở viết rồi kẹp lại với nhau như một cuốn sổ tay ghi chú. Khi cần ôn bài thì lấy ra xem.

Càng hiểu, càng thuộc, sơ đồ càng ngắn

Mỗi khi cần ôn lại bài học cũ với các môn văn, sử, địa, Hạnh đều lấy một tờ giấy nháp ra, tự vẽ lại sơ đồ ngắn gọn theo trí nhớ của mình. Vẽ đến đâu, Hạnh nhẩm trả bài tới đó.

Càng hiểu bài, càng thuộc các kiến thức chính tới đâu, sơ đồ vẽ ra phải càng ngắn gọn nhất có thể, cho đến khi mỗi nhánh chỉ tồn tại một từ ngữ xúc tích nhất. Cứ nhắc đến từ đó, Hạnh sẽ nhớ lại toàn bộ kiến thức. Vẽ lại sơ đồ cũng là một phương pháp trả bài nhanh, tiện lợi và hiệu quả mà nhiều bạn học sinh sử dụng.

“Chỉ cần tưởng tượng ra một trang giấy có hằng hà sa số con chữ liền kề nhau, chỉ yêu cầu đọc thôi đã thấy rất nản huống gì phải học thuộc như một con vẹt và ngày ngày đọc đi đọc lại theo cuốn sách. Nó dần biến mình trở nên thụ động trong tiếp nhận kiến thức và học nhưng hiếm khi hiểu”, Hạnh hài hước.

Sơ đồ càng ngắn gọn, càng hạn chết tối đa chữ càng dễ học và cho thấy người học đã hiểu bài - Ảnh Tuấn Minh
Sơ đồ càng ngắn gọn, càng hạn chết tối đa chữ càng dễ học và cho thấy người học đã hiểu bài - Ảnh Tuấn Minh

Để khiến các sơ đồ thêm sinh động, người học có thể sử dụng nhiều bút màu khác nhau, các kí hiệu như mũi tên, dấu sao hoặc tô đậm từ ngữ, công thức cần chú ý. Nếu từ ngữ nào khiến người học liên tưởng hay có thể vẽ ra một hình vẽ biểu trưng thì đừng ngại vẽ thẳng vào các nhánh sơ đồ.

“Sau khi sử dụng phương pháp này để ôn thi đại học thành công, hiện tại, mình vẫn ứng dụng nó trong việc học đại học, đặc biệt là khi ôn thi, tham khảo, nghiên cứu các tài liệu dày cộm. Sơ đồ biến mọi thứ trở nên ngắn gọn, lớp lang và có thứ tự. Vẽ càng nhiều sơ đồ, việc học của mình càng tiết kiệm thời gian và cảm thấy mình đang chủ động tiếp nhận kiến thức cho bản thân mình”, Hạnh chia sẻ.

TUẤN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên