07/09/2018 09:42 GMT+7

Mạnh tay xử lý cho vay nặng lãi

ĐỨC TRONG - SƠN ĐỊNH
ĐỨC TRONG - SƠN ĐỊNH

TTO - Chưa khi nào tình trạng cho vay lãi nóng không cần thế chấp tài sản (thực chất là tín dụng đen) phức tạp như lúc này. Ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy cho vay nặng lãi đang nở rộ khiến nhiều người dính vào phải lao đao.

Mạnh tay xử lý cho vay nặng lãi - Ảnh 1.

Những tờ rơi quảng cáo mời gọi cho vay dán đầy trên các trụ điện, các bức tường (ảnh chụp ở Q.3, TP.HCM) -Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi một số địa phương đang lúng túng hoặc không thể xử lý dứt điểm thì tại Bình Thuận, Viện KSND tỉnh này vừa phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác.

"Bẫy" hợp đồng

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố Lê Thị Ánh Tuyết (42 tuổi) và Nguyễn Ngọc Hà (34 tuổi, cùng ngụ huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). 

Bà N.T.N.B. đã vay từ Tuyết 1 tỉ đồng vào tháng 8-2016. Để vay được tiền, bà B. đã làm hợp đồng thế chấp nhà với bà Tuyết. Sau đó bà Tuyết đã biến hợp đồng thế chấp thành hợp đồng mua bán nhà rồi đưa cho bà B. ký nhận. 

Đầu năm 2018, bà Tuyết yêu cầu bà B. giao nhà nhưng bị phản ứng nên đã đưa nhiều "anh em ngoài xã hội" đến "giải quyết" bằng bạo lực.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tính pháp lý xung quanh vụ án trên, một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bình Thuận cho biết đây là điển hình của hợp đồng "giả cách". 

Vì sao gọi là hợp đồng "giả cách"? Vị này giải thích: hiện nay không chỉ riêng Bình Thuận mà trên cả nước, hoạt động cho vay có thế chấp giữa các cá nhân diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, những người cho vay nặng lãi đã lách luật bằng cách buộc người vay phải ký hợp đồng mua bán nhà hoặc tài sản thay cho các hợp đồng thế chấp. Bởi luật pháp quy định hợp đồng thế chấp chỉ được phép diễn ra giữa các cá nhân với tổ chức tín dụng.

"Việc chuyển từ hợp đồng thế chấp thay cho hợp đồng mua bán nhà đất như vậy được pháp luật gọi chung là hợp đồng giả cách. Do đó, hợp đồng mua bán nhà kiểu vụ án trên là vô hiệu. Nếu các bên khởi kiện ra tòa, pháp luật sẽ công nhận đó là hợp đồng vay mượn, còn hợp đồng mua bán nhà hoặc tài sản sẽ vô hiệu theo pháp luật. Do nhiều người vay tiền không nắm vấn đề cốt lõi của hợp đồng "giả cách" nên bấm bụng bán luôn tài sản, nhà cửa để trả nợ hoặc giao luôn cho chủ nợ" - vị này nói.

Cẩn thận với thủ đoạn cho vay "cắt cổ"

Nói về các thủ thuật lách luật của các nhóm cho vay nặng lãi hiện nay, luật sư Trương Tiến Dũng (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai) cho biết: "Thực tế có nhiều người vay tiền phải trả lãi suất cao, tan cửa nát nhà. 

Theo Luật hình sự mới, các bên thỏa thuận vay tiền nhưng lãi suất không quá 20%/năm. Nếu vượt quá 10 lần thì xử hành vi cho vay nặng lãi. Quy định như vậy nhưng trên thực tế các nhóm cho vay hiện nay đều vượt khung 200%, đủ dấu hiệu cấu thành tội hình sự, nhưng họ dùng các thủ đoạn để lách luật".

Theo luật sư Dũng, thông thường bên cho vay buộc người vay bằng hình thức biên nhận mượn tiền (hoặc giấy vay tiền) nhưng thường để "hai bên tự thỏa thuận lãi suất". Sau đó, bên vay tiền tự thỏa thuận trả tiền lãi theo ngày, theo tuần hoặc theo tháng. Ví dụ vay 100 triệu, trả lãi ngày 1 triệu thì 1 tháng tiền lãi 30% và 1 năm tương đương 360% thì đã rơi vào khung để xử lý hình sự. 

Tuy nhiên, khi người vay tiền trả lãi, tiền gốc, bên cho vay không để lại giấy tờ gì để thể hiện việc cho vay với lãi suất "cắt cổ".

Ở mức độ "cao cấp" hơn, bên cho vay yêu cầu bên vay làm hợp đồng vay giả cách bằng hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng tài sản (nhà ở, đất ở) có công chứng nhưng tiền vay thấp hơn rất nhiều giá trị nhà ở, đất ở. 

Ví dụ căn nhà có giá trị 1 tỉ nhưng ghi giá trị căn nhà còn khoảng 500 triệu, không hề ghi số tiền vay nhưng ghi rõ bên được ủy quyền (bên cho vay tiền) được bán tài sản cho người thứ ba. Kèm theo hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng, hai bên làm riêng một giấy vay tiền, thỏa thuận trả tiền gốc, lãi suất trong một thời hạn nhất định. 

"Khi bên vay không có khả năng trả nợ, bên cho vay lấy luôn tài sản bán cho bên thứ ba, chiếm đoạt luôn. Nếu bên vay tiền cản trở, lập tức các nhóm xã hội đen đến gây áp lực" - luật sư Dũng giải thích.

Đại tá Nguyễn Văn Nhiều - trưởng phòng tham mưu tổng hợp Công an Bình Thuận - cho rằng họ đã lách luật bằng cách đưa ra lãi suất thấp hơn so với quy định pháp luật. Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm và phổ biến. Khi vay xong, những người cho vay sẽ cử "nhân viên" thu tiền lãi khi đến hạn. Lúc người vay có khả năng trả tiền gốc, những "nhân viên" này tìm mọi cách không cho họ tiếp xúc với chủ nợ để kéo dài thời gian thu lãi.

Ngoài ra, một số trường hợp người dân cần tiền kinh doanh, đáo hạn ngân hàng, thua cờ bạc... sẵn sàng vay nóng hoặc trả góp theo ngày với lãi suất 15-30%/tháng. Nếu không trả đủ lãi, người cho vay nóng sẽ cộng dồn vào tiền gốc và cứ như vậy tiền nợ thêm chồng chất. Đến khi không còn khả năng trả nợ, người cho vay sẽ hành hung, đe dọa, bôi nhọ nhân phẩm, thậm chí còn đe dọa người thân của người vay nợ để buộc phải bán nhà, tài sản trả nợ.

Đáng chú ý, phần lớn người cho vay đều có tiền án, tiền sự hoặc có quan hệ với những đối tượng hình sự, sử dụng ma túy nên rất manh động.

Mạnh tay xử lý cho vay nặng lãi - Ảnh 2.

Sổ đỏ, hộ khẩu, giấy tờ cầm cố cho vay nặng lãi bị Công an Cần Thơ thu giữ của băng nhóm xã hội đen cho vay lãi “cắt cổ” - Ảnh: PHAN TẠI

Có thể xử lý hình sự

Những người chuyên cho vay nặng lãi thường bắt bên vay thế chấp tài sản có công chứng, bắt cam kết thời hạn trả tiền, nếu không đúng thời hạn sẽ lấy luôn nhà, đất. Đối với lãi suất "cắt cổ", người cho vay thường thỏa thuận miệng, không ghi trên hợp đồng. 

Khi người mượn nợ trả không đúng hạn, bên vay dùng nhiều chiêu thức đe dọa như tạt mắm tôm, tạt sơn vào nhà, khủng bố tinh thần, dọa xử người thân, gia đình... Có những vụ người nhà bên vay tiền bị đe dọa, thấy bức xúc nhưng khi vào xác minh thiệt hại thì không đủ cơ sở để xử lý hình sự.

Trung tá Lê Hồng Hải - đội trưởng đội cảnh sát hình sự Công an TP Biên Hòa (Đồng Nai) - cho biết: "Gần đây, ở Biên Hòa có khoảng 7 vụ liên quan đến việc cho vay mượn tiền dẫn đến mâu thuẫn. Gia đình bên người đi vay tiền bị các nhóm đi đòi nợ ném mắm tôm, xịt sơn... nhưng công an điều tra, khởi tố chỉ xử lý được một vụ về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Vì công an chứng minh được nhóm đòi nợ ép gia đình người vay trả nợ thay, bắt viết giấy nhận nợ, gia hạn thời gian để lấy tiền".

Đối với những trường hợp có tin tố cáo cho vay nặng lãi, bị khủng bố bom xăng, mắm tôm... khi công an tiếp cận điều tra thì không có giấy tờ thể hiện số tiền lãi cắt cổ mà chỉ là giấy biên nhận mượn tiền nhưng không thể hiện lãi suất nên không xử lý được. Còn trong trường hợp bị ném bom xăng, mắm tôm... khi đủ cơ sở cũng chỉ xem xét xử lý các hành vi như hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích.

Vậy liệu có thể xử lý hình sự những người cho vay nặng lãi? Luật sư Dũng cho hay trong thực tế ngành công an khi tiếp nhận đơn tố cáo những trường hợp cho vay nặng lãi chỉ thấy giấy biên nhận mượn tiền, không xử lý hình sự được nên thường hướng dẫn ra tòa án giải quyết bằng vụ án dân sự. 

"Có vụ việc công an từ chối có phần đúng vì trên giấy tờ thể hiện là giao dịch dân sự giữa hai bên, không thể hiện lãi vay cắt cổ. Tuy nhiên cũng có vụ việc nếu lắng nghe người vay tiền bị chèn ép lãi suất, đe dọa và điều tra thu thập chứng cứ đến nơi đến chốn thì vẫn có thể xác định được hành vi cho vay nặng lãi để xử lý hình sự".

Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):

Cảnh giác không rơi vào "bẫy"

Vì trên thực tế, thủ đoạn của các đối tượng cho vay nặng lãi rất tinh vi, thường núp bóng các giao dịch dân sự.

Để không rơi vào "bẫy" tín dụng đen, người vay tiền cần cảnh giác. Thứ nhất khi vay nợ thì chỉ ký hợp đồng vay nợ, nhất định không được ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng bán nhà hay hợp đồng ủy quyền cho chủ nợ bán nhà. Thứ hai, không ký hợp đồng mới gộp lãi và gốc. Nếu có ký hợp đồng mới phải ghi rõ số tiền trên hợp đồng mới là tiền gốc gộp lãi từ hợp đồng cũ.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng nên xem xét lại thủ tục vay tiền. Nhiều người dân có tài sản đảm bảo nhưng vì thủ tục vay ngân hàng rườm rà, rắc rối nên mới tìm đến tín dụng đen. Người dân thường e ngại việc vay ngân hàng phải thế chấp nhà nhưng nếu đi theo con đường vay tín dụng đen nguy cơ mất nhà còn cao hơn rất nhiều.

Luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn luật sư TP.HCM):

Sử dụng "giang hồ" để đòi nợ là phạm pháp

Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 đã quy định rất rõ ràng về tội "cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Quy định đã có, tuy nhiên trên thực tế hành vi cho vay nặng lãi rất khó bị xử lý. Thông thường chủ nợ thường thoát án mà chỉ xử lý được đối tượng được thuê đòi nợ về các tội danh như cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm chỗ ở người khác... do đòi nợ, xiết nợ theo kiểu "xã hội đen".

Một trong những nguyên nhân khiến việc khó xử lý hình sự hành vi cho vay nặng lãi là tâm lý e sợ, không dám tố cáo của người dân. Để xử lý đối tượng cho vay nặng lãi, trước hết phải có người tố cáo, người bị hại. Trên cơ sở đó cơ quan công an điều tra, khám xét thu giữ sổ sách ghi nợ, sổ ghi lãi suất, tiền góp hằng ngày... Bên cạnh đó, lời khai phù hợp với nhau từ nhiều bị hại, từ đối tượng được thuê đòi nợ cũng có thể xem là nguồn chứng cứ để xử lý.

Tuyết Mai ghi

Len lỏi vào tận bản làng Tây Nguyên

Vượt nhiều đồi dốc trên những cát sỏi bạc màu, chúng tôi được người dân chỉ đến rẫy mì bà H’Lol (46 tuổi, trú ở làng Gung A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đang cào cỏ. Gặp chúng tôi, bà H’Loi cùng chồng sợ sệt toan bỏ chạy. Hỏi ra mới hay do vay lãi nặng nhiều quá nên gặp người lạ họ sợ.

Cũng tại xã Ia Ake, chúng tôi được công an huyện đưa đến căn nhà có ba đứa trẻ nheo nhóc là con của anh Siu Sự và vợ Kpah Plian ở làng Mơ Lan. Mấy tháng trước, do khoản nợ chồng chất từ nhiều năm trước thành lãi quá lớn mà ở nhà thì sợ chủ nợ nên cả hai vợ chồng Siu Sự bỏ ba đứa con lại rồi trốn sang Thái Lan.

Đại tá Phan Thanh Tám, phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, cho biết hoạt động tín dụng đen trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Hiện trên địa bàn tỉnh có 509 đầu mối cho vay theo hình thức tín dụng đen với hơn 9.290 người dân là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, kéo theo việc xiết, cưỡng đoạt tài sản, bắt người trái pháp luật, đòi nợ thuê... dẫn đến phát sinh tội phạm hình sự. Việc này còn kéo theo hệ lụy là người dân mất đất đai để canh tác, nợ nần dồn dập kéo từ năm này sang năm khác khiến không thể vực dậy được kinh tế.

Ông Tám đề nghị phải xây dựng hệ thống văn bản pháp luật để làm căn cứ xử lý số đối tượng cho vay trái pháp luật. Phải có hành lang pháp lý răn đe, ngăn chặn ngay từ đầu để không xảy ra những hậu quả lớn. Đây là những biện pháp căn cơ cần phải tính toán, đặc biệt phải đặt nặng vấn đề tuyên truyền để bà con tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi, lúc đó tín dụng đen mới không còn đất sống.

HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Vay 100 triệu, trả hơn 1 tỉ vẫn chưa hết nợ

Chị P. (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết mẹ chị có vay của một nhóm người qua số điện thoại dán trên trụ điện. Sau một thời gian không còn khả năng trả nợ nên bỏ trốn.

Do những người cho vay biết nhà chị nên đến đe dọa nếu không trả sẽ có biện pháp mạnh. Vì lo cho ba con nhỏ đang đi học nên chị cắn răng gánh số tiền nợ trên. Chị cho biết số tiền vay ban đầu khoảng 100 triệu nhưng mới 13 tháng (từ tháng 7-2017 đến nay) gia đình đã phải trả hơn 1 tỉ mà vẫn chưa

hết nợ.

"Tôi giấu chồng, đến khi vỡ ra thì phải vay hai ngân hàng để trả mà vẫn chưa hết số nợ này. Mỗi ngày tôi phải trả góp 1 - 2 triệu đồng. Ngày nào không có tiền thì họ nói đã có người cho vay để trả ngày hôm đó, đồng nghĩa tôi phải chịu thêm một khoản nợ. Cứ trả góp được một nửa nợ thì họ lại tìm cớ để tăng tiền góp mỗi ngày, cứ vậy tôi trả hoài không hết" - chị P. buồn bã nói.

Anh T. (chồng chị P.) cho biết chị P. đã hai lần tự tử nhưng may cứu kịp nên không ảnh hưởng tính mạng. Trong khu vực này có người tự tử mới chết cách đây 1 tháng do bế tắc không còn khả năng trả nợ. Con hẻm nhà anh sống cứ chiều là những người cho vay trên lại chạy xe đi tới các nhà để thu tiền góp mỗi ngày. Gia đình anh đã báo công an nhưng công an cho biết phải có bằng chứng mới có thể xử lý được.

LÊ PHAN

Tội phạm tín dụng đen rất lộng hành

"Nhiều hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại sử dụng tín dụng đen, bởi tiền vay nóng là có ngay, còn vay ngân hàng khó khăn hơn. Do đó, tội phạm tín dụng đen đang rất lộng hành.

Hầu hết các cơ sở cho vay tín dụng đen đều cho thế chấp nhà cửa, đất đai, ruộng vườn. Tình trạng này nhức nhối ở khu vực nông thôn, cho vay nặng lãi đang hoành hành... Nhiều trường hợp rơi vào cảnh nợ nần, không có khả năng chi trả".

Bộ trưởng Bộ Công an TÔ LÂM phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018 của Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày 26-7.


ĐỨC TRONG - SƠN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên