20/07/2014 07:10 GMT+7

Một bản án bị phản ứng

H.ĐIỆP
H.ĐIỆP

TT - Mua đất nhưng chưa sang tên được vì UBND thị trấn tạm ngưng thủ tục rồi bị TAND hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên trả lại đất, suốt 14 năm qua ông Phạm Hồng Khảnh (sinh năm 1956 ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) vác đơn khiếu nại khắp nơi.

Chủ đất cũ “làm khó” khi sang tênCông chứng 1 thửa đất bán cho 2 người Mua nhà, đất, ôtô: Trả tiền mặt không được sang tên

OtuBBGPA.jpg
Ông Phạm Hồng Khảnh - Ảnh: V.Tr.

Ông Khảnh kể năm 1996 ông bán hết đất đai, nhà cửa ở tỉnh Bến Tre, mua gần 2,5ha đất vườn điều và đất thổ cư với giá 39 triệu đồng của bà Nguyễn Toàn Hồng Thúy tại thị trấn Đồng Xoài, huyện Đồng Phú để lập nghiệp. Ông Khảnh và bà Thúy đến UBND thị trấn Đồng Xoài làm thủ tục sang nhượng, chuyển quyền sử dụng đất, nhưng ủy ban thông báo lúc này đang tạm ngưng các thủ tục về đất đai để chờ biểu mẫu mới, đồng thời chấp nhận cho ông Khảnh đóng thuế sử dụng đất từ thời điểm đó trở đi.

Phát sinh tranh chấp

Tòa tối cao đang xem xét vụ việc

Ông Nguyễn Sơn (đại biểu Quốc hội, phó chánh án TAND tối cao) cho biết theo báo cáo từ tòa dân sự thì vụ việc của ông Phạm Hồng Khảnh đã được TAND tối cao làm công văn trả lời. Tuy nhiên, đến nay ông Khảnh vẫn khẳng định không hề nhận được công văn trả lời của tòa tối cao nên tòa này sẽ xem xét lại vụ việc và sẽ có câu trả lời sớm nhất.

Sau khi Sông Bé được chia tách thành tỉnh Bình Dương và Bình Phước, tháng 7-1997 UBND tỉnh Bình Phước có quyết định quy hoạch trung tâm GD-ĐT. Diện tích đất mà ông Khảnh mua của bà Thúy nằm trong quy hoạch xây dựng Trường THPT Đồng Xoài và khu tái định cư.

Tháng 10-1999, phần đất và nhà của ông Khảnh được định giá bồi thường 302 triệu đồng, bà Thúy tranh chấp đòi lại đất và chính quyền địa phương hòa giải bất thành. Ngày 27-12-1999, TAND huyện Đồng Phú (nay là thị xã Đồng Xoài) đưa xét xử vụ kiện. Đại diện Viện KSND huyện đã đề nghị bác yêu cầu của bà Thúy vì việc đòi lại đất là không phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội. Thế nhưng hội đồng xét xử không chấp nhận đề nghị này và tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Khảnh và bà Thúy. Lý do: “Hợp đồng không tuân thủ các quy định của pháp luật về mặt hình thức, các bên không thỏa thuận được về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng. Hợp đồng vô hiệu về mặt hình thức nên cần phải hủy hợp đồng trên. Cần buộc các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không trả bằng tài sản thì phải trả bằng tiền”.

Ông Khảnh chống án. Tiếp đó, ngày 2-1-2000 Viện KSND huyện Đồng Phú có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm. Quyết định này khẳng định: “Việc bà Thúy và ông Khảnh chưa làm được thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất là do khách quan chứ không phải do chủ quan của ông Khảnh, động cơ đòi lại vườn điều và quyền sử dụng đất của bà Thúy là không phù hợp, trái đạo đức xã hội nhưng tòa án lại công nhận là không thỏa đáng”.

Ngày 17-1-2000, TAND tỉnh Bình Phước khi xét xử phúc thẩm cũng cho rằng hợp đồng sang nhượng đất của ông Khảnh và bà Thúy không tuân thủ quy định của pháp luật nên tuyên hủy hợp đồng, buộc ông Khảnh tháo dỡ nhà, trả lại giấy đỏ cho bà Thúy.

Nhiều cơ quan phản ứng

Tháng 8-2000, mặc dù danh sách chi tiền đền bù ghi rõ tên ông Khảnh, nhưng Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước lại cho bà Thúy nhận hơn 269 triệu đồng và ký tên ở bên ngoài danh sách. Số tiền 30,4 triệu đồng còn lại được ban quản lý dự án đem gửi ngân hàng từ đó cho đến nay.

Vì cho rằng hai bản án gây oan ức cho mình nên ông Khảnh đã gửi đơn khiếu nại khắp nơi. Tháng 7-2000, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre lúc đó đã ký văn bản đề nghị chánh án TAND tối cao kháng nghị và đưa ra xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 4-6-2001, Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Phước tạm hoãn chi tiền bồi thường đối với phần đất mang tên bà Thúy đã bán cho ông Khảnh. Sở Xây dựng đồng tình với nội dung kháng nghị của Viện KSND huyện Đồng Phú và cho rằng vụ việc này không đủ điều kiện để tòa thụ lý.

Đến ngày 5-11-2001, Thanh tra tỉnh Bình Phước có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo kết quả xác minh đơn khiếu nại của ông Khảnh. Theo đó Thanh tra tỉnh khẳng định TAND hai cấp tỉnh này tuyên hủy hợp đồng sang nhượng đất của ông Khảnh và bà Thúy là không đúng quy định của pháp luật. Thanh tra kiến nghị UBND tỉnh chấp nhận đơn khiếu nại của ông Khảnh, hủy bỏ giấy đỏ mà UBND huyện Đồng Phú cấp cho bà Thúy, đồng thời đề nghị TAND tối cao kháng nghị và hủy hai bản án nói trên. Chờ khi nào có quyết định của TAND tối cao thì giao Sở GD-ĐT thu hồi tiền bồi thường đã chi cho bà Thúy và áp giá bồi thường lại để chi trả cho ông Khảnh. Thế nhưng vụ việc đã “đóng băng” suốt từ đó đến nay. Tất cả những đơn khiếu nại của ông Khảnh gửi các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước lẫn TAND tối cao đều không có phản hồi.

Có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

Căn cứ những thông tin nêu trong bài trên, thì việc hai bản án đều tuyên hợp đồng vô hiệu là có căn cứ vì theo quy định tại điều 707 Bộ luật dân sự 1995: “Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải được làm thủ tục và đăng ký tại UBND cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Tuy nhiên, trong vụ việc này ông Khảnh không có lỗi vì việc ông không hoàn thành thủ tục đăng ký chuyển nhượng là do những nguyên nhân khách quan. Vì vậy, nếu trong hai bản án chưa đề cập đến vấn đề bồi thường này, ông Khảnh có quyền yêu cầu bà Thúy bồi thường thiệt hại cho mình (vì đổi ý không bán đất nữa) và có thể thực hiện được yêu cầu của mình thông qua thủ tục giám đốc thẩm (nếu còn thời hạn khiếu nại và đề nghị xét xử giám đốc thẩm). Nếu không, ông Khảnh có thể làm đơn và đề nghị tòa án và viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị và xét xử theo thủ tục tái thẩm.

H.ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên