Nhà cửa bị dòng nước thủy điện cuốn trôi khiến nhiều người dân bản May, huyện Sanamxay, Attapeu (Lào) phải ở tạm trong các lán trại - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Một ủy ban đặc biệt sẽ được chính phủ thành lập nhằm kiểm tra tất cả các đập thủy điện đã hoàn thành và đang xây dựng, đồng thời tạm dừng cấp phép đầu tư mới vào lĩnh vực này.
Tạm ngưng các dự án mới
Ông Khammany Inthirath - bộ trưởng Bộ Năng lượng và khai mỏ Lào - nói: "Chúng tôi đã thành lập ủy ban điều tra để kiểm tra chất lượng của khoảng 50 đập thủy điện đã xây dựng xong và đang phát điện. Đồng thời, ủy ban cũng sẽ kiểm tra lại thiết kế của các đập đang và sắp xây dựng hiện nay. Đối với dự án có biên bản ghi nhớ và hợp đồng phát triển dự án, chúng tôi sẽ tạm dừng để kiểm tra lại".
Ủy ban cũng sẽ xem xét, sửa đổi các chiến lược và kế hoạch phát triển thủy điện. Bản chiến lược và kế hoạch sửa đổi sẽ được dùng làm tài liệu định hướng cho chiến lược phát triển thủy điện trong tương lai.
Theo Bộ Năng lượng và khai mỏ Lào, có 51 nhà máy thủy điện đang hoạt động ở Lào với tổng công suất khoảng 6.984 MW. Khoảng 46 dự án đang được xây dựng với tổng công suất 6.083 MW.
Ngoài ra, có 112 dự án thủy điện đang được quy hoạch phát triển với tổng công suất 8.612 MW. Phần lớn điện năng được sản xuất ở Lào nhằm xuất khẩu sang Thái Lan và các nước láng giềng trong mục tiêu biến Lào thành "viên pin" của vùng Đông Nam Á.
Nhân tai
Đa số các tổ chức xã hội và môi trường đều nhìn nhận sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy tại tỉnh Attapeu thuộc vùng đông nam Lào là nhân tai chứ không phải thiên tai. Lượng nước khổng lồ từ hồ chứa đã làm ít nhất 31 người thiệt mạng, khoảng 70 người mất tích.
Hoan nghênh
Ủy hội sông Mekong quốc tế trụ sở chính tại Vientiane (MRC) đã hoan nghênh hành động của Chính phủ Lào. Theo thông cáo ngày 15-8, MRC hoan nghênh quyết định của thủ tướng Lào về việc rà soát lại các dự án đã và đang xây dựng, đồng thời ngưng xem xét các dự án đầu tư mới sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian Xe Namnoy.
"Là một tổ chức liên chính phủ, chúng tôi rất ủng hộ và hoan nghênh quyết định này cũng như sáng kiến của thủ tướng Lào khi cho xem xét lại toàn bộ mức độ an toàn của các đập thủy điện đang khai thác, cũng như kiểm tra lại các dự án đầu tư mới, cập nhật, xem xét lại kế hoạch, chiến lược phát triển thủy điện.
Chúng tôi hi vọng có thể tổng hợp những nỗ lực trong việc rà soát và cập nhật chiến lược cùng kế hoạch phát triển thủy điện của Lào với chiến lược và kế hoạch phát triển lưu vực sông Mekong của MRC vì một khu vực Mekong bền vững hơn" - ông Phạm Tuấn Phan, giám đốc điều hành MRC, tuyên bố.
Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi quốc tế, bà Maureen Harris, kêu gọi cuộc thanh tra của ủy ban phải lấy lợi ích những cộng đồng bị ảnh hưởng làm trung tâm trong các kiến nghị chính sách, tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, và được đầu tư thích đáng về tài nguyên, thời gian, nhân lực.
Bên cạnh đó cũng cần đối thoại với người dân trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến thủy điện và cách nhìn nhận của họ với các chính sách hiện nay.
Tham vấn nghiêm túc
Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam ngày 13-8 hoan nghênh quyết định của Chính phủ Lào và kiến nghị quá trình rà soát lại các đập thủy điện sắp tới đây phải tham vấn ý kiến người dân, nhà khoa học, tổ chức xã hội một cách nghiêm túc, có giám sát độc lập để đảm bảo tính chính xác và minh bạch của kết quả nghiên cứu.
Nghiêm túc cân nhắc và tôn trọng các đóng góp ý kiến từ những nhà nghiên cứu khoa học, tổ chức xã hội và người dân về tác động xuyên biên giới tới môi trường và xã hội của các dự án thủy điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận