07/07/2016 12:14 GMT+7

Lính sửa xe tăng của Lữ đoàn 273

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TTO - Nhà kho của lữ đoàn là nơi sửa chữa, bảo dưỡng, vừa là thao trường vừa là trường học, cũng là nơi sáng tạo, áp dụng sáng kiến của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và sĩ quan của lữ đoàn...

Những người lính sửa chữa xe tăng ở Lữ đoàn tăng, thiết giáp 273 - Ảnh: TẤN VŨ
Những người lính sửa chữa xe tăng ở Lữ đoàn tăng, thiết giáp 273 - Ảnh: TẤN VŨ

Nhà kho của lữ đoàn xe tăng, thiết giáp 273 dài hút tầm mắt. Cách nhà kho chứa xe tăng của lữ đoàn 273 chừng 200m, một nhà xưởng khổng lồ inh ỏi tiếng máy nổ, tiếng gầm rú, tiếng leng keng, tiếng búa, tiếng va đập và cả những tiếng rì rầm hình thành một thứ hợp âm hỗn tạp, nghẹt thở.

Trung tá Lê Văn Viết, chủ nhiệm kỹ thuật của Lữ đoàn xe tăng thiết giáp 273, nói: “Nhà kho của lữ đoàn là nơi sửa chữa, bảo dưỡng, vừa là thao trường vừa là trường học, cũng là nơi sáng tạo, áp dụng sáng kiến của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và sĩ quan của lữ đoàn”.

Vừa chui ra khỏi gầm máy chiếc xe tăng, mặt mũi, tay chân, tai mắt đều dính đầy dầu mỡ, chỉ còn hàm răng trắng và nụ cười giòn để đồng đội nhận dạng nhau, trung tá Dương Đăng Ánh, người lái xe tăng, cũng là thợ sửa chữa tăng thiết giáp kỳ cựu của lữ đoàn, cho biết mình có gần 20 năm trong quân ngũ, thời gian ngồi trên ghế xe tăng nhiều hơn ngồi trước hiên nhà.

Người chiến sĩ nhập ngũ năm 1985 từ làng quê Lệ Thủy (Quảng Bình) cười nói: “Tuổi trẻ mê xe lắm. Ngày đầu ở thao trường thấy xe tăng rất thích cưỡi. Rồi đời binh nghiệp đưa mình ngược xuôi với chiến xa, đến giờ này thì đã như trọn đời”.

“Xe tăng có 12 máy, có chiếc 580 CV, có chiếc 520 CV. Sửa chữa lớn đều ở nhà máy Z153, Z751 của Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp. Nhưng là người lái xe phải huy động hết các giác quan như: mũi ngửi khói, tai nghe máy, miệng chỉ huy, mắt nhìn đồng hồ, khói khét là dừng xe, nghe máy đuối là biết bệnh. Khi nghe tiếng máy nổ phải đoán ra “bệnh” của xe thì mới gọi là yêu xe như con được” - trung tá Ánh kể về nghề.

Cạnh phân xưởng sửa chữa xe tăng, thiết giáp có một căn phòng nhỏ đầy bí ẩn, cửa khóa cẩn thận. Đại úy Lưu Anh Đức, phó chủ nhiệm kỹ thuật của lữ đoàn, nói đầy tự hào: “Đây là toàn bộ sáng kiến kỹ thuật của đơn vị, ngoài việc áp dụng tất cả đều được tạo mẫu, đúc khuôn và lưu lại ở đây. Nhờ những sáng kiến cải tiến liên tục mà những chiếc xe dù cũ nhưng luôn sẵn sàng cho những quả đấm bất ngờ”.

Chỉ tay vào một dụng cụ hình vuông trông rất ngộ nghĩnh, đại úy Đức cho biết: “Trước đây khi kiểm tra bộ giảm chấn thủy lực của xe phải tháo rời chiếc tăng rất tốn công sức, nhưng khi có thiết bị kiểm tra này thì mọi việc rất nhanh và kiểm tra ngay trên xe không phải tháo lắp”.

Ngoài những sáng chế tinh vi áp dụng trong chiến đấu không được tiết lộ, đại úy Đức còn cho chúng tôi xem các thiết bị mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho xe tăng như: thiết bị soi nòng pháo súng, thiết bị rửa lưới lọc không khí xe tăng.

“Trước đây khi một chiếc xe tăng vận hành cần 3 tấn lưới lọc, tốn 200 lít dầu diesel, cả một ôtô chạy theo để tiếp ứng và sửa chữa các thiết bị này, bây giờ thì không. Với thiết bị sáng chế mới này chỉ cần 30 lít diesel kẹp trên xe tăng là đủ” - đại úy Đức nói.

Sau mỗi ngày tập luyện, bánh xích của xe tăng găm đầy đá, người lính phải dùng đục sắt và búa đục từng ô trong bánh xích. Chưa hết, cho xe ngâm dưới nước, tẩy trùng, khử độc, thay dầu máy, sơn nhựa đường chống gỉ rồi mới đưa vào kho.

“Một lần cho xe xuất trận ra thao trường bắn đạn thật, người lính phải lau chùi đúng 30 công nhật thì mới trả lại hiện trạng ban đầu. Tuổi xe đã cao, các trang thiết bị, vật tư thay thế khan hiếm, hơn lúc nào hết công tác bảo trì và sáng tạo kỹ thuật phải phát huy hàng đầu” - trung tá Lê Văn Viết cho biết.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên