21/07/2007 04:04 GMT+7

Lệnh truy nã (Kỳ 2): Ngày tàn của tướng cướp

 HOÀNG KHƯƠNG
 HOÀNG KHƯƠNG

TT - Là võ sư taekwondo tam đẳng huyền đai, Nguyễn Chí Dũng từng là diễn viên đóng thế trong các bộ phim võ thuật. Nhưng chuyện đấm đá trên phim không giúp Dũng có nhiều tiền...

iJKpME7A.jpgPhóng to
Nguyễn Chí Dũng
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Khi bộ phim Tướng cướp Bạch Hải Đường mà Dũng tham gia hoàn tất cảnh quay cuối cũng là lúc y tìm ra “chân lý”: muốn có nhiều tiền thì phải đi cướp. Cuộc đời Dũng từ đó gắn liền với những vụ giết người, cướp của, hiếp dâm gây kinh hoàng trên các tuyến đường miền Đông Nam bộ.

Dũng “chim xanh”

Nguyễn Chí Dũng, tức Dũng “chim xanh”, sinh năm 1966 tại Tân Khai, Bình Long (Bình Phước). Biệt danh “chim xanh” do đám đàn em của Dũng tôn sùng khả năng ứng phó tình huống bất trắc nhanh như chim xanh của “đại ca” mà đặt nên.

Dưới trướng của Dũng có khoảng 20 thuộc hạ, phần lớn là “đầu trộm đuôi cướp” thu nạp được trong những lần đi cướp và đi tù. Thủ đoạn của chúng là phục sẵn trên các tuyến quốc lộ thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM và Long An, dùng súng chặn xe tải, người đi đường để cướp tài sản. Có đêm Dũng và đồng bọn thực hiện liên tiếp bốn vụ cướp xe tải trên các tuyến đường khác nhau. Nhiều nạn nhân kháng cự đã bị chúng xả súng bắn trọng thương.

Có lần Dũng “chim xanh” cùng đồng bọn trên đường đi cướp ở Dầu Tiếng (Bình Dương), gặp em L.T.H. (15 tuổi) đang đi chơi cùng nhóm bạn, liền bắt lên xe chở vào rừng cao su thay nhau hãm hiếp. Táo tợn hơn, Dũng “chim xanh” còn vào tận Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Tây Ninh và Công an huyện Bình Long (Bình Phước) để cướp. Dũng đã từng bị Công an TP.HCM bắt khi dùng súng Colt 45 cướp tài sản, sau đó phải ngồi tù 4 năm. Ra tù, Dũng tiếp tục đi cướp bằng súng carbin, bị Công an Bình Dương bắt. Mãn hạn 3 năm tù lại đi cướp, bị Công an Bình Dương bắt, rồi lại “nằm nhà mét” (tiếng lóng chỉ trại giam) 18 tháng. Vừa ra tù được một tuần, Dũng vay tiền đàn em mua hai khẩu K54 đầy ắp đạn tiếp tục con đường cướp bóc.

Trước tình hình đó, Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an (C14B) thành lập chuyên án triệt phá băng cướp, đồng thời ra quyết định truy nã đặc biệt Nguyễn Chí Dũng trên toàn quốc. Trung tá Đào Trọng Sơn, cán bộ C14B (nay là phó phòng 4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an), được giao nhiệm vụ truy bắt Dũng “chim xanh” trong thời gian sớm nhất. Ròng rã nhiều ngày liền, Sơn cùng các trinh sát chia nhiều hướng để mật phục, điều tra. Cùng thời điểm đó, trong quá trình triệt phá đường dây tiêu thụ xe gian (chuyên án T210), các trinh sát phát hiện Dũng vừa bán chiếc xe mà y cướp được cho một người ở Bình Dương. Sơn cho dựng lại hiện trường vụ cướp để xác định đối tượng gây án. Qua nhận diện hình ảnh và thực nghiệm hiện trường, người bị hại khẳng định Dũng chính là hung thủ gây ra vụ cướp.

Trong vai kẻ lang thang xin việc, Sơn về quê Dũng (Bình Long, Bình Phước) để tìm manh mối. Hàng xóm của Dũng cho biết y đưa vợ con đi đâu không rõ, vài ngày nữa sẽ về dự đám giỗ. Sơn và hai trinh sát mật phục suốt hai ngày đêm nhưng Dũng không xuất hiện. Cũng trong đêm đó, tại Đồng Nai xảy ra hai vụ cướp xe tải mà hung thủ không ai khác chính là Dũng “chim xanh”.

Sa lưới

MlVpd76A.jpgPhóng to
Phạm Văn Đỉnh - Ảnh tư liệu
Trung tá Sơn quyết định mở rộng việc truy tìm dấu vết sang hướng khác. Rà soát lại hồ sơ Dũng “chim xanh”, trung tá Sơn phát hiện y có một con nhỏ khoảng 10 tuổi, học lớp 4. Manh mối đây rồi. Dũng chuyển chỗ ở chắc chắn phải xin chuyển trường cho con, Sơn tìm đến Phòng Giáo dục huyện Bình Long dò hỏi thì được biết Dũng có làm hồ sơ xin chuyển trường cho con về TP.HCM nhưng không ghi trường nào cụ thể. Sơn đến các phòng giáo dục trên địa bàn TP.HCM để tìm con của Dũng, từ đó lần ra nơi ở của y.

Tại Phòng Giáo dục quận Gò Vấp, Sơn tìm thấy hồ sơ con của Dũng đăng ký tại Trường tiểu học T ở phường 17. Vợ chồng Dũng cùng bốn con thuê một căn nhà mặt tiền trên đường Trương Minh Giảng, P.17, Q.Gò Vấp. Những ngày sau đó, Sơn đóng vai phụ huynh trà trộn trước cổng trường để nhận diện Dũng. Việc bắt Dũng không phải dễ vì lúc nào trong người y cũng thủ sẵn hai khẩu K54 đạn lên nòng, đường phố lại đông người, nếu hành động sơ suất thì hậu quả thật khôn lường. Dần dần, Sơn nắm được thói quen đi lại hằng ngày của Dũng: sáng sớm chở con đi học rồi về nhà ngủ, chiều đến đón con rồi đi đến tận sáng hôm sau. Sơn quyết định bắt Dũng vào thời điểm y mở cửa dắt xe ra khỏi nhà chở con đi học.

5g sáng 15-10-2001, Sơn cùng các trinh sát quần soọc, áo thun chạy tập thể dục, đánh cầu lông trên đường trước nhà Dũng. 6g15, Dũng mở cửa dắt xe ra đường. Sơn giơ cán vợt ra hiệu hành động. Dũng vừa dợm chân định bước vào trong dắt con ra thì hai trinh sát ập vào như cơn lốc quật ngã xuống đất. Mặc dù bị tấn công bất ngờ nhưng với phản xạ của một võ sư, Dũng vùng dậy tìm đường thoát thân. Nhanh như cắt, Sơn lao vào tung cú đá như trời giáng vào mạng sườn Dũng, bồi thêm một cú đấm vào mang tai khiến tên tướng cướp đổ ập xuống như thân chuối. Sơn thò tay móc còng số 8 bập vào tay Dũng, giao cho đồng đội dẫn giải về trại tạm giam.

Khám xét nhà Dũng, Sơn hết sức ngạc nhiên vì không thu được khẩu súng nào. Dũng một mực kêu oan, không biết súng ống, cướp bóc gì cả. Đáng nói hơn, trong khi Dũng “chim xanh” đang nằm trong trại giam thì liên tiếp xảy ra nhiều vụ cướp ở Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM... với thủ đoạn, phương thức gây án tương tự như trước. Một số nhân chứng mô tả đặc điểm nhận dạng hung thủ rất giống tên Dũng (cao gầy, mặt choắt, đi xe Honda Dream...). Một số thành viên trong ban chuyên án băn khoăn: phải chăng ta bắt nhầm? Nhưng với linh cảm nghề nghiệp, Sơn quả quyết mình không bắt nhầm. Anh đề nghị ban chuyên án cho anh thêm thời gian để chứng minh điều đó.

Kẻ đóng thế

Ngày 31-3-2004, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án băng cướp khét tiếng Dũng “chim xanh” và đồng bọn đã tuyên phạt Nguyễn Chí Dũng và Phạm Văn Đỉnh mức án tử hình về các tội: hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng... 13 bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án từ tù treo đến 12 năm tù giam. Tại phiên tòa phúc thẩm sau đó, hội đồng xét xử cũng đã tuyên y án tử hình đối với hai tên cướp này.

Qua vài lần tiếp xúc, trung tá Sơn nhận ra rằng mặc dù rất hung ác nhưng Dũng rất thương vợ con. Sơn thuyết phục vợ Dũng vào trại giam thăm chồng, nhưng phải đóng kịch như vừa bị bắt. Vợ Dũng đồng ý. Một buổi sáng, khi đi qua buồng giam nữ, Dũng bủn rủn tay chân khi thấy vợ mình đang mặc quần áo phạm nhân đứng bên ô cửa. Hắn suy sụp hoàn toàn vì nghĩ rằng tội ác của y đã làm liên lụy đến vợ con.

Ngay sáng hôm đó, Dũng ngoan ngoãn khai hết tội ác của mình với mong muốn “đừng bắt vợ em”. Dũng và đồng bọn gây ra hơn 40 vụ cướp có súng, trong đó có nhiều vụ trọng án: cướp của, giết người, hiếp dâm trẻ em... Dũng khai: hai khẩu súng giao cho “phó tướng” Phạm Văn Đỉnh giữ để tiếp tục “lãnh đạo” đàn em đi cướp. “Cao tay” hơn, trước khi bị bắt, Dũng chỉ đạo cho Đỉnh tìm một người có hình dáng giống y để phòng khi y bị bắt sẽ có người đóng thế vai nhằm đánh lạc hướng công an (tưởng bắt nhầm người).

Qua xác minh, Sơn phát hiện Đỉnh có thời gian thụ án ở trại giam của Bộ Công an về tội cướp tài sản nhưng sau đó vượt ngục, đang bị truy nã. Sau khi trốn trại, Đỉnh gia nhập băng cướp Dũng “chim xanh” với vai trò “phó tướng”. Đỉnh và vợ con thuê nhà ở quận Tân Bình. Sau khi Dũng bị bắt, biết bị lộ Đỉnh chuyển nhà đi nơi khác. Tình cờ một lần ghé Công an P.15, Q.Tân Bình, Sơn nghe một cảnh sát khu vực kể chuyện ở nơi mình phụ trách có cặp vợ chồng mới chuyển tới nhưng không chịu đăng ký tạm trú. Sơn đưa tấm hình tên Đỉnh cho anh cảnh sát khu vực nhận dạng. Anh cảnh sát khu vực gật gù “hơi giống, nhưng tay này tóc ngắn còn ông kia tóc dài”. Linh cảm nghề nghiệp mách bảo Sơn phải tìm hiểu “ông tóc dài”. Sơn nhờ anh cảnh sát khu vực lấy cớ đi kiểm tra nhân khẩu để thăm dò tình hình.

Anh cảnh sát khu vực đến nhà hỏi “Tờ khai tạm trú hôm trước tôi đưa anh chị đã làm xong chưa?”, chị vợ nói chưa xong và giúi vào túi anh 200.000 đồng. Anh cảnh sát khu vực gọi điện về phường xin ý kiến, Sơn và lãnh đạo Công an P.15 chỉ đạo cho anh cảnh sát khu vực cứ nhận để gia chủ khỏi áy náy, đồng thời tìm cách mời vợ chồng họ lên phường. Anh cảnh sát khu vực quay vào nhà tươi cười “Tí nữa ông xã về nói dán ảnh vào giấy tạm trú mang lên nộp”.

20 phút sau, hai vợ chồng chở nhau lên phường. Người chồng đứng trước cổng chờ, còn người vợ vào trong nộp tờ khai. Liếc qua, Sơn xác định đó chính là Phạm Văn Đỉnh. Sơn lững thững đi ra cổng. Ngang qua người đàn ông đang đứng, bất thần Sơn quay lại hô to: “Đỉnh, anh bị bắt”. Tên Đỉnh hoảng hốt rú ga vọt đi nhưng Sơn xoay người tung cú đá ngang ngực khiến y văng xuống xe. Lập tức các trinh sát ùa ra đè sấp y xuống đất, Sơn rút còng khóa tay. Khám người y, Sơn không thấy có súng. Gặng hỏi, Đỉnh mới khai giấu trong khạp gạo. Khám xét nhà Đỉnh, Sơn phát hiện khạp gạo có hai đáy, bên trên đựng gạo, bên dưới là hai khẩu K54, hàng trăm viên đạn và một còng số 8. Đến lúc này Sơn mới thở phào nhẹ nhõm.

Mở rộng vụ án, trung tá Sơn cùng đồng đội bắt thêm 13 tên thuộc hạ của Dũng, trong đó có tên Lương Hoàng (Bình Dương), kẻ được Phạm Văn Đỉnh giao phó “sứ mệnh” đóng thế vai Dũng “chim xanh” đi cướp nhằm đánh lạc hướng công an. Băng cướp Dũng “chim xanh” khét tiếng một thời đã bị xóa sổ hoàn toàn.

----------------------------

Họ vừa là khắc tinh đối với những tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm, nhưng lại là vị cứu tinh của những người lạc lối mong có cơ hội hoàn lương.

Kỳ tới: Mệnh lệnh trái tim

 HOÀNG KHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên