08/11/2016 09:44 GMT+7

Người Mỹ đi bầu với "lá phiếu thiết thân"

CAM LY (TỪ CALIFORNIA)
CAM LY (TỪ CALIFORNIA)

TTO - Sống trong không khí bầu cử của nước Mỹ là một trải nghiệm lạ lùng - một kết hợp giữa quá nhiều và quá ít.

Cử tri tương lai của nước Mỹ đến nghe Tổng thống Barack Obama diễn thuyết tại ĐH New Hampshire ở TP Durham, bang New Hampshire tối 7-11. Ông Obama cùng vợ Michelle Obama đã xuất chinh đi vận động cho bà Hillary Clinton - Ảnh: Reuters

Nếu bạn có tham vọng tìm hiểu chính kiến và tâm lý của quốc gia của gần 325 triệu dân này, bạn có thể chọn chế độ điểm tin qua một ứng dụng điện thoại, và hàng ngàn tin, bài, số liệu... sẽ hiện lên màn hình điện thoại của bạn trong suốt 24 giờ mỗi ngày từ khắp hang cùng ngõ hẻm của gần 10 triệu cây số vuông diện tích nước Mỹ.

Nhưng ngược lại, nếu bạn chọn cách "mũ ni che tai" tránh xa các ảnh hưởng truyền thông, trừ phi bạn sống tại các tiểu bang và các vùng có dao động nhất định về chính kiến (11 trên tổng số 50 tiểu bang Mỹ thuộc dạng "dao động" này), bạn hầu như không có điều kiện tiếp xúc với những chính kiến khác biệt với mình.

Câu chuyện ở thành phố nhỏ Berkeley

Thành phố tôi đang sống, Berkeley (thuộc tiểu bang California), nằm ở "cực tả" của "dải quang phổ chính trị" nước Mỹ. Nói đơn giản, ở thành phố này, tôi sống trong một ốc đảo của hơn một trăm ngàn công dân Mỹ trong đó đại đa số ủng hộ đảng Dân chủ.

Trong mùa hè vừa rồi, khi bỏ phiếu bầu chọn ứng viên đại diện cho từng đảng, trên 92% cử tri đi bỏ phiếu là cử tri ủng hộ đảng Dân chủ, phần còn lại là cử tri ủng hộ ứng viên độc lập và cử tri ủng hộ đảng Cộng hoà.

Ngay từ thời điểm đó, số liệu đã cho thấy ứng cử viên Donald Trump hoàn toàn "không có cửa" ở Berkeley: dưới 1% số cử tri Berkeley (454 số phiếu) chọn giữ lại cái tên Trump trên phiếu bầu của mình. Theo sách lược vận động tranh cử, những thành phố như Berkeley là nơi các ứng viên hầu như không màng đến việc bỏ tiền vận động phiếu, vì khả năng xoay chuyển số phiếu gần như bằng không.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tuần gần đây, tình thế đã thay đổi đột ngột. Khi thông tin mới nhất về việc Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) thể hiện ý định tiếp tục mở rộng điều tra thư điện tử của bà Hillary Clinton được tung ra một cách ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông Mỹ, các nhóm vận động tranh cử địa phương của ứng viên Donald Trump đã tức tốc "đổ bộ" vào Berkeley để giăng khẩu hiệu và đóng đinh các bảng quảng bá cho Trump tại các góc đường và dọc các trục giao thông chính của thành phố.

Chỉ qua một đêm, thế giới của ốc đảo "mũ ni che tai" này bị xáo trộn đáng kể. Hôm qua, khi phát hiện ra một tấm biển quảng cáo như thế ngay góc đường gần trường tiểu học của con mình, cô Gabriela - một phụ nữ sinh ra và lớn lên ở tiểu bang Texas nhưng chọn chuyển vùng đến Berkeley hơn chục năm qua - đã bức xúc nói với nhóm phụ huynh đứng gần đó: "Thật không thể tin nổi là họ dám đặt chân đến đây. Chỉ nhìn đến cái tên Trump là tôi đã phát điên lên!".

Các phụ huynh xung quanh xôn xao tiếp, chia sẻ cùng nỗi bức xúc của Gabriela. Cô Tiffani, làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ giáo dục cho trẻ em mới nhập cư và gia đình thu nhập thấp, lắc đầu: "Tôi có trao đổi với một đồng nghiệp tại chi nhánh tổ chức của tôi tại Iowa, ông ta nói ở đó tình hình còn căng hơn nhiều. Chỉ qua một đêm, tình thế đã nháo nhào cả lên. Văn phòng vận động của bà Hillary không kịp trở tay, còn văn phòng vận động của ông Trump thì như được bơm thêm một liều thuốc tăng lực. Bên ông Trump đi kêu gọi từng khu phố, từng nhà, thậm chí cử người đứng ở từng trạm xe buýt công cộng".

Các nhà phân tích chính trị ở Mỹ nói khi có những thông tin "động trời" vào phút chót, cuộc chạy đua vận động nước rút ở các "tiểu bang dao động" như Iowa có khả năng lật ngược thế cờ và thay đổi cục diện tranh cử ở tầm toàn quốc. Các nhóm tranh cử cho ông Trump vì thế quyết liệt dốc sức "lật phiếu" trong tuần cuối cùng này.

Tổng thống Barack Obama (phải) đến TP Philadelphia, bang Pennsylvania tối 7-11 để vận động ủng hộ cho bà Hillary Clinton - Ảnh: Reuters

Câu chuyện của gia đình hai phụ nữ

Đi bộ cùng Gabriela ngang qua nhiều ngôi nhà treo bảng "I am with her" (tạm dịch là "Tôi sát cánh cùng bà ấy" - câu khẩu hiệu ủng hộ Hillary Clinton), tôi chỉ cho cô và nói ít nhất ở Berkeley này, tôi tin không có lá phiếu nào bị "lật ngược" vào giờ chót.

Tuy vậy Gabriela lại tỏ ra "dao động": "Nhưng bạn biết đấy, thành phố này không đại diện cho nước Mỹ đâu. Tôi và Terri lo lắm - bọn tôi gửi thư và nhắn tin cho tất cả bạn bè của mình trên cả nước để giục họ đi bầu. Tôi có quyền bầu cử hơn hai chục năm nay rồi, nhưng chưa bao giờ lá phiếu của tôi lại mang tính riêng tư và thiết thân như lần này. Ngay cả cách đây tám năm, khi bầu cho tổng thống Obama, lá phiếu của tôi cũng mang tính biểu tượng nhiều hơn là thiết thân. Lúc đó, tôi đi bầu cho hy vọng và cho lịch sử. Còn năm nay, tôi đi bầu để bảo vệ cho gia đình nhỏ của mình trước tiên".

Gabriela và Terri, hai phụ nữ, kết hôn tại Canada cách đây hơn mười năm. Một người đến từ tiểu bang Texas và một người là công dân kép của Canada và Mỹ. Vào thời điểm họ kết hôn, tiểu bang mà họ sống không công nhận hôn nhân đồng tính.

Terri từng kể tôi nghe về câu chuyện gia đình họ vì con gái họ là bạn học cùng lớp với con gái tôi. Cho đến những năm gần đây, mỗi khi gia đình họ đi du lịch đến những tiểu bang thủ cựu của nước Mỹ, họ vẫn hứng chịu những ánh mắt kỳ thị và thậm chí bị tấn công cá nhân.

Ứng viên Donald Trump (giữa) cùng phó tướng Mike Pence (bên phải ông Trump) đưa cả gia đình đi vận động giờ chót tại TP Manchester, bang New Hampshire ngày 7-11 - Ảnh: Reuters

"Trump đại diện cho tất cả những mối hiểm nguy mà những gia đình như chúng tôi phải đối diện - sự kỳ thị và căm ghét người nhập cư, người đồng tính, phụ nữ, lựa chọn cá nhân trong việc sinh con... - khi tất cả những điều đó dồn tụ vào mỗt chỗ và có điều kiện bùng phát ra bằng những 'khẩu lệnh' của một người như Trump, bạn sẽ nhìn thấy nước Mỹ có thể rơi xuống hố tiêu cực đến đâu" - Terri từng trao đổi với tôi cách đây một tháng, khi cán cân còn nghiêng về Hillary Clinton rõ ràng hơn.

"Nếu bạn bầu cho Trump, tức là bạn đã bầu để triệt hạ gia đình chúng tôi. Chúng tôi sẽ không tha thứ cho bạn. Có thể Chúa Trời sẽ tha thứ cho bạn, nhưng Chúa Trời không chấp thuận sự căm ghét của bạn - mà khi bầu cho Trump, bạn đứng về phía của lòng căm ghét, của tinh thần phát xít, của quan điểm da trắng là thống soái, của khuynh hướng tăng khoảng cách giàu-nghèo, của chiến tranh, và của chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Đừng làm điều đó!" 
Thông điệp mà gia đình Gabriela-Terri viết trong tờ rơi

Tôi hỏi Gabriela nghĩ sao về những sai phạm của bà Hillary Clinton và khả năng những cáo buộc tham nhũng đối với bà là chính xác, cô cười buồn: "Nói thì nghe như đùa, nhưng tám năm trước đây, tôi không hình dung có lúc gia đình mình đứng trước lựa chọn như thế này. Trước khi đến ngưỡng này, gia đình tôi chọn ông Bernie Sander đấy chứ, với hy vọng ông ấy sẽ cải tổ thể chế hiện nay và kềm chế các loại quan hệ thân hữu kiểu gia đình Clinton. Nhưng đến bây giờ, so với sự độc hại của Trump, bà Hillary chỉ còn là đại diện cho sự tệ hại nói chung của chính trị mà thôi. Còn Trump thì, nói thật, là một con quái vật!".

Gabriela rủ tôi đến địa điểm bầu cử sớm trong ngày 8-11. Cô nói cô sẽ có mặt lúc 7g sáng để phát tờ rơi cho mọi cử tri, trong đó ghi lại thông điệp của gia đình cô. "Có khi tôi sẽ mất ngủ cả đêm trước đó nữa, để có thể có mặt được ở đó ngay lúc mở thùng phiếu. Nhưng chẳng sao, nếu tôi có thể chặn được dù chỉ một lá phiếu dành cho Trump rơi vào thùng phiếu là tôi yên tâm mình đã làm hết sức", Gabriela cam đoan.

CAM LY (TỪ CALIFORNIA)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục