Lãi vay cao, thủ tục giải ngân phức tạp
Tại hội nghị triển khai đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" trong năm 2024 mới đây, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết từ tháng 4-2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 2 lần điều chỉnh lãi suất gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng.
Cụ thể, mức lãi suất vay ưu đãi với doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội được điều chỉnh giảm từ 8,5%/năm (tháng 4-2023) xuống 8,2%/năm (tháng 7-2023), và 8%/năm kể từ đầu năm 2024.
Tương tự, lãi vay với người mua nhà cũng được điều chỉnh giảm lần lượt từ 8%/năm xuống 7,7%/năm, và 7,5%/năm.
Tuy nhiên, tỉ lệ cho vay của gói ưu đãi 120.000 tỉ đồng hiện nay rất thấp, chỉ đạt khoảng 531 tỉ đồng. Con số này rất thấp so với nhu cầu vay mua nhà ở xã hội.
Nguyên nhân được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội chỉ ra là mức lãi vay này còn cao, chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư và người mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, thủ tục vay vốn từ gói vay ưu đãi 120.000 tỉ đồng quá phức tạp, có doanh nghiệp đi lại cả chục lần vẫn chưa vay được vốn.
Ưu đãi cần thực chất hơn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho hay mức lãi vay từ 7,5-8%/năm với cả người mua nhà và doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội vẫn cao, vì lợi nhuận của nhà ở xã hội bị khống chế ở mức 10%, luôn thấp hơn nhà ở thương mại.
Theo ông Đính, cần nhìn nhận đúng bản chất đầu tư nhà ở xã hội là chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, đúng ra Nhà nước phải đứng ra làm. Giờ khuyến khích doanh nghiệp làm thì Nhà nước phải tạo cơ chế thuận lợi về vốn, tiếp cận đất đai để thu hút doanh nghiệp tham gia làm.
"Mức lãi suất 8%/năm trong bối cảnh thời gian từ lúc khởi công xây dựng đến hoàn thành một công trình nhà ở xã hội kéo dài từ 1,5-2 năm, doanh nghiệp phải chi phí nhiều thứ. Nếu vay ngân hàng, chi phí vốn làm dự án cũng trên 10% rồi. Trong khi định mức lợi nhuận nhà ở xã hội chỉ 10% thì doanh nghiệp làm nhà ở xã hội có nguy cơ lỗ", ông Đính nói.
Còn theo ông Nguyễn Chí Thanh - tổng giám đốc Công ty Cao ốc quốc tế Hồ Tây, khi lãi tiền gửi trung bình của người dân tại các ngân hàng thương mại hiện nay khoảng 4%/năm mà người thu nhập thấp phải vay mua nhà với lãi vay ưu đãi 7,5%/năm là bất hợp lý.
"Nếu là vay ưu đãi vì mục đích hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội thì nên duy trì ở mức thấp hơn, hoặc bằng lãi huy động của các ngân hàng. Còn lãi vay ưu đãi tới 7,5%/năm là không thực chất", ông Thanh nhấn mạnh.
Vị này cũng thẳng thắn chỉ ra rằng đa số người lao động có thu nhập trung bình thấp không chịu được lãi vay mua nhà ở xã hội ở mức 7,5%/năm như hiện nay.
Ông Thanh cho rằng mức lãi vay ưu đãi cho người mua nhà ở xã hội từ gói ưu đãi 120.000 tỉ đồng nên duy trì ở mức khoảng 5%/năm là phù hợp. Mức lãi vay này cũng cần được duy trì ổn định trong thời gian dài để hỗ trợ người dân.
Lãi vay ưu đãi với người mua nhà ở xã hội cần thể hiện rõ bản chất chính sách hỗ trợ người dân có thu nhập trung bình thấp tiếp cận nhà ở.
Đối với doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, theo ông Thanh, mức lãi vay 8%/năm có thể chấp nhận được, vì các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được tính chi phí lãi vào chi phí đầu tư dự án. Điều quan trọng nhất với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội là thủ tục vay vốn phải đơn giản, thuận lợi.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Khánh, chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và phân phối DTJ, cho rằng trong bối cảnh các ngân hàng huy động vốn ở mức lãi thấp như hiện nay cần sớm giảm lãi vay gói 120.000 tỉ đồng về mức hợp lý để hấp dẫn người mua nhà, doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận