Thu Ngân tự nấu ăn tại gia đình người Mỹ ở cùng (host family) - Ảnh: NVCC
Dưới đây là chia sẻ của các du học sinh.
Lại Thu Ngân (sinh viên ngành quản trị kinh doanh tại bang Ohio, Hoa Kỳ):
Chuẩn bị cho mùa đông
Thời tiết mỗi vùng ở Mỹ khác nhau. Kỳ nhập học phổ biến thường rơi vào mùa thu, trời chưa lạnh nhưng cần chuẩn bị trước một số quần áo ấm. Các phụ kiện nên có như găng tay, khăn choàng cổ, nón len... Không nên chủ quan để khi sang mới mua vì đường sá còn xa lạ.
Mùa đông sẽ lạnh và khó đi lại nên giày, bốt có thể mua tại Mỹ. Vào tháng 8 và 9 có nhiều đợt giảm giá giày rẻ và tốt.
Ở Mỹ dùng phích cắm điện ba chấu và hiệu điện thế 110V. Ban đầu mình tưởng không dùng được nên bỏ lại Việt Nam. Trên thực tế, mỗi thiết bị có khoảng hiệu điện thế cho phép, đặc biệt con gái nên mang theo máy sấy tóc, duỗi tóc để đỡ mua lại.
Không nên mang theo nhiều đồ lưu niệm vì mỗi lần chuyển nhà rất mệt mỏi. Sống lâu sẽ có thêm đồ mới, sẽ bỏ bớt thứ không cần thiết, chủ yếu là đồ kỷ niệm.
Riêng đồ dùng học tập nên mang từ Việt Nam sang. Sách giáo khoa nên mua lại từ người học khóa trước, hoặc các trang mua bán điện tử so sánh giá rồi mua (lưu ý xem có mã code kèm theo hay không).
Nếu mang máy tính (laptop) từ Việt Nam sang mà giữa chừng bị lỗi hệ điều hành, sinh viên có thể liên hệ thư viện hoặc tìm trên website trường mục tải/cập nhật Microsoft Windows miễn phí kèm theo link hướng dẫn cài đặt.
Trần Doãn Nhật Minh (sinh viên năm 2, thư ký Hội Sinh viên người Việt ở TP Sheffield, Vương quốc Anh):
Trang phục để giao lưu văn hóa
Để đỡ tốn cân nặng, mình chỉ mang đồ dùng cá nhân, áo ấm và đồ ăn Việt Nam cho đỡ nhớ nhà trong những ngày đầu. Những thứ vật dụng hằng ngày mang vừa đủ dùng, đợi đến mùa giảm giá còn rẻ hơn Việt Nam.
Riêng phụ kiện điện tử, quần áo giữ nhiệt, sim điện thoại nên mua ở Việt Nam vì chênh lệch giá khá lớn và tiện sử dụng ngay khi xuống sân bay. Nam sinh có thể chuẩn bị vest, nữ mang theo áo dài để có dịp giao lưu văn hóa.
Nếu là du học sinh chuẩn bị sang Anh, bạn có thể liên hệ cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Anh với khoảng 30 hội thành viên rải qua các thành phố. Kết nối qua mạng xã hội, giữ số điện thoại chủ nhà, trường học, cảnh sát, cứu thương là những chuẩn bị cần thiết.
Tại Hội Sinh viên Việt Nam ở Sheffield, tụi mình hoạt động online lẫn offline. Người đi trước chia sẻ kinh nghiệm hòa nhập cho người mới đến, lời khuyên về viết bài luận, tìm đường, địa chỉ tin cậy tại thành phố.
Trần Yến Ngọc (học thạc sĩ tại Ý):
Để không "vừa thừa vừa thiếu"
Vì chưa liệu hết tình hình nên trong vali đầu tiên tôi mang sang Ý vừa thiếu vừa thừa. Điều bất ngờ nhất có lẽ là trang phục. Vào ngày mùa đông đầu tiên, toàn bộ sinh viên trong lớp mặc áo len màu đen hoặc tối màu, chỉ tôi mặc màu sáng.
Để hòa nhập, tôi mua thêm trang phục nhưng dáng người nhỏ, việc tìm size đồ ở châu Âu vô cùng khó khăn. Riêng thuốc men, tôi lại thấy nên mua tại Ý vì tác dụng nhanh hơn, các bệnh thông thường có thể mua ở nhà thuốc mà không cần đến bác sĩ.
Tiếp đến là nồi cơm điện, xoong chảo, ấm đun nước vô cùng cần thiết. Cửa hàng ở Ý có bán nhưng giá đắt hơn nhiều so với Việt Nam.
Tôi ở ký túc xá, được phép nấu ăn bằng hệ thống bếp từ đảm bảo an toàn nhưng kén chọn chất liệu nồi. Lường trước khả năng đồ ăn không hợp, tôi mang theo cả vali mì gói để "cầm cự" trong 2-3 tháng đầu. Ý có bán mì nhưng giá tầm 3-4 euro/gói.
Tôi cũng chuẩn bị bún khô, miến, phở gói để dễ ăn hơn. Tôi cũng mang theo bánh tráng để làm chả giò, bột làm bánh xèo, bánh bột lọc dành cho những dịp giao lưu văn hóa diễn ra thường xuyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận