- Chúng ta có bộ máy quản lý nhà nước rất hùng hậu gồm nhiều cơ quan từ tài chính, thuế, công an, quản lý thị trường để quản lý doanh nghiệp... Câu hỏi đặt ra là tại sao Công ty Rừng Toàn Cầu (RTC) hoạt động mấy năm huy động vài chục tỉ của người dân một cách bất thường nhưng cơ quan quản lý chưa đưa ra một cảnh báo gì. Qua vụ việc của RTC, nhìn rộng ra có thể nhận định lỗ hổng ở đây là việc chậm đổi mới phương thức quản lý của cơ quan nhà nước.
Một doanh nghiệp có số vốn điều lệ lên tới 45.000 tỉ đồng mà sau vài năm thành lập nhưng hầu như không có hoạt động. Công ty này chỉ đóng thuế môn bài với số tiền vài triệu đồng/năm, các khoản về thuế khác không có. Đáng lẽ đây là căn cứ để các cơ quan quản lý xem xét xếp trường hợp này vào luồng đỏ giám sát chặt chẽ ngay từ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
* Nhiều ý kiến cho rằng qua trường hợp này cho thấy đây là kẽ hở của quy định về đăng ký kinh doanh khi quá thông thoáng cho phép doanh nghiệp muốn khai vốn điều lệ bao nhiêu thì khai, nhưng hậu kiểm thẩm tra năng lực tài chính lại bỏ ngỏ?
- Nguyên tắc khi xây dựng Luật doanh nghiệp là doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác về những thông tin cung cấp cho cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan đăng ký kinh doanh. Thực tế, độ “khó” của các thủ tục đăng ký doanh nghiệp ở VN đang đứng thứ 109/189 quốc gia. So với các nước trong khu vực như Singapore đứng thứ 1 thì không thể nói chúng ta thông thoáng được.
Việc doanh nghiệp cố tình khai khống thì Luật doanh nghiệp không phải là luật duy nhất để xử lý vấn đề này. Luật doanh nghiệp chỉ điều chỉnh một phần là giai đoạn đầu tiên khi doanh nghiệp được hình thành. Còn khi doanh nghiệp hoạt động, nhiều quy định của các đạo luật khác nhau điều chỉnh. Như vậy, đòi hỏi phải có sự giám sát của nhiều cơ quan. Riêng trường hợp của Công ty RTC, để sớm phát hiện sai phạm của doanh nghiệp này không khó nếu cơ quan thuế, đăng ký kinh doanh... phối hợp chặt chẽ với nhau. Việc này hoàn toàn có thể làm được chứ không có gì cao siêu. Luật có rồi, chỉ cần cán bộ quản lý có trách nhiệm hơn, có kỹ năng nghiệp vụ tốt hơn thì chắc chắn sẽ phát hiện ra hành vi sai phạm.
* Để ngăn chặn rủi ro cho thị trường, theo ông, có nên quy định người tham gia kinh doanh phải chứng minh số vốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp?
- Nếu bắt tất cả những ai muốn lập doanh nghiệp phải chứng minh khả năng tài chính của mình là điều không tưởng và rất phi lý. Bởi chứng minh điều đó sẽ phát sinh chi phí cho người dân và nó hoàn toàn không có ý nghĩa với giai đoạn phía sau khi doanh nghiệp hoạt động. Đại đa số doanh nghiệp trên thị trường là làm ăn chân chính, còn chỉ có một số ít là cố tình vi phạm. Nếu cơ quan quản lý ra quy định tất cả những ai thành lập doanh nghiệp phải đi chứng minh số vốn mình đăng ký thì vô tình làm khó cho người dân.
Không có cách nào khác là cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro. Như quản lý thị trường chẳng hạn, không nhất thiết ngày nào cũng phải cử cán bộ đến từng doanh nghiệp mà cần phải theo sát doanh nghiệp, nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì mới thanh tra, kiểm tra. Điều quan trọng hơn là cơ quan quản lý phải nhìn thấy những doanh nghiệp nào có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao mà cùng phối hợp để giám sát chặt chẽ.
* Theo ông, loại doanh nghiệp nào có nguy cơ rủi ro cao cần phải giám sát chặt chẽ?
- Đó là những doanh nghiệp chưa có bề dày lịch sử kinh doanh nhưng đùng một cái thành lập với số vốn kê khai rất lớn. Đặc biệt số vốn đó được góp bằng tiền mặt chứ không phải bằng tài sản. Thứ hai, trong một thời gian ngắn, một người, một gia đình thành lập nhiều doanh nghiệp và hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
* Xin cảm ơn ông.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa): Luật có kẽ hở + hậu kiểm lỏng lẻo = hậu quả lớn
Trong vụ Rừng Toàn Cầu cho thấy vốn của doanh nghiệp này và khối liên doanh là vốn ảo, nhưng Nhà nước vẫn công nhận (thông qua chứng nhận đăng ký kinh doanh). Doanh nghiệp dùng vốn ảo này tiếp tục hợp đồng giao dịch với các đối tác của mình bằng các hợp đồng, giao dịch và tổ chức công chứng cũng công chứng. Bởi vì công chứng viên chỉ công chứng ý chí của các bên, còn nội dung tài sản đó có thật hay không thì các bên tự cam kết, tự chịu trách nhiệm... Nhưng văn bản công chứng đó lại có giá trị chứng cứ, không phải chứng minh. Như vậy, nhờ lỗ hổng của hai luật doanh nghiệp và công chứng mà hai cái ảo trên sẽ gây ra hậu quả thật: những tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính, là đối tác của doanh nghiệp có vốn ảo, sẽ phải lãnh hậu quả nếu có xảy ra tranh chấp, có thắng kiện cũng không thể thi hành được vì công ty không có tài sản... Công tác hậu kiểm của các cơ quan chức năng rất lỏng lẻo, nếu không muốn nói là... không ai làm. Công ty Hiển Vinh thành lập năm 2007 với vốn điều lệ 105 tỉ đồng, một năm sau thay đổi vốn lên 205 tỉ đồng, năm 2012 hai lần thay đổi vốn điều lệ lên 605 tỉ đồng và 3.427 tỉ đồng, tất cả đều được thực hiện ở Sở Kế hoạch và đầu tư Khánh Hòa. Luật quy định là sau 90 ngày kể từ khi được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải chứng minh được số vốn góp của cổ đông. Thanh tra Sở Kế hoạch và đầu tư phải có trách nhiệm hậu kiểm xem doanh nghiệp đó thực thi cam kết về đăng ký vốn thế nào. Trong khi đó, liên tục từ năm 2007 đến cuối năm 2013, Sở Kế hoạch và đầu tư Khánh Hòa không kiểm tra gì. Đến khi báo chí nêu mới tiến hành kiểm tra thì doanh nghiệp này vẫn chưa chứng minh được số vốn khổng lồ đã đăng ký của mình. Tôi cũng nhận thấy một bất cập khác của Luật doanh nghiệp là không có chế tài gì đối với những doanh nghiệp có “nhân thân” xấu như từng trốn thuế, phá sản, vi phạm nhiều lần... Họ có thể giải tán doanh nghiệp này rồi thành lập doanh nghiệp khác một cách rất dễ dàng! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận