07/03/2024 14:22 GMT+7

Làm thủ tục hành chính trực tuyến mà phải chuẩn bị 2 bộ hồ sơ giấy dán tem

Phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Nguyễn Duy Hoàng cho biết ông nhận được ý kiến cho rằng dịch vụ công trực tuyến tạo thêm gánh nặng, nhiều nơi chạy theo chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Duy Hoàng - phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - nêu ý kiến tại hội nghị - Ảnh: H.N.

Ông Nguyễn Duy Hoàng - phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - nêu ý kiến tại hội nghị - Ảnh: H.N.

Sáng 7-3, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. 

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2023, các ngành các cấp nhận giải quyết hơn 22,5 triệu hồ sơ (trong đó có hơn 11 triệu hồ sơ của ngành dọc). 99,8% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, chỉ khoảng 0,16% hồ sơ trễ hạn và đã gửi thư xin lỗi 100%.

Chênh lệch báo cáo giải quyết hồ sơ đúng hạn

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hoàng - phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - đánh giá cao việc TP.HCM đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng nêu một số bất cập trong công tác cải cách thủ tục hành chính hiện nay. Theo đó, tại TP.HCM không tính ngành dọc thì chỉ có khoảng 12% hồ sơ được đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

"Chính phủ yêu cầu 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính là phải công khai, đồng bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhưng chỉ riêng ở lĩnh vực liên quan đến đất đai, năm 2023 TP tiếp nhận 477.600 hồ sơ, chỉ đồng bộ được 61.000 hồ sơ. Lãnh đạo TP chỉ theo dõi được 61.000 hồ sơ, còn lại không kiểm soát được, dẫn đến tình trạng người dân, doanh nghiệp vẫn kêu", ông Hoàng nói.

Ông Hoàng còn dẫn chứng một số quận công khai hồ sơ thấp như quận 4 chỉ 2,2%, quận 1 2,4%, quận 10 chỉ 2,6%, Bình Thạnh 3,2%, Gò Vấp đạt 3,8%.

Ông Hoàng cho biết theo báo cáo của TP.HCM, tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên 99%, chỉ khoảng 0,16% trễ hạn. Tuy nhiên chỉ riêng 12% hồ sơ được đồng bộ lên hệ thống thì xử lý đúng hạn chỉ đạt 73%. Như vậy báo cáo có độ chênh lệch với nhau. Ông đề nghị TP tăng cường công khai hồ sơ để người dân, doanh nghiệp theo dõi, lãnh đạo TP có cơ sở kiểm soát, phản ánh đúng thực trạng.

Số hóa hồ sơ nhưng đòi biên lai giấy

Liên quan dịch vụ công trực tuyến, ông Hoàng cho biết ông ghi nhận được một số ý kiến cho rằng dịch vụ công trực tuyến hình như tạo thêm gánh nặng cho công chức. Dịch vụ công trực tuyến nhằm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cắt giảm khối lượng công việc cho công chức nhưng hiện nay có tình trạng chạy theo chỉ tiêu.

"Tình trạng này không chỉ ở TP mà nhiều địa phương khác cũng gặp. Người dân và doanh nghiệp đến làm hồ sơ thì công chức phải làm hồ sơ trực tuyến hộ. Tại các hội nghị, tôi hỏi các dịch vụ công trực tuyến có thu hồi hồ sơ giấy không thì bảo thu lại, như vậy làm dịch vụ công trực tuyến làm gì? Có trường hợp làm trực tuyến vẫn phải chuẩn bị 2 bộ hồ sơ giấy dán tem", ông Hoàng nói và đề nghị TP rà lại quy trình thực hiện thủ tục dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo thiết thực.

Ngoài ra, theo ông Hoàng, hồ sơ số hóa của TP năm 2023 chỉ đạt 1,3%. Ông kể câu chuyện một công dân trên địa bàn TP tên là H. đưa con đi nhập viện. Ban đầu phải nộp tiền tạm ứng và được cho hóa đơn giấy. Tiền nộp bao nhiêu thì được nhập vào máy. Nhưng khi con xuất viện, bệnh viện yêu cầu anh H. tập hợp lại các biên lai để cộng lại tiền.

"Anh H. nộp tạm ứng 10 triệu, viện phí hết 8 triệu, nhận lại 2 triệu nhưng 2-3 ngày mới giải quyết xong được số tiền ấy. Còn không phải lên gặp giám đốc bệnh viện viết cam kết đã nộp tiền nhưng mất biên lai, đề nghị giám đốc xác nhận và nhận lại 2 triệu đó. Nếu có số hóa thì con anh H. nhận ngay 2 triệu rồi", ông Hoàng kể.

Không vừa làm số, vừa làm giấy

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: H.N

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: H.N.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - đề nghị các sở ban ngành, địa phương rà soát kết quả, tập trung khắc phục hạn chế đã chỉ ra trong báo cáo, phát biểu của phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính...

Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị phải thi đua thực chất trong cải cách hành chính. Phần thưởng không phải chỉ là bằng khen của chủ tịch UBND TP, mà là sự hài lòng, khen ngợi của người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Mãi, TP.HCM đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 với 21 chỉ tiêu, 8 nhóm giải pháp với 98 nhiệm vụ cụ thể và phân trách nhiệm cho cơ quan. Ông đề nghị các cơ quan rà soát lại, hoàn thiện kế hoạch, tập trung triển khai, theo dõi kết quả hằng tháng, hằng quý.

Ông Mãi chỉ đạo từng cấp, từng ngành có kế hoạch đưa tất cả thủ tục hành chính lên nền tảng số, vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP, kết nối với Cổng dữ liệu công quốc gia. Việc này hướng đến mục tiêu cuối năm 2025, cơ bản hoạt động hành chính TP.HCM trên nền tảng số.

Nền hành chính của TP sẽ hướng đến một đầu mối, "tắc chỗ nào, thông chỗ nấy, vướng chỗ nào, gỡ chỗ nấy, chứ không chia ra 2-3 hệ thống, vừa làm giấy, vừa làm số".

Bên cạnh đó TP.HCM sẽ đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ cương hành chính, làm rõ trách nhiệm cán bộ, sự phối hợp giữa sở ngành, địa phương. TP cũng tích hợp kết quả của chương trình chuyển đổi số, đề án 06 vào hoạt động cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ AI trong hoạt động hành chính...

TP.HCM: Quận Bình Tân xếp hạng nhất trong cải cách hành chính năm 2023TP.HCM: Quận Bình Tân xếp hạng nhất trong cải cách hành chính năm 2023

Năm 2023, quận Bình Tân, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp về nhất trong chỉ số cải cách hành chính (Par Index); quận Phú Nhuận và Sở Du lịch xếp hạng 1 trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDCI).


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên