06/07/2023 09:41 GMT+7

Lạm dụng kháng sinh cẩn thận viêm đại tràng giả mạc

Dùng nhiều kháng sinh gây loạn khuẩn đường ruột và gây bệnh viêm đại tràng giả mạc. Bệnh có thể làm tử vong nhiều ở bệnh nhân lớn tuổi và ngày càng được chẩn đoán nhiều ở lứa tuổi trẻ.

Hình ảnh mô phỏng viêm đại tràng giả mạc - Ảnh: BSCC

Hình ảnh mô phỏng viêm đại tràng giả mạc - Ảnh: BSCC

Vừa qua khoa điều trị bệnh ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân trẻ vào viện với triệu chứng khó thở nhẹ, ho nhiều khi nằm và về đêm, kèm theo đại tiện phân lỏng gần 1 tháng nay, phân lẫn nhầy, khó cầm, gầy sút gần 10kg, bệnh nhân suy kiệt.

Hình ảnh CT scan của bệnh nhân cho thấy có tràn dịch cả màng phổi và ổ bụng. Qua khai thác bệnh sử phát hiện bệnh nhân có phẫu thuật vết thương thấu bụng 2 tháng trước, được điều trị kháng sinh sau phẫu thuật (có kháng sinh nhóm cefalosporin). 

Viêm đại tràng giả mạc, bệnh hay gặp

Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ điều trị của viêm đại tràng giả mạc kết hợp với bổ sung dinh dưỡng tích cực, chọc hút dịch ổ bụng. 

Sau 3 ngày bệnh nhân đáp ứng tốt, dịch màng phổi, ổ bụng giảm, đại tiện phân lỏng giảm. Bệnh nhân đã may mắn được cứu sống nhờ chẩn đoán nhanh và kịp thời.

Bác sĩ Mai Thu Hoài, khoa điều trị bệnh ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết viêm đại tràng giả mạc hay viêm đại tràng màng giả, viêm ruột giả mạc là bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Clostridium difficile gây ra.

Đây là chứng viêm thường liên quan đến sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày và một số nguyên nhân khác. Bệnh có thể gây tử vong nhiều ở bệnh nhân lớn tuổi và ngày càng được chẩn đoán nhiều ở lứa tuổi trẻ trong cộng đồng.

Ngoài liên quan đến sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày thì viêm đại tràng giả mạc có thể liên quan đến viêm đại tràng thiếu máu, tắc nghẽn, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc kim loại nặng.

Viêm đại tràng giả mạc do nhiễm Clostridium difficile là một trong những nhiễm trùng bệnh viện phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong nhiều ở bệnh nhân lớn tuổi. 

Clostridium difficile ngày càng được chẩn đoán nhiều ở người trẻ tuổi và trong cộng đồng, vi khuẩn Clostridium difficile xâm lấn hệ vi sinh vật đường ruột bình thường sau khi bị phá vỡ (thường liên quan đến sau điều trị kháng sinh).

Theo PGS.TS Vũ Đăng Khiên - nguyên phó viện trưởng Viện Điều trị các bệnh tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, quá trình tiêu hóa thức ăn, hấp thu các chất dinh dưỡng trong đại tràng phải nhờ đến hệ vi khuẩn sống cộng sinh trong lòng đại tràng.

Tuy nhiên, khi người bệnh dùng kháng sinh bừa bãi, không tuân thủ phác đồ và đặc biệt dùng nhiều loại khác nhau sẽ là điều kiện thúc đẩy cho các vi khuẩn có hại gây tổn thương đại tràng, gây viêm và loét đại tràng. 

Vi khuẩn Clostridium difficile thường gây bệnh ở những bệnh nhân dùng kháng sinh không tuân thủ phác đồ của thầy thuốc. Đây là vi khuẩn kỵ khí, có nha bào, "sức đề kháng" rất cao khi ra bên ngoài cũng như trong đường tiêu hóa. 

Vi khuẩn Clostridium difficile sẽ sản sinh ra độc tố ruột và độc tố gây độc tế bào. Độc tố tác động vào niêm mạc đại tràng gây viêm và tăng bài tiết tạo thành giả mạc màu trắng. Giả mạc này mềm, dễ bong và khi bong ra sẽ để lại viêm, loét và gây chảy máu niêm mạc.

Khó chẩn đoán và biến chứng khôn lường

Theo PGS Khiên, viêm đại tràng giả mạc là một bệnh còn rất khó nhận biết, đặc biệt ở các tuyến huyện, khi chưa có các thiết bị trợ giúp chẩn đoán và có các chuyên gia giàu kinh nghiệm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ đưa đến hậu quả khôn lường.

Hình ảnh nhìn thấy qua các phương tiện chẩn đoán - Ảnh: BSCC

Hình ảnh nhìn thấy qua các phương tiện chẩn đoán - Ảnh: BSCC

Bệnh không chỉ gây đau đớn (đau rút bụng và đau bụng), tiêu chảy mủ, máu hoặc chất nhầy trong phân, sốt, buồn nôn, mất nước... Các triệu chứng của viêm đại tràng màng giả có thể bắt đầu trong vòng 1 - 2 ngày sau khi bắt đầu dùng kháng sinh.

Theo bác sĩ Mai Thu Hoài, biểu hiện của nhiễm Clostridium difficile có thể từ không triệu chứng đến tổn thương nặng nề như phình đại tràng nhiễm độc. Các triệu chứng hay gặp nhất gồm:

- Đại tiện phân lỏng, nhiều nước, nhầy, đau bụng, mất nước điện giải làm cho bệnh nhân suy kiệt nhanh chóng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời nguy cơ ngày càng nặng nề.

Đau bụng (có thể đau quặn, âm ỉ hoặc thành cơn).

- Sốt cao, có thể lên đến 39-40 độ C.

Chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Clostridium difficile nên được đặt ra trong trường hợp bệnh nhân có tình trạng tiêu chảy cấp tính mà không giải thích được nguyên nhân, đặc biệt trong các trường hợp bệnh nhân điều trị kháng sinh gần đây, người lớn tuổi.

Hầu hết mọi người đáp ứng tốt với điều trị nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, nhưng viêm đại tràng màng giả có thể gây tử vong nếu không điều trị hiệu quả. Khoảng 3-8% bệnh nhân có biến chứng nặng: phình đại tràng nhiễm độc, thủng đại tràng, viêm phúc mạc, sốc nhiễm khuẩn, rối loạn nước điện giải…

Để phòng tránh bệnh, tốt nhất chỉ nên dùng kháng sinh theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Trường hợp sau khi dùng kháng sinh một thời gian hoặc đã ngưng dùng thuốc mà thấy đi ngoài ra máu thì phải thông báo cho bác sĩ, đi khám và điều trị ngay.
Chỉ ho sốt, trẻ nhập viện phát hiện viêm phổi nặng do vi khuẩn MycoplasmaChỉ ho sốt, trẻ nhập viện phát hiện viêm phổi nặng do vi khuẩn Mycoplasma

Ngày 26-6, Bệnh viện Nhi trung ương thông tin thời gian gần đây tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do viêm phổi, trong đó có nhiều trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma với các triệu chứng không điển hình, dễ nhầm với cảm cúm thông thường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên