Các chủ đầu tư nhiều cao ốc văn phòng hiện phải đáp ứng các tiêu chí xanh quốc tế để hút khách và có giá thuê ổn định nên ngay từ khâu xây dựng, nhiều tòa nhà đã hướng đến các chứng chỉ xanh để trở thành tòa nhà xanh.
Nhiều tòa nhà xanh mọc lên ở TP.HCM
Tòa nhà phức hợp Marina Central Tower nằm ở chân cầu Ba Son ở số 2 đường Tôn Đức Thắng (quận 1) với chiều cao 55 tầng nổi và 5 tầng hầm vừa được cất nóc kỳ vọng sẽ tăng nguồn cung văn phòng hạng A cho thị trường văn phòng TP.HCM.
Đáng chú ý, Masterise Homes (chủ đầu tư) đặt mục tiêu tòa cao ốc này sẽ đạt chứng chỉ xanh LEED Gold - chứng chỉ về tòa nhà xanh của Hội đồng tòa nhà xanh của Mỹ.
Ít ai biết được rằng đôi bờ sông Sài Gòn hiện nay cũng đã có loạt tòa nhà đạt các chứng chỉ xanh quốc tế và Việt Nam, trong đó có các chứng chỉ uy tín như hệ thống LEED, Edge, Green Mark, LOTUS…
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, phía chân cầu Ba Son tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) có hai tòa nhà là The Hallmark và The Mett (nay là tên Shinhan Bank) được trao chứng nhận Green Mark Gold bởi Singapore.
Trong khi đó, tại khu vực ven bờ sông Sài Gòn ở quận 1, tòa cao ốc văn phòng The Nexus đã đạt được chứng nhận công trình xanh Edge-Certified. Để đạt chứng chỉ này, tòa nhà phải đảm bảo ít nhất 20% mức giảm tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu…
Cũng trên trục bờ sông Sài Gòn, tòa nhà Me Linh Point với chiều cao 22 tầng đã đạt chứng chỉ LEED Platinum, chứng chỉ cao nhất của LEED sau khi cải tạo lại tòa nhà này.
Tòa nhà xanh được trả tiền thuê nhiều hơn
Savills Việt Nam nhận định Việt Nam đang có những bước tiến trong chứng nhận công trình xanh khi có khoảng 52% văn phòng hạng A tại Việt Nam đạt chứng chỉ xanh, hiện có khoảng trên 20 tòa nhà văn phòng có chứng nhận LEED hoặc Green Mark. Trong đó, có 17 dự án tại TP.HCM, chiếm khoảng 25% nguồn cung văn phòng hiện có.
Dự kiến tỉ lệ này sẽ tăng lên 31% vào năm 2026.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, Savills Việt Nam cho hay trước những yêu cầu khắt khe về cam kết ESG, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước thách thức sống còn là phải chuyển đổi xanh hoặc bị đào thải khỏi thị trường.
Trong 5 năm trở lại đây, thị trường đã có những bước tiến rõ rệt về nguồn cung dự án xanh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một lớn, với hơn 20 dự án văn phòng được cấp chứng chỉ xanh quốc tế tại Hà Nội và TP.HCM.
Theo Savills Việt Nam, các doanh nghiệp quốc tế từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore đang tích cực tìm kiếm các dự án văn phòng thân thiện với môi trường và sẵn sàng trả giá thuê cao hơn đối với các tòa nhà có đạt chứng chỉ xanh.
Tuy nhiên, Savills cũng cho biết so sánh với các thành phố lân cận như Bangkok, Singapore, Jakarta và Kuala Lumpur thì TP.HCM và Hà Nội có quy mô nguồn cung văn phòng xanh khá nhỏ so với các đối thủ trong khu vực.
Một số chứng chỉ xanh phổ biến tại Việt Nam
LEED là viết tắt của Leadership in Energy & Environmental Design, đây là hệ thống chứng nhận công trình xanh toàn diện của Hoa Kỳ.
Các yêu cầu của LEED chủ yếu thích hợp với các thị trường xây dựng tại các nước phát triển hơn và phù hợp cho các dự án hướng tới nhận diện thương hiệu quốc tế.
LOTUS là hệ thống tiêu chí công trình xanh toàn diện được phát triển cho thị trường xây dựng tại Việt Nam, được phát triển bởi Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC).
EDGE là hệ thống tiêu chuẩn công trình xanh và hệ thống chứng thực công trình xanh quốc tế được sử dụng tại hơn 100 quốc gia. Hệ thống chứng nhận tập trung vào các tiêu chí năng lượng, nước và năng lượng hàm chứa của vật liệu...
Green Mark là hệ thống tiêu chí công trình xanh được Singapore ban hành năm 2005 cho ngành xây dựng tại Singapore. Green Mark gồm nhiều hạng mục như năng lượng, nước, vật liệu, chất lượng môi trường trong nhà...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận