21/05/2016 09:48 GMT+7

Kỳ vọng vào tiếng nói của ứng viên trẻ

QUỐC LINH - MAI HƯƠNG
QUỐC LINH - MAI HƯƠNG

TTO - Không chỉ chờ đợi chương trình hành động, nhiều bạn trẻ kỳ vọng nếu trúng cử, tiếng nói của đại biểu trẻ sẽ mang lại sự đổi thay về việc làm, giáo dục, tâm thế của giới trẻ trong bối cảnh đất nước hội nhập hôm nay.

Các đại biểu tham gia giao lưu trực tuyến sáng 20-5 - Ảnh: Duyên Phan
Các đại biểu tham gia giao lưu trực tuyến sáng 20-5 - Ảnh: Duyên Phan

Cùng chia sẻ thao thức với bạn đọc tại buổi giao lưu trực tuyến “Gửi gắm gì cho đại biểu của thanh niên - giới trẻ” do báo Tuổi Trẻ thực hiện sáng 20-5 là các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND nhiệm kỳ 2016-2021: Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong, trưởng Ban tổ chức Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy, phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM Lâm Đình Thắng, phó bí thư Thành đoàn TP.HCM Vương Thanh Liễu, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Trương Lý Hoàng Phi và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Tăng Hữu Phong.

Nếu trúng cử, đại biểu sẽ làm gì?

Bạn đọc Lý Quan Hữu An nói nhiều bạn trẻ không nắm lịch sử dân tộc, không việc làm, thiếu lý tưởng sống... và hỏi nếu trúng cử, các đại biểu sẽ làm gì để hỗ trợ các bạn vượt qua những trở ngại ấy?

Anh Lê Quốc Phong cho rằng Hữu An đang nêu thực trạng của một bộ phận thanh niên VN mà tổ chức Đoàn, Hội đã nhận diện và xem việc xác lập giải pháp để hỗ trợ nhóm thanh niên này là nhiệm vụ quan trọng.

Anh Phong khẳng định Đoàn - Hội đang tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tạo ra nhiều sân chơi, phong trào và mời An cùng các bạn có thể dành thời gian tham gia những hoạt động phù hợp.

“Chúng tôi sẽ phối hợp hiệu quả hơn với các bộ ngành liên quan, đề xuất với Chính phủ nhiều cơ chế, chính sách giải quyết những vấn đề thiết thân của thanh niên, tham gia trách nhiệm quá trình xây dựng, hoàn thiện các luật liên quan đến thanh niên” - anh Phong nói.

Chị Trương Lý Hoàng Phi cho rằng mỗi bạn trẻ sẽ phải tự mình thay đổi trước khi có một sự giúp đỡ hay giải pháp nào đó đến từ người khác vì điều kiện hiện nay rất cởi mở và không thiếu cơ hội.

Tuy nhiên, chị Hoàng Phi nói cùng với hành động từ phía Nhà nước, những ứng viên trẻ nếu trúng cử cần có những định hướng trong truyền thông, cải tiến các điều kiện tiếp nhận thông tin, xây dựng môi trường khuyến khích giới trẻ trải nghiệm các điều kiện khởi nghiệp và việc làm.

Bạn Nguyễn Mậu Phương Quỳnh (Sở Tài chính TP.HCM) đặt vấn đề làm sao mở rộng các sân chơi lành mạnh để hạn chế hiện tượng “sống ảo” trong giới trẻ, phát triển trung tâm việc làm, dạy nghề giải quyết tình trạng thất nghiệp hiện nay của giới trẻ.

Thừa nhận thanh niên hiện còn thiếu thiết chế văn hóa, anh Lâm Đình Thắng nói điều này cần được triển khai nhanh, kịp thời hơn, song song với định hướng giá trị, lối sống đẹp cho giới trẻ.

Anh Thắng cho biết hai nhóm nội dung sẽ kiến nghị khi trở thành đại biểu. Một là tính hiệu quả quản lý nhà nước đối với các thông tin, chương trình giải trí kém lành mạnh, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Theo anh Thắng, thông tin về các điển hình tốt hiện chưa nhiều trong khi tin tức về các trào lưu, lối sống chưa chuẩn lại được cập nhật và dễ định hướng giới trẻ.

Thứ hai là cơ chế, chính sách thúc đẩy người trẻ khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm, giải bài toán thất nghiệp, tệ nạn xã hội trong giới trẻ mà trên hết là thúc đẩy khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng cho thanh niên Việt Nam.

Đặt mình ở vị trí người dân

Rất thẳng thắn, bạn Mỹ Hoa hỏi tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Tăng Hữu Phong: “Nếu anh trở thành đại biểu, anh tiếp nhận đơn người dân tố cáo tiêu cực của cán bộ, lãnh đạo TP, báo Tuổi Trẻ có dám viết bài không?”.

Anh Tăng Hữu Phong khẳng định từ trước đến nay Tuổi Trẻ luôn kiên trì đấu tranh với những vấn đề còn tồn tại trong xã hội. Cho nên, nếu đơn thư tố cáo của người dân sau khi xác minh là đúng sự thật, có đầy đủ hồ sơ pháp lý thì Tuổi Trẻ sẵn sàng đăng tải để cùng các cơ quan chức năng đấu tranh với tiêu cực.

“Điều đầu tiên khi nhận đơn tố cáo là phải xác minh xem có đúng sự thật hay không. Sau đó phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành trao đổi thông tin, xử lý theo quy định của pháp luật” - anh Phong chia sẻ.

Ở một khía cạnh khác, bạn Nhân Ngọc Dũng cho rằng báo chí hay đi sâu khai thác khía cạnh tiêu cực mà bỏ quên mặt tích cực và đề nghị anh Tăng Hữu Phong với góc độ lãnh đạo cơ quan báo chí cần có hành động để phác họa bức tranh trung thực về đất nước.

Chia sẻ, anh Phong nói không chỉ cơ quan báo chí mà mọi người nên chủ động giới thiệu những gương điển hình, cung cấp thông tin trung thực về cuộc sống để thấy rằng Việt Nam cũng đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ và đời sống người dân đang ngày một cải thiện hơn.

Bạn đọc Nguyễn Văn Bảy hỏi anh Bùi Quang Huy ngắn gọn: “Các ứng viên có ý thức được mình phải làm gì để nhân dân bớt cực khổ không?”.

Anh Huy nói luôn ý thức sâu sắc rằng đại biểu Quốc hội là đại biểu của nhân dân. Vì vậy, khi tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước phải biết đặt quyền lợi nhân dân lên trên hết.

“Muốn vậy phải biết lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Mọi hành động xuất phát từ quyền lợi của nhân dân chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước, chăm lo đời sống cho nhân dân” - anh Huy chia sẻ thêm.

Bạn đọc Xuân Tuyền nêu vấn đề: “Hiện nhiều bạn trẻ chọn Đoàn làm con đường tiến thân bởi thực tế nhiều vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước đều xuất thân từ tổ chức Đoàn...”.

Anh Bùi Quang Huy không đồng ý với suy nghĩ “tham gia Đoàn để tiến thân”, bởi người có năng lực, chịu khó rèn luyện, tu dưỡng thì dù ở môi trường nào cũng sẽ có cơ hội phát triển và thành công. Anh Huy cho rằng Đoàn thu hút được lượng thanh niên ưu tú tham gia là một tín hiệu tốt, thể hiện uy tín và ảnh hưởng tốt của tổ chức với thanh niên.

Một bạn đọc khác bày tỏ mong muốn nếu trở thành đại biểu, các ứng viên trẻ sẽ biết “sống” và “cảm” cuộc sống của dân.

Nguyện vọng chân thành này được chị Vương Thanh Liễu đồng cảm: “Nếu trở thành đại biểu, chắc chắn chúng tôi sẽ thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân không chỉ qua báo đài mà còn phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với bà con. Ngoài ra còn theo dõi, giám sát việc giải quyết các yêu cầu chính đáng của người dân”.

Khởi nghiệp - thời sự của giới trẻ

Bạn Cẩm Tú mong muốn anh Lê Quốc Phong có những đề xuất với Quốc hội, Chính phủ để có những chính sách, chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Anh Quốc Phong nói đây là vấn đề hiện giới trẻ rất quan tâm, nhiều địa phương đã có các hoạt động hỗ trợ và Trung ương Đoàn đang hoàn chỉnh để triển khai đề án Thanh niên khởi nghiệp trong quý 2-2016.

Cùng với các giải pháp của Đoàn - Hội, tận dụng các nguồn lực xã hội, anh Phong nói sẽ kiến nghị những cơ chế đặc thù cho thanh niên khởi nghiệp về nguồn vốn, lãi suất, sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Cùng câu chuyện khởi nghiệp, song bạn Nguyễn Ngọc Nghĩa đề nghị có giải pháp thu hút du học sinh, doanh nhân Việt kiều trẻ quay về khởi nghiệp tại quê hương. Chị Trương Lý Hoàng Phi nói cần thiết tạo ra môi trường cởi mở và tinh thần chấp nhận sự khác biệt.

Chị Hoàng Phi nói sự thực tế, trải nghiệm cũng rất quan trọng mà nhiều năm làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp và môi trường doanh nghiệp, chị nhận thấy du học sinh và doanh nhân Việt kiều quan tâm nhiều đến cơ hội kinh doanh, đóng góp sáng kiến, cải tiến và chúng ta có thể tạo cơ hội, chia sẻ về điều đó nhiều hơn.

QUỐC LINH - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên