07/08/2018 12:20 GMT+7

Lại chuyện bản quyền truyền hình Asiad 2018

TRƯỜNG CAO
TRƯỜNG CAO

TTO - Cách đây bốn năm, chúng ta mua bản quyền truyền hình Asiad 2014 chỉ 200.000 USD. Có nghĩa là lần này, KJSM - đơn vị nắm bản quyền truyền hình Asiad trên lãnh thổ Việt Nam - đã hét giá cao gấp 20 lần!

1. Hai trận thắng liên tiếp của thầy trò ông Park Hang Seo tại giải đấu giao hữu đang diễn ra ở Hà Nội nhằm chuẩn bị cho đấu trường Asiad 2018 đã khiến người hâm mộ bóng đá Việt thêm phần bứt rứt. Vâng, không bứt rứt sao được khi chuyến này không được xem thầy trò ông Park thi đấu ở Indonesia thiệt rồi.

Cách đây một tuần, VTV (đài truyền hình quốc gia) đã chính thức thông báo rằng không thể mua bản quyền truyền hình Asiad 2018 vì đối tác - Công ty KJSM (có trụ sở chính ở Hàn Quốc) hét giá quá cao.

Bao nhiêu mà bảo là quá cao? VTV không công bố, nhưng chúng tôi tìm hiểu thì được biết nó tròm trèm 4 triệu USD.

Xin cung cấp đến mọi người một chi tiết thế này để so sánh: Cách đây bốn năm, chúng ta mua bản quyền truyền hình Asiad 2014 chỉ 200.000 USD (lúc ấy SCTV mua). Có nghĩa là lần này, KJSM - đơn vị nắm bản quyền truyền hình Asiad trên lãnh thổ Việt Nam - đã hét giá cao gấp 20 lần!

Không khó lắm để giải mã cái giá bản quyền tăng cả 20 lần này, đó là KJSM dựa vào sức nóng của đội U-23 Việt Nam! 

Như chúng tôi từng thông tin trong đợt mua bản quyền truyền hình World Cup, chỉ số rating (hiểu nôm na là lượng người xem truyền hình) của U-23 Việt Nam tại vòng chung kết U-23 châu Á hồi tháng 1 năm nay đã cao kỷ lục. 

Và tiền thu từ quảng cáo luôn tỉ lệ thuận với chỉ số rating. Vì vậy, KJSM nắm thóp chuyện đó mà tăng giá ngất ngưởng.

2. Đo lường phản ứng từ người hâm mộ, phần lớn đều ủng hộ VTV trong việc nói không với Asiad 2018 nhằm đấu tranh với các công ty nước ngoài chăm chăm "chặt chém" trong chuyện bản quyền truyền hình. 

Nếu như cầm chắc 100% thầy trò ông Park đi đến trận chung kết Asiad 2018 thì VTV chắc cũng phải "theo lao". 

Nhưng bóng đá mà, ai ngờ đội Đức lại về nước ngay vòng bảng World Cup, huống hồ bóng đá Việt vốn nổi tiếng phập phù! 

Vì vậy, VTV từ chối thương thảo với cái giá cao gấp 20 lần so với 4 năm trước là hợp lý, cần được ủng hộ.

3. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại cho nó rõ ngọn nguồn. Một số chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình đặt ra một vấn đề như thế này: Rõ ràng KJSM lợi dụng vào thương hiệu U-23 Việt Nam để nâng giá. Nhưng trên thương trường, đó là điều bình thường. 

Tương tự như chính Tvad (trung tâm dịch vụ quảng cáo truyền hình của VTV) cũng nâng giá quảng cáo khi U-23 đi sâu ở vòng chung kết châu Á, hay cứ mãi gọi đội Olympic là U-23 vậy (dù có đến 3 cầu thủ trên 23 tuổi, nhưng gọi thế vì U-23 là từ khóa). 

Vấn đề đặt ra ở đây là các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia... đã mua xong bản quyền truyền hình Asiad 2018 hồi tháng 11-2017 và nếu ta cũng làm sớm, mua thẳng từ Dentsu (công ty nắm bản quyền cấp 1, còn KJSM chỉ là một đơn vị mua lại cấp 2) thì đâu bị bắt chẹt bởi thương hiệu U-23 (chỉ nổi lên hồi tháng 1-2018)?

Từ đây, các chuyên gia phân tích: Điểm yếu của chúng ta là cơ chế. VTV tham gia thương trường nhưng vẫn là một cơ quan nhà nước. 

Thị trường bản quyền truyền hình hết sức phức tạp, nên rất cần sự năng động. Nhưng nghiệt nỗi, trong cơ chế nhà nước rất khó năng động. Nếu mua sớm và thắng thì không nói gì, nhưng thua thì kỷ luật như chơi! 

Vì vậy, khi nào chưa giải được bài toán này thì cứ đến World Cup, hay những lần có đội bóng của Việt Nam thi đấu quốc tế là chúng ta tiếp tục nghe điệp khúc: lại chuyện bản quyền truyền hình!

TRƯỜNG CAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên