Thời gian gần đây, cụm từ "đúng quy trình" tạo nên cơn sốt chưa từng có trong công tác cán bộ, sôi lên từ hai phía. Ở phía giải trình, nó thành câu cửa miệng, được cổ xúy đến mức như muốn tưởng thưởng cho ai đó đã khéo nghĩ ra "bảo bối" này.
Phía công luận, nghe nhàm tới chán, đến bức xúc bởi thấy "chui" qua cái "đúng quy trình" để thoắt cái ngồi tót vào chỗ ăn trên dọn sẵn, toàn là người từ thế lực nhà quan, những người chẳng thấy chút gì là đã sẵn sàng làm công bộc cho dân.
"Đúng quy trình" vẫn chưa đủ
Thật ra, bản thân quy trình không có lỗi. Quy trình là trình tự, cách thức hành động, được quy định chính thức để thực hiện hoạt động, quá trình nào đó nhằm đạt mục đích nhất định. Về phương diện pháp lý của công tác cán bộ, quy trình là quy phạm thủ tục (trình tự, cách thức) để thực hiện quy phạm nội dung (cơ sở, tiêu chuẩn).
Quy trình phải thực hiện đúng theo quy định trước, không được tùy nghi làm theo ý chủ quan, là yêu cầu cần có của chu trình quản lý, chứ không bao giờ là điều kiện đủ, đặc biệt trong công tác nhân sự.
Làm đúng quy trình là yêu cầu tối thiểu của áp dụng pháp luật trong quản lý nhà nước để đưa ra các quyết định, chứ không phải cứ "đúng quy trình" là đương nhiên có quyết định đúng đắn. Thực chất là ở chỗ, ai là người sử dụng quy trình.
Từ những vụ việc bổ nhiệm thần tốc đã bị xử lý vừa qua, buộc phải đặt ra câu hỏi: vì sao tất cả những quy trình có nhiều cơ quan, nhiều cấp tham gia, qua rất nhiều tầng nấc, bằng cách bầu bán, kể cả phiếu kín đều trót lọt?
Pháp luật hiện hành có quá nhiều kẽ hở để luồn lách hay có quá nhiều cách để vô hiệu pháp luật - vô hiệu đến mức những người trong cuộc tuyên bố như thách thức rằng chỉ muốn cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra vào làm rõ, với ý đồ muốn hợp thức nốt khâu cuối? Những người có chính kiến ở đâu, là thiểu số bất lực, do nể nang, hoặc dần dà thỏa hiệp? Câu trả lời cho dù nằm ở đâu cũng mang ngòi hiểm họa.
Thi tuyển công chức để tìm đúng người phục vụ công việc. Trong ảnh: giám thị phổ biến những quy định cho các thí sinh trong đợt thi tuyển công chức của TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
"Chớ đem người tư làm việc công"
Các quyết định pháp luật của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ không phải "lấy từ trong túi áo mình" để ban phát cho người dân hay thu vén cho người thân, mà xuất phát từ sự ủy thác của nhân dân, để mẫn cán, tận tụy phục vụ nhân dân.
Sự khiêm cung trước nguyên tắc pháp quyền, sự chuẩn xác trong thực thi pháp luật, sự kiêng khem đối với cám dỗ tư lợi để ép mình vào công ích là những yêu cầu luôn cấp thiết đối với cán bộ, công chức.
Từ năm 1947, trong tác phẩm Đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nguyên tắc loại trừ rất đơn giản và sáng tỏ: "Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công". Đáp ứng được điều ấy thì quy trình mới hữu dụng.
Cơ quan tham mưu, thẩm định, kiểm soát cũng không thể đơn giản chỉ xem xét quy trình mà không cẩn trọng lưu tâm đến những yếu tố khác như mục đích, động cơ, tố chất, năng lực... Quy trình là phương tiện, không phải mục đích. Khi dùng phương tiện để giải thích cho mục đích là đã có sự cố tình đánh tráo giá trị.
Mặt khác, không nên vì "đúng quy trình" bị lợi dụng mà hắt hủi, xem thường luôn cả nó. Quy trình cũng như pháp luật luôn phải thay đổi theo nhu cầu thực tế đời sống.
Quy trình luôn cần có và cần được tôn trọng, thực hiện nghiêm ngặt trong hoạt động quản lý nhà nước một khi đã được ban hành. Vấn đề là làm sao cho quy trình hợp lý đến mức tối ưu để thúc đẩy nền công vụ phụng sự nhân dân. Và điều phải luôn được cảnh báo là không thể để cho động cơ cá nhân núp bóng "đúng quy trình" để hợp thức dưới danh nghĩa hợp pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận