03/12/2023 06:50 GMT+7

Kiểm soát nồng độ cồn ban ngày: Thêm cú hích thay đổi thói quen ăn nhậu

Cảnh sát giao thông túc trực đo nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm ở nhiều nơi được dư luận khá quan tâm, qua đó bước đầu ghi nhận "văn hóa ăn nhậu" của nhiều người đã thay đổi theo hướng trách nhiệm hơn, tích cực hơn.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn ban ngày ở quận Gò Vấp, ngày 2-12 - Ảnh: M.HÒA

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn ban ngày ở quận Gò Vấp, ngày 2-12 - Ảnh: M.HÒA

Tôi sai rồi!

Nhớ lại việc bị đo nồng độ cồn và bị phạt rất nặng, ông N.Q.T. (68 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cho hay: "Tôi biết vi phạm nồng độ cồn là sai rồi, giờ phải chấp hành thôi".

Ông T. kể trưa qua đi dự tiệc cưới của đứa cháu, đang trên đường về nhà thì bất ngờ bị lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra nồng độ cồn tại vòng xoay ngã năm quận Gò Vấp. "Tôi cũng khá bất ngờ khi ban ngày mà cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn như thế", ông T. cho biết.

Do chủ quan bởi từ chỗ tiệc cưới đến nhà chưa tới 1km, cộng với việc nhà hàng không cho gửi xe lại nên ông T. chạy xe về cho tiện dù mới uống bia tại lễ cưới, do đó "dính" nồng độ 0,531mg/lít khí thở (vượt mức kịch trần). "Với mức này, tôi được thông báo sẽ bị phạt tiền 7-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng, tạm giữ xe bảy ngày. Giờ phải chấp hành thôi", ông T. nói.

Còn ông Nguyễn Anh Chương, phường 5, TP Cà Mau, cho hay trước đây hay đi nhậu rồi canh lúc khuya sẽ chạy xe về. Bây giờ thì làm điều đó không được do cảnh sát giao thông có mặt khắp nơi nên nhậu xong tôi thường kêu xe ôm công nghệ chở về. "Nghĩ lại bắt nồng độ cồn này gắt nhưng cũng góp phần đảm bảo an toàn cho bản thân mình", ông Chương cho biết.

Theo một cán bộ cảnh sát giao thông ở TP.HCM, trong quá trình đo nồng độ cồn vào ban ngày, một số ít người dân khi được cảnh sát dừng xe kiểm tra nồng độ cồn cũng tỏ ra khó chịu.

Thậm chí có người vừa mới dừng xe đã la lớn kiểu "giữa ban ngày ban mặt, ai nhậu mà mấy anh đi đo nồng độ cồn, làm mất thời gian người khác". Sau khi được giải thích đang thực hiện theo kế hoạch, người dân vui vẻ chấp hành, nếu không có nồng độ cồn sẽ mời tiếp tục di chuyển.

Cán bộ này cho hay việc đo nồng độ cồn vào ban ngày là thực hiện theo kế hoạch và thực tế vẫn phát hiện các trường hợp vi phạm, tuy ít hơn so với ban đêm.

"Không chỉ kiểm tra nồng độ cồn, chúng tôi còn kiểm tra ma túy ngẫu nhiên một số trường hợp và phát hiện vi phạm. Thời gian gần đây, việc đo nồng độ cồn vào ban ngày nhận được nhiều ý kiến khác nhau của người dân. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng thực tế khi tăng cường kiểm soát nồng độ cồn, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm", cán bộ công an này thông tin.

An toàn cho dân là quan trọng nhất

Trước một số ý kiến cho rằng việc kiểm tra nồng độ cồn cả buổi sáng là "có phần cực đoan", đang làm khó nhiều người dân, hoạt động kinh doanh, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - ĐH Việt Đức, cho rằng cần khẳng định thượng tôn pháp luật, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho người dân là ưu tiên hàng đầu.

Ông Tuấn cho hay nhiều nước trên thế giới họ làm rất gắt về kiểm soát vi phạm nồng độ cồn. Ví dụ như Thái Lan, Thượng Hải (Trung Quốc) hay các nước châu Âu phát triển kinh tế đêm nhưng hầu hết người ta đến phố đi bộ để tận hưởng dịch vụ, ăn chơi, uống bia. Nhưng sau khi uống rượu bia, họ đi xe buýt, đi bộ, đi tàu điện... về nhà.

Các hành vi vi phạm nồng độ cồn bị áp các hình thức xử phạt rất cao. Họ có công nghệ nhận diện tự động và nhanh chóng phát hiện, cảnh báo, xử phạt người vi phạm.

Trước đây, Nhật Bản phạt rất nặng nhưng vẫn có những vụ tai nạn xảy ra đem lại nỗi đau cho gia đình và xã hội. Một nhóm nghị sĩ đã đứng ra vận động hình sự hóa hành vi uống rượu bia và lái xe. Số tiền phạt và hình phạt phải dựa vào nồng độ cồn trong máu. Chính nhờ như vậy, ý thức chấp hành của người dân nâng cao.

Trong những năm qua, Việt Nam kiểm soát nồng độ cồn đã tốt hơn trước, đặc biệt là sau khi áp dụng nghị định 100. Tuy nhiên các vụ tai nạn do cồn vẫn xảy ra đòi hỏi việc kiểm soát tốt hơn.

Người dân cần tự ý thức khi say, không tỉnh táo, mất kiểm soát mà tự lái xe, khả năng gây tai nạn giao thông cao, ảnh hưởng lớn tới an toàn giao thông. Từ đó, chủ động tan cuộc vui thì đi xe ôm, taxi, gọi người nhà đến đón... Thậm chí các chủ quán nhậu có thể nhắc nhở hoặc gọi xe giùm khách về, liên kết với các đơn vị dịch vụ với giá thành hợp lý.

Thời gian tới, nhằm nâng ý thức người dân thì các cơ quan chức năng cần đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả bền vững. Ngoài xử phạt, phải có biện pháp tuyên truyền hài hòa nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, cơ sở kinh doanh bia rượu... Đồng thời tạo thói quen, nét văn hóa giao thông đi xe công cộng ngày càng nhiều hơn.

* Chị Nguyễn Cẩm Đào (P.7, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau): Chồng nhậu về bằng xe ôm, tôi yên tâm

Trước đây tôi hết lời khuyên chồng không nên nhậu rồi chạy xe đường tắt về nhà vì quá nguy hiểm nhưng chồng không nghe. Từ khi cao điểm đo nồng độ cồn kể cả ban ngày, chồng tôi luôn đi về bằng xe ôm công nghệ, tôi rất yên tâm và ủng hộ.

Cần thiết nhưng nên làm hài hòa

Anh Huỳnh Tấn Tài (TP Thủ Đức) cho rằng việc các lực lượng chức năng tại TP.HCM tăng cường xử phạt vi phạm nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm nhằm mục đích giảm vi phạm giao thông là cần thiết. Đây là quy định pháp luật và cần phải được thực hiện nghiêm để nâng cao ý thức người dân.

Người nào say quá nên để xe lại rồi đi các phương tiện khác về nhà cho an toàn. Từ nhiều tháng nay anh chọn cách nhậu tại nhà hoặc đi taxi về sau khi nhậu.

Dù vậy ở một khía cạnh khác, bia rượu từ lâu đã trở thành thói quen để xã giao, giải trí... của không ít người. Những quán nhậu, nhà hàng... cũng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển...

Cho nên một số trường hợp như nồng độ cồn trong máu quá thấp, đã nhậu hôm trước nhưng hôm sau vẫn "dính" cồn, uống nước trái cây lên men... nên có quy định cho phép chờ test lại trong vòng 10-15 phút. Như vậy, việc xử lý mới hài hòa, người dân ít phản ứng hơn.

Ông D. (Quảng Ngãi) mới bị vi phạm nồng độ cồn vào buổi sáng cho rằng việc kiểm tra thổi nồng độ cồn để đảm bảo an toàn giao thông là cần thiết. Nhưng cảnh sát giao thông nên cân nhắc và xử lý hợp tình, nhất là với trường hợp nồng độ cồn rất thấp, không ảnh hưởng đến an toàn giao thông thì nhắc nhở tài xế thay vì xử phạt.

"Tôi là người rất kỹ tính và trước giờ chấp hành an toàn giao thông, không bao giờ đi nhậu mà lái xe. Chiều hôm trước tôi có lai rai với bạn bè nhưng đến 21h thì đi ngủ. Sáng hôm sau tôi hoàn toàn tỉnh táo đi làm và nồng độ cồn đo được chỉ là 0,005mg/lít nhưng vẫn bị xử phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 12 tháng", ông D. nói.

Thượng tá Hồ Văn Thư, trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ngãi, cho biết việc kiểm tra nồng độ cồn vào buổi sáng không diễn ra thường xuyên nhưng vẫn phải thực hiện, bởi đây là quy định chung và cũng có những trường hợp tài xế gây tai nạn giao thông vào buổi sáng.

Kiểm soát nồng độ cồn nhằm hạn chế tối đa tai nạn

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng TP.HCM tăng cường kiểm soát về nồng độ cồn nhằm thực hiện chủ trương đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, hạn chế tối đa tai nạn.

Tuy nhiên theo ông, cũng cần phải kiểm tra, nhìn nhận lại việc ấy có phù hợp không, có quá hay không, có ổn không để có điều chỉnh phù hợp theo nguyện vọng của người dân.

Ông nói giám đốc Công an TP.HCM cho hay Bộ Công an cũng đã thấy và đã có tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm. "Chúng ta làm nghiêm một việc nhưng nó ảnh hưởng cái khác thì cũng rất khó khăn" - ông Nên nói.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói gì về việc kiểm tra nồng độ cồn?Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói gì về việc kiểm tra nồng độ cồn?

Tăng cường kiểm soát nồng độ cồn để đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tối đa tai nạn nhưng cần kiểm tra cách làm có phù hợp, có quá hay không để điều chỉnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên