27/01/2018 13:36 GMT+7

Loại bỏ những chứng “hắt hơi, ho, sốt,…” để bé vui đón xuân

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh

Tết cũng là lúc xuất hiện nhiều dịch bệnh thường gặp ở trẻ em do đặc tính hoạt động mạnh của các loại virút gây bệnh vào thời điểm này.

Loại bỏ những chứng “hắt hơi, ho, sốt,…” để bé vui đón xuân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: giadinh.net

Tết đến thật là vui, không khí lễ hội sôi động, thời tiết thì mát mẻ dễ chịu. Ở mọi gia đình, các bậc cha mẹ đều mong cho con mình sẽ có một kỳ nghỉ tết thật vui vẻ và khỏe mạnh. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm của nhiều dịch bệnh thường gặp ở trẻ em do đặc tính hoạt động mạnh của các loại virút gây bệnh vào thời điểm này và cũng do đặc tính của mùa xuân như có nhiều phấn hoa, thời tiết lạnh, độ ẩm cao... gây nên một số bệnh dịch ở trẻ vào mùa xuân. Đừng để những khó chịu "hắt hơi, sổ mũi, sốt,…" làm ảnh hưởng sức khỏe của trẻ trong mấy ngày xuân.

Tránh "cúm mùa" giúp bé vui xuân

Khi thời tiết trở lạnh vào xuân là thời điểm của dịch cúm xảy ra, bệnh gây ra những triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt nhẹ ở trẻ. Bệnh thường tự khỏi sau 5-7 ngày nếu trẻ được chăm sóc tốt và uống đủ nước. Trong một số trường hợp, cúm sẽ làm cơ thể trẻ yếu đi và bị bội nhiễm thêm các bệnh lý khác như viêm thanh khí phế quản (biểu hiện là khàn tiếng, thở mệt,…), viêm phế quản (khò khè, bứt rứt, ho đàm,...) hay nặng hơn là viêm phổi (suy hô hấp, sốt cao,…).

Tránh "cúm mùa" giúp bé vui xuân, các bậc cha mẹ quan tâm thường xuyên vệ sinh nhà cửa, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân khi chăm sóc bé và tránh không cho bé tiếp xúc gần với người bị bệnh. Hiện đã có vaccine phòng bệnh cúm mùa, bé sẽ được chích 2 liều cách nhau 1 tháng trong năm đầu tiên và nhắc lại mỗi năm 1 lần.

Tăng cường dinh dưỡng giúp trẻ loại bỏ "sốt phát ban"

Thời điểm này bé thường nhiễm các loại siêu vi gây sốt như rubella, parvovirus,… bệnh thường biểu hiện sốt cao liên tục trong 3 ngày đầu, sau đó sốt sẽ giảm đi và hết hẳn vào ngày thứ 5,6 của bệnh. Lúc này trên người trẻ sẽ trổ ra những mảng ban hồng, lan từ mặt đến chân rồi lặn dần đi. Bệnh này thường khiến trẻ rất mệt mỏi, li bì và mất nước do sốt.

Hầu hết các vi rút gây sốt phát ban đều lây lan qua đường hô hấp nên quý phụ huynh có thể phòng tránh bằng đeo khẩu trang cho trẻ, tránh tiếp xúc với người bệnh, dùng các loại thức ăn uống giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng và đi khám bệnh ngay khi trẻ có biểu hiện sốt. Ngoài ra, quý phụ huynh còn có thể đưa trẻ đi chích ngừa sởi- quai bị- rubella từ 12 tháng tuổi.

Cho bé "ăn chín, uống sôi" phòng ngừa tiêu chảy cấp do rotavirus

Rotavirus là vi rút rất dễ lây lan vì chỉ cần nhiễm một lượng nhỏ cũng có thể gây bệnh cho trẻ. Bệnh thường biểu hiện đầu tiên bằng biểu hiện nôn ói nhiều lần trong 1-2 ngày đầu tiên, sau đó tình trạng ói sẽ bớt đi và trẻ bắt đầu tiêu chảy. Trẻ thường tiêu chảy nhiều lần trong ngày khiến cho trẻ nhanh chóng bị mất nước. Bệnh thường tự khỏi sau 5-6 ngày bệnh nếu trẻ được bồi hoàn nước đầy đủ. Tuy nhiên, việc bồi hoàn nước cho trẻ bị nhiễm rotavirus thường không dễ dàng do trẻ rất dễ bị nôn khi đút nước cho trẻ uống. 

Để phòng rotavirus, các bậc cha mẹ cần quan tâm đến việc chế biến thức ăn cho bé phải đảm bảo nguồn nước sạch, ăn chín uống sôi, tránh các thực phẩm và các món ăn dễ bị nhiễm khuẩn, dễ mang mầm bệnh. Riêng đối với bé từ 6-8 tuần tuổi có thể cho trẻ uống vaccine ngừa bệnh.

Thủy đậu/trái rạ- Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh

Mùa xuân là thời điểm rất nhiều trẻ bị mắc bệnh thủy đậu. Do bệnh lây lan dễ dàng nên rất dễ gây ra dịch trong cộng đồng. Thủy đậu thường biểu hiện là bóng nước nhiều tuổi, nổi khắp cơ thể kể cả vùng niêm mạc như miệng, hậu môn. Bệnh thường tự khỏi sau 7-10 ngày tuy nhiên trong một số trường hợp nhất là đối với trẻ nhỏ, thủy đậu có thể bội nhiễm gây nhiễm trùng huyết hay xâm lấn vào hệ thần kinh trung ương gây viêm não. Do đó, phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Quý phụ huynh có thể đưa trẻ chích ngừa trái rạ từ 12 tháng tuổi tại các cơ sở y tế.

Giúp bé tránh những tác nhân gây Viêm mũi dị ứng, hen phế quản

Vào mùa xuân phấn hoa rất nhiều, đây là tác nhân quan trọng gây ra các triệu chứng dị ứng của đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, hen phế quản. Viêm mũi dị ứng thường biểu hiện bằng ngứa mũi, hắt hơi, chảy mũi; hen phế quản thường biểu hiện bằng khò khè, thở rít, khó thở.  Đây thực sự là thời điểm vô cùng khó chịu cho những bé không may mắc những bệnh lý dị ứng này và cũng khiến cho các bậc phụ huynh rất mệt mỏi trong việc chăm sóc bé.

Để phòng bệnh, các bậc cha mẹ trước hết là phải tránh các tác nhân có thể gây viêm mũi dị ứng như: Mang khẩu trang cho bé khi đi ra ngoài; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, giặt chăn mền, bao gối hàng tuần và phơi dưới nắng; tránh nuôi và tiếp xúc với các con thú như chó, mèo, những vật có lông…; tránh tiếp xúc với gió lạnh, khói, bụi, hơi hóa chất các loại; không nên dùng thảm và nệm ghế bằng vải. Đồng thời, việc chăm sóc mũi phải được thực hiện thường xuyên nhất là trong những thời điểm giao mùa hay lúc thời tiết thay đổi thất thường để tăng khả năng phòng bệnh.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên