Đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp còn mù mờ thông tin về quá trình đàm phán.
Phóng to |
Sản xuất hàng may mặc xuất sang thị trường Mỹ tại Công ty Garmex js Sài Gòn - Ảnh: T.V.N. |
Cùng với đó, sự tự thân chuẩn bị của các doanh nghiệp trong nước đối với việc mở cửa thị trường vẫn còn lúng túng.
7,7% hay 10,5% GDP?
Lần đầu tiên, những tác động của việc tham gia TPP đối với nền kinh tế VN được đánh giá bằng những con số cụ thể nhưng lại dưới nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế tại một hội thảo về TPP do Bộ Công thương tổ chức ở TP.HCM diễn ra gần đây.
Giáo sư Peter A. Petri, đến từ ĐH Brandeis (Mỹ), cho biết dựa trên mô hình tính toán của ông và một số giáo sư khác ước tính GDP VN sẽ tăng thêm 26,2 tỉ USD, tương đương 7,7% GDP, từ nay tới năm 2025 với 11 thành viên hiện tại khi VN tham gia. Con số này sẽ là 35,7 tỉ USD và 10,5% GDP nếu Nhật chính thức tham gia TPP. “VN đang ở vị trí tốt nhất để tận dụng lợi thế TPP” - ông nói.
GS Petri cũng chỉ ra lợi ích từ TPP sẽ lớn hơn nhiều Hiệp ước đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) mà ASEAN đang đàm phán với sáu nước, vì về cơ bản RCEP đã được thỏa thuận trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) của ASEAN với các đối tác. Với TPP, lợi ích gia tăng của VN gần như gấp đôi do Mỹ (và tới đây là Nhật) là những thị trường xuất khẩu chính của VN. “VN cũng trong bối cảnh rất thuận lợi” khi nhiều nền công nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc. “Các ngành công nghiệp này sẽ đi đâu? Ấn Độ? Đông Nam Á mà VN đang là điểm đến quan trọng?” - ông Petri nói.
Cùng quan điểm trên, ông Ngô Chung Khanh, phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công thương, thừa nhận TPP là “cửa lách để chúng ta có FTA với Hoa Kỳ” và là cơ hội cho làn sóng đầu tư thứ hai (làn sóng đầu tư trước được tạo ra khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO). Tuy nhiên theo đại diện Bộ Công thương, những con số mà các chuyên gia nước ngoài đưa ra là “hơi lạc quan” và được đặt trong bối cảnh thuận lợi, các điều kiện kinh tế như nhu cầu thị trường, năng lực cạnh tranh, thời tiết... diễn ra suôn sẻ nên vẫn cần nhìn nhận một cách thận trọng.
Thách thức và kỳ vọng 55 tỉ USD
Các doanh nghiệp đều khẳng định TPP có hiệu lực sẽ tạo cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho những ngành mũi nhọn như dệt may, da giày, nông sản..., nhưng để có thể tận dụng được từ cơ hội này lại là một câu chuyện khác.
Cũng giống như những mốc hội nhập khác, doanh nghiệp dệt may VN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức từ xu hướng bảo hộ, áp lực cạnh tranh bên ngoài đến điểm yếu nội tại của ngành. Với dệt may, lĩnh vực xuất khẩu chủ đạo của VN, mức thuế suất bình quân 17,2% hiện nay sau TPP có thể sẽ về 0% dù điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện xuất xứ mà Mỹ có thể áp dụng.
Ông Trần Việt, trưởng ban quan hệ quốc tế Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), cho biết lợi thế về thuế sẽ đem lại kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu của VN vào thị trường Hoa Kỳ mạnh mẽ hơn so với mức trung bình 7%/năm hiện nay. Nếu các điều kiện trong đàm phán diễn ra một cách thuận lợi, tăng trưởng hằng năm của dệt may VN tại thị trường Mỹ sẽ tăng ít nhất 12-13%/ năm. Với mức tăng trưởng như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt - Mỹ có thể đạt được 30 tỉ USD. “Nhờ tăng trưởng từ thị trường Mỹ, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may có thể đạt tới 55 tỉ USD trong năm 2025, đồng thời tạo ra được gần 6 triệu việc làm” - ông Việt tính toán.
Tuy nhiên theo đại diện Vitas, tất cả các con số trên đều là giả định và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện xuất xứ mà Mỹ có thể áp dụng, trong khi đó phần lớn nguyên liệu ngành may của VN vẫn còn nhập từ các nước ngoài TPP (chủ yếu là Trung Quốc). Ngoài ra, khi các nước hạ hàng rào thuế quan, việc dựng hàng rào kỹ thuật cũng sẽ là một điều được dự đoán. “Chúng tôi thường đùa rằng khi TPP có hiệu lực, muốn chuyển 1 container hàng thì phải chuyển 1 container giấy tờ trước” - ông Việt nói.
Cũng là một trong những ngành xuất khẩu sang thị trường Mỹ khá nhiều, ngành da giày, túi xách VN đang đứng trước cơ hội lớn bước vào thị trường hiện chiếm đến hơn 47% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, đánh giá TPP là quá trình hai chiều: tăng cơ hội xuất khẩu thị trường nước ngoài nhưng cũng đòi hỏi VN phải mở cửa. TPP sẽ góp phần nâng tầm sản phẩm, chất lượng cho các nước có thế mạnh về sản xuất như VN, vì hiện nay hầu hết các thương hiệu hàng đầu đều có mặt ở Mỹ. Ngoài ra, việc hội nhập này cũng kỳ vọng sẽ tạo ra thêm 1 triệu công việc ổn định cho lao động trong ngành.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy các doanh nghiệp VN không tận dụng cơ hội từ hội nhập tốt như các nước khác. Ông Kiệt dẫn chứng “tỉ lệ nội địa hóa của ngành da giày tương đối khá, trên 55%, nhưng với ngành túi xách 80-90% nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc! Điều này sẽ làm VN khó tận dụng hết mức thuế thấp mà TPP đem lại”.
Trong khi đó, khả năng làm chủ thị trường da giày trong nước cũng còn hạn chế. Hầu hết các nước tham gia TPP đều có thị trường da giày và túi xách khá phát triển và có nhiều thương hiệu cao cấp. Đây là thách thức lớn cho doanh nghiệp VN khi trong nước chỉ có những thương hiệu phổ thông như Biti’s, An Lạc..., phân khúc thị trường cao cấp gần như bỏ trống, không bắt kịp được nhu cầu, thị hiếu của giới trẻ. Những mặt hàng nhập khẩu da giày, túi xách chỉ còn thuế suất 0% sẽ là mối đe dọa cho các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh giày VN chỉ mới đáp ứng chưa đến 50% tổng nhu cầu trong nước.
Khó kết thúc đàm phán trước năm 2013 Với tuyên bố của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, nước này tham gia đàm phán TPP ngày 15-3 vừa qua, số nền kinh tế tham gia đàm phán TPP tăng lên 12, gồm có một số nước như: Singapore, Chile, New Zealand, Brunei, Hoa Kỳ, Úc, Việt Nam...Ngoài các nội dung truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, đầu tư, dịch vụ..., TPP còn đề cập nhiều vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, liên kết chuỗi cung ứng... Tháng 11-2010, VN tuyên bố tham gia đàm phán TPP với tư cách thành viên chính thức sau ba phiên đàm phán ban đầu với tư cách thành viên liên kết. TPP hiện đã trải qua 16 vòng đàm phán, vòng gần nhất diễn ra tại Singapore vừa kết thúc giữa tháng 3-2013. Các nước tham gia kỳ vọng sẽ kết thúc các vòng đàm phán cuối năm 2013, tuy nhiên với sự tham gia thêm của Nhật, lộ trình đàm phán có thể sẽ kéo dài sang năm 2014. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận