28/07/2010 16:20 GMT+7

Ký ức cầu Long Biên

LƯƠNG ĐÌNH KHOA (Hà Nội)
LƯƠNG ĐÌNH KHOA (Hà Nội)

AT - Năm lên 10 tuổi, tôi được bố mẹ cho ra Hà Nội sống với bác cả suốt mùa hè (mục đích chính là để mấy anh chị nhà bác kèm tôi học). Nhà bác cả nằm ngay dưới chân một cây cầu thép thật dài - cứ hun hút theo ánh nhìn một đứa trẻ nhà quê lần đầu bước chân ra thành phố.

Tôi đã hỏi nội tôi tên cây cầu ấy là gì để về kể lại cho đám bạn cùng lớp trố mắt ngạc nhiên thì nội chỉ cười, bỏm bẻm nhai trầu mà ngâm nga mấy câu ca thế này:

7e0YvG3L.jpgPhóng to

Cầu Long Biên - Ảnh: Đình Khoa

Hà Nội có cầu Long BiênVừa dài vừa rộng bắc trên sông HồngTàu xe đi lại thong dongNgười người tấp nập gánh gồng ngược xuôi...

Cái tên Long Biên bắt đầu xuất hiện và bám trụ lại trong trí nhớ non nớt của tôi cùng một khoảng trời trong trẻo và bình yên những ngày thơ ấy.

Tôi thường theo chân mấy anh chị trèo lên cầu ngắm hoàng hôn, dõi mắt nhìn mặt trời đang dần lặn xuống phía tây của dòng sông Hồng ửng đỏ, rồi lại thu ánh nhìn về gần hơn nơi từng bãi mía bờ dâu, vườn ngô lên xanh mướt mát trong chiều.

Khi mặt trời đã chìm nghỉm dưới lòng sông đỏ hồng, chỉ còn hắt lên vài vạt nắng yếu ớt luênh loang theo sóng, mấy anh chị em chúng tôi thường "hành quân" đi dọc theo cầu xuôi xuống một đoạn về phía nam - nơi có những đoạn được thiết kế riêng dành cho các phương tiện tham gia giao thông có thể dừng đỗ lại để dọn hàng về cho nội. Nội tôi vẫn hay bán bánh đúc và nước chè ở đó, cùng với gánh hàng rong của các bà, các chị ở bãi giữa và hai bên bờ sông: vài thứ hoa quả quê, dăm thanh kẹo lạc, đôi khi xuất hiện cả ông già bán kẹo kéo và những con tò he xanh đỏ bắt mắt...

Năm 13 tuổi, tôi trở lại với cầu Long Biên nhưng trong một hoàn cảnh khác: đưa nội tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi nghe bác cả nói chuyện với bố mẹ tôi rằng trước khi trút hơi thở cuối cùng để về đất lạnh, nội tôi có một nguyện vọng duy nhất là được đi trên cầu Long Biên lần cuối.

Bác cả là người có thể hiểu được tình yêu, sự gắn bó của cây cầu ấy với bao nỗi buồn vui thăng trầm trong cuộc đời nội, hiểu những tháng ngày bom đạn nội đã sống và chiến đấu với tinh thần "sống mãi với thủ đô", khi trên cầu lính Pháp giương súng đi lại còn dưới chân cầu thì những chàng trai cô gái Hà thành tuổi đôi mươi như nội dũng cảm giúp đưa từng đoàn Việt Minh và dân chúng rút êm sang vùng tự do... Thế nên bác đã sắp xếp đưa tang nội vào 3 giờ sáng để tránh qua cầu đông người.

Đoàn người nối dài cứ lặng lẽ qua cầu. Những chiếc bóng đổ dài, chênh chao dưới ánh đèn vàng vọt hiu hắt. Không kèn trống, không tiếng òa khóc nức nở, bởi nội muốn được bình yên đi qua cây cầu thân quen, qua góc cầu vẫn hay ngồi bán nước mỗi buổi chiều như những ngày còn sống, và cũng tránh gây ồn ào ảnh hưởng đến người dân sống gần cầu. Chỉ đến khi ra đến cánh đồng, mọi thứ mới vỡ òa theo tiếng kèn tiễn đưa thương tiếc ngậm ngùi...

Năm 2004, tôi là một tân sinh viên, chính thức một mình tự lập, hòa vào nhịp sống phồn hoa trên đất Hà thành. Những khi thấy lòng nhiều suy tư mỏi mệt, khi thèm một cảm giác yên bình không ồn ào đua chen, tôi lại lặng lẽ đạp xe đến với cầu Long Biên, tìm cho mình một khoảng trời riêng nương náu.

Vẫn cây cầu trầm ngâm cũ kỹ qua mưa nắng thời gian soi bóng xuống dòng sông Hồng bốn mùa con nước cuộn đỏ phù sa. Vẫn những bờ bãi bình yên lộng gió... Chỉ con người là lớn lên và có nhiều đổi thay. Gia đình bác cả đã chuyển vào Nam sinh sống, căn nhà cũ hai tầng cũng đã bị phá đi, thay vào đó là một tòa nhà khác sang trọng hơn. Gánh hàng rong với những thứ hoa quả quà quê bình dị không còn, thi thoảng mới gặp vài người thu hoạch bắp dưới chân cầu lên tranh thủ bày bán cho khách qua cầu.

Lác đác trong ánh hoàng hôn từng đôi bạn trẻ tình tứ bên nhau chụp hình và nói những lời yêu thương; một vài người già đi bộ hướng ánh nhìn về phía trung tâm thành phố mà chiêm nghiệm những đổi thay trong cuộc đời. Đôi khi có cả một đoàn chừng 4-5 người lẽo đẽo theo cô dâu chú rể ra giữa đường ray xe lửa ở trên cầu để chụp ảnh cưới.

Một chiều, tôi bất chợt nhận được điện thoại của bác cả. Sau khi hỏi thăm tình hình công việc và sức khỏe của mọi người ngoài Bắc, giọng bác chợt chùng xuống khi tôi vô tình nhắc về khoảng trời tuổi nhỏ mà tôi đã có nơi căn nhà hai tầng nhìn ra cầu Long Biên thuở xưa.

Bác thở dài: "Đôi khi đúng là thấy nhớ nhung những ngày tháng cũ đến nao lòng. Phóng xe ra sông Sài Gòn, đứng trên cầu dõi mắt nhìn về phương Bắc mà nỗi nhớ chẳng thể nguôi ngoai. Vẫn là lồng lộng gió, vẫn là sông nước mênh mông đấy thôi, nhưng không phải cái mênh mông mướt xanh của bờ bãi sông Hồng, không phải gió lồng lộng mang vị phù sa và mùi thơm cây trái. Thèm cả tiếng đoàn tàu xình xịch chạy qua cầu Long Biên hằng đêm, tiếng rì rầm chuyện trò của những người phụ nữ tảo tần từ ngoại thành gò lưng đẩy xe hàng vào nội thành cho kịp phiên chợ sớm... Nhớ nhiều lắm, chao ôi là nhớ! Chiều nay con tranh thủ ra cầu Long Biên chụp rồi gửi vào cho bác ít hình để thỏa nỗi nhớ nghe con!".

4TczTRKy.jpgPhóng to

Áo Trắng số 13 (ra ngày 15-7-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LƯƠNG ĐÌNH KHOA (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên