03/07/2014 07:10 GMT+7

Mất mẹ mất cha, tựa vào vai chị...

HÀ BÌNH - PHAN DUY
HÀ BÌNH - PHAN DUY

TT - Một cô bé học lớp 9, mới 15 tuổi đã quyết định nghỉ học, khép lại những ước mơ của mình để đi làm nuôi hai đứa em nhỏ dại khi cha mẹ đều mất. Đến nay, hai đứa trẻ được chị bảo bọc ngày nào đã chuẩn bị vào lớp 12 và học khá, giỏi.

* Học bổng “Chung một ước mơ” dành cho 400 học sinh THPT vượt khó, học giỏi của 7 tỉnh thành Đông Nam bộ và Hà Nội * Tổ chức: Báo Tuổi Trẻ, Tập đoàn SCG (Thái Lan), 7 tỉnh thành đoàn Đông Nam bộ và Hà Nội

Chắt bóp từng đồng cho con đến lớpNặng lòng cha mẹ nuôi conGần 2 tỉ đồng “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” ở Bến Tre

9x9jop8K.jpgPhóng to
Từ trái sang: ba chị em Hoàng Thị Vinh, Hứa Thị Minh Thương và Hứa Thị Minh Thuận nhặt rau chuẩn bị bữa tối - Ảnh: Phan Duy

Đó là ba chị em Hoàng Thị Vinh (26 tuổi), Hứa Thị Minh Thương và Hứa Thị Minh Thuận (cùng 17 tuổi) ở ấp 7, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước. Vinh là người chị cùng mẹ khác cha với Thương, Thuận.

Chẳng còn ai nương tựa

Học sinh chăm ngoan

Cô Lê Thị Ái - giáo viên chủ nhiệm của Thương, Thuận - nhận xét: “Hai em chăm ngoan, hiền, rất được bạn bè và thầy cô yêu mến. Dẫu hoàn cảnh khó khăn, hai em luôn tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp...”. Còn bà Phạm Thị Loan - hàng xóm của ba chị em Vinh, Thương, Thuận - cho biết: “Dường như hiểu rõ về hoàn cảnh của mình, hai bé nhỏ luôn cố gắng hết sức. Còn chị lớn lúc nào cũng bảo ban em, tần tảo đi làm kiếm tiền nuôi em...”.

Ban tổ chức học bổng “Chung một ước mơ” của Tuổi Trẻ năm nay nhận được thư của bạn Hứa Thị Minh Thương, học sinh lớp 11A Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Bình Phước. Sau phần tên cha, mẹ, bạn đều ghi chú “đã mất”.

Trên trang giấy học trò với nét chữ khá đẹp, Thương kể thêm về hoàn cảnh của mình: “Ba mất khi em mới lên 5 (năm 2002). Thế là bao nhiêu gánh nặng của cuộc sống, bao nhiêu khó khăn trong gia đình và cả ba đứa con nhỏ dại mẹ gồng gánh trên đôi vai gầy gò của mình. Mẹ phải làm thuê làm mướn nuôi ba chị em. Nhưng ông trời nào có rủ lòng thương. Ông lại lấy đi người mà chúng em yêu thương nhất, lấy đi điểm tựa duy nhất của ba chị em là mẹ. Mẹ ra đi thật đau đớn khi trong mình mang căn bệnh ung thư máu. Khi ấy em mới vào lớp 1 (năm 2004) và ba chị em chẳng còn ai che chở, chẳng còn ai để nương tựa”.

Cô học trò nhỏ kể tiếp: “Và rồi người chị cùng mẹ khác cha của em là Hoàng Thị Vinh (sinh năm 1988) quyết định nghỉ học khi đang học lớp 9. Chị đi làm để nuôi em và đứa em song sinh của em là Hứa Thị Minh Thuận. Nhà không có đất, công ty không nhận trẻ 15 tuổi, chị phải đi cắt hạt điều ở một xưởng điều để nuôi hai em tiếp tục đến trường. Những ngày tháng ấy đối với ba chị em thật khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Khó khăn thế nhưng chị không để chúng em đánh mất tuổi thơ, vẫn cho hai em được cắp sách đến trường như bao trẻ khác”.

Thương kể về việc học của mình: “Đến năm hai chị em học lớp 6 (năm 2008) chị lo cho đi học ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú thị xã Bình Long, cách nhà 70km. Đến lúc hai chị em vào cấp III thì nỗi lo cũng ập đến. Nhưng thật may khi hai chị em cùng trúng tuyển Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Bình Phước. Em rất thương chị. Vì vậy em nỗ lực học tập nên nhiều năm liền đạt học sinh khá, giỏi. Trong năm học 2013-2014 em đạt học sinh giỏi với điểm trung bình 8,3...”.

Thay cha mẹ chăm em

Đọc thư của Thương, chúng tôi vội tìm đến nhà em chiều 30-6. Ngôi nhà nằm sâu trong một con đường đất ngoằn ngoèo ở thị xã Đồng Xoài. Lúc này Thương, Thuận và bé gái con của Vinh ở nhà. Vinh đang làm công nhân cho một công ty da giày cách nhà 12km. Chập tối Vinh về nhà. Ba chị em ra vườn hái rau ngót chuẩn bị bữa tối. Bố mẹ mất khi còn quá nhỏ nên ký ức của Thương, Thuận về bố mẹ hầu như không có. Thay vào đó là hình ảnh tần tảo, hi sinh của người chị cả Hoàng Thị Vinh (tên gọi ở nhà là Hạnh). “Có nhiều lúc mình bơ vơ lắm. Nhìn hai em mà nước mắt cứ ứa trào. Thương tụi nhỏ và nhớ lời mẹ dặn trước lúc mất là “Con cố gắng lo lắng chăm sóc cho em thay mẹ” là mình lại tự động viên cố gắng, gượng đứng dậy tiếp tục công việc để lo cho em” - Hạnh chia sẻ.

Hai chị em song sinh Thương và Thuận từ nhỏ đến lớn học chung lớp với nhau. Thương đi đâu Thuận đi đó. Hai chị em luôn giúp đỡ, san sẻ mọi điều với nhau trong cuộc sống. Từ tiểu học, hai chị em tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, bảo ban nhau học hành khi chị đi làm. Lên THCS, hai chị em ở nội trú khoảng 3-4 tháng mới về nhà một lần. Hai em được miễn học phí, nuôi ăn tại trường. Vào THPT, hai chị em cũng được trường hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập, sách giáo khoa được trường cho mượn để học.

Từ năm lớp 7, để đỡ đần cho chị, Thương nhờ người quen xin vào xưởng bóc hạt điều và em là người nhỏ tuổi nhất xưởng. Lúc mới làm em bị nhựa vỏ hạt điều ăn lở hết tay. Quen dần, công việc này trở thành nguồn thu nhập của em trong dịp hè, khi hàng nhiều em làm được 70.000 đồng/ngày. “Chỉ cần sự động viên, an ủi từ chị Hạnh là em có thể vượt qua được tất cả, để tương lai chị em em không phải khổ thì điều em có thể làm bây giờ là học tập tốt”.

400 suất học bổng “Chung một ước mơ” năm 2014

350 học sinh THPT vượt khó, học giỏi của bảy tỉnh thành Đông Nam bộ sẽ tham dự lễ trao học bổng “Chung một ước mơ” lần 8-2014 trong hai ngày 3 và 4-7 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Học bổng do báo Tuổi Trẻ, Tập đoàn SCG (Thái Lan), bảy tỉnh thành đoàn Đông Nam bộ và Hà Nội phối hợp tổ chức. Học bổng “Chung một ước mơ” thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ và chương trình “Phác họa tương lai” của Tập đoàn SCG. Mỗi suất học bổng trị giá 3 triệu đồng cùng quà lưu niệm từ nhà tài trợ SCG. Học bổng dành cho 50 học sinh TP Hà Nội sẽ được trao vào ngày 11-7 tại Hà Nội. Tổng trị giá học bổng đợt này hơn 1,2 tỉ đồng.

Học bổng “Chung một ước mơ” được tổ chức từ năm 2007, đến nay đã trao 3.000 suất cho học sinh THPT vượt khó, học giỏi.

HÀ BÌNH - PHAN DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên