17/08/2012 07:02 GMT+7

Khuyến khích dân tự hòa giải

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 16-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật hòa giải cơ sở. Theo tờ trình của Chính phủ, luật này quy định về hòa giải cơ sở với tính chất nhân dân tự tổ chức hòa giải với nhau, Nhà nước hỗ trợ, quy định tiêu chí hòa giải viên, thù lao cho hòa giải viên, trình tự, thủ tục hòa giải...

Đồng tình với quan điểm hoạt động hòa giải ở cơ sở là rất quan trọng, nhưng đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng không nên hành chính hóa hoạt động này. “Hòa giải xuất phát từ tấm lòng, trong nhân dân có những tranh chấp gì thì cộng đồng nơi đó tự tổ chức hòa giải, thuyết phục các bên, chứ anh đi hòa giải mà nhận tiền thù lao, rồi phải tuân thủ quy định trình tự, thủ tục, thời gian, địa điểm thì không đúng” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng “đã làm hòa giải thì không nên ăn lương, vì nó làm thay đổi bản chất của hòa giải, người ta sẽ bảo là anh ăn lương đến hòa giải cho tôi, chắc gì đã phải vì tình cảm”. Phó chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN Nguyễn Văn Pha đề nghị không nên buộc phải hòa giải mọi vụ mâu thuẫn, vì có những vụ không thể hòa giải được mà cứ cố hòa giải thì chỉ làm tích tụ thêm mâu thuẫn mà thôi.

Chiều cùng ngày, Viện KSND tối cao đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc bổ sung biên chế cho ngành kiểm sát. Theo đó, Viện KSND tối cao đề nghị tăng 2.014 biên chế làm kiểm sát viên, điều tra viên cho viện KSND cấp huyện, bổ sung 118 biên chế cho Cục điều tra Viện KSND tối cao. Tổng biên chế ngành kiểm sát đến năm 2013 là gần 16.000 người.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên