Công nhân vớt rác làm sạch nước tại nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Mỗi ngày TP.HCM có gần 3 triệu m3 nước thải nhưng chỉ 12,6% trong số đó được xử lý. Số còn lại đổ thẳng ra kênh rạch, tình trạng ô nhiễm và tái ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.
Bao giờ kênh xanh trong?
Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, việc vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm hằng ngày nhưng cũng chỉ cải thiện được một phần tình trạng ô nhiễm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cá trên dòng kênh này chết hàng loạt trong thời gian qua, nhất là vào đầu mùa mưa.
Lý giải tình trạng tái ô nhiễm các dòng kênh, giới chuyên môn cho rằng đó là hệ quả tất yếu của việc chưa xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra môi trường. Cụ thể, tuyến cống bao dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 1) đã được hoàn thành với dự kiến thu gom toàn bộ lượng nước thải của khoảng bảy quận ven kênh.
Tuy nhiên, do chưa hoàn thành giai đoạn 2 (xây nhà máy xử lý nước thải) nên khi đưa về trạm bơm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) thì nước thải chỉ được lược bớt rác và bơm ra sông Sài Gòn để pha loãng ô nhiễm.
Việc xử lý nước thải ở đây chỉ giống như đưa ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác. Dù được pha loãng nhưng nước thải vẫn góp phần gây ô nhiễm trở lại cho sông và các kênh rạch. Mặt khác, do hệ thống cống thu gom nước thải của dự án được đấu nối với hệ thống cống thoát nước mưa, nên khi mưa lớn, nước mưa hòa lẫn nước thải tràn ra kênh, dần dần gây ô nhiễm.
Tương tự, đối với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, nhà máy Bình Hưng (giai đoạn 1) mới chỉ xử lý nước thải cho lưu vực 1.000ha tại các quận 1, 3, 5 và một phần quận 10, 11. Còn lưu vực rộng 2.000ha thuộc các quận 6, 8, 11, Tân Bình, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh vẫn phải chờ triển khai giai đoạn tiếp theo.
Dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm cũng chưa có nhà máy xử lý nước thải, do đó phần lớn nước thải sinh hoạt từ các hộ dân dọc các kênh này đều đổ trực tiếp ra kênh gây ô nhiễm.
Giải bài toán thu gom, xử lý nước thải
Thực tế cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xử lý nước thải kém hiệu quả là do đầu tư không đồng bộ. Có nơi xây xong hệ thống cống bao thu gom thì chưa xây xong nhà máy xử lý nước thải (như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), có nơi xây xong nhà máy xử lý nước thải thì lại chưa có hệ thống cống bao thu gom và chuyển tải nước thải về nhà máy (dự án Tham Lương - Bến Cát).
Theo quy hoạch, ở 12 lưu vực thoát nước sẽ có 12 nhà máy xử lý nước thải, nhưng đến nay chỉ có ba nhà máy được xây xong và hoạt động chưa hết công suất bao gồm: Bình Hưng (công suất 141.000m3/ngày), Bình Hưng Hòa (30.000m3/ngày) và Tham Lương - Bến Cát (15.000m3/ngày). Ngoài ra, còn có một số trạm xử lý nước thải phân tán của khu dân cư. Với các nhà máy này, tổng lượng nước thải qua xử lý hiện nay chỉ chiếm 12,6%.
Hiện nay, lượng nước thải đô thị phát sinh của TP.HCM khoảng 1,54 triệu m3/ngày. Nguồn nước thải chưa được xử lý xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân.
Nếu không hoàn thiện hạ tầng thu gom, tách biệt các nguồn nước thải (nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp) và không có giải pháp xử lý triệt để nước thải trước khi xả ra môi trường thì không thể giải quyết căn cơ tình trạng ô nhiễm sông, kênh, rạch ở TP.HCM.
Trong những năm gần đây, lượng nước thải đổ ra môi trường liên tục tăng. Từ năm 2018 đến năm 2021, mỗi năm ước tính tỉ lệ nước thải bình quân tăng khoảng 6,7%. Vấn đề khó khăn là chi phí đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khá lớn, việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt cần quỹ đất lớn nên công tác giải phóng mặt bằng gặp khó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận