10/10/2018 14:44 GMT+7

'Khủng bố' tiếng ồn, không thể mãi khó xử!

KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)
KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)

TTO - Từ thành thị đến nông thôn, nơi nơi khổ sở vì “phong trào” ca hát với âm thanh ở mức “khủng bố”. Chính quyền không xử lý, góp ý chẳng ai nghe thấu, nỗi bức xúc ngày càng lớn. Tại sao chúng ta khoanh tay chịu đựng tình trạng này?

Khủng bố tiếng ồn, không thể mãi khó xử! - Ảnh 1.

Thông báo cấm sử dụng loa kéo tại một bãi tắm ở TP Vũng Tàu - Ảnh: CHUNG THANH HUY

Tiếng ồn đang thực sự là vấn nạn xã hội, nó tác động rất tiêu cực đến chất lượng cuộc sống người dân từ thành thị đến nông thôn.

Người ta sẵn sàng thông cảm với những tiếng ồn mang tính "bất khả kháng" như tiếng ồn từ xe cộ hay xây dựng công trình...

Nhưng thật khó chấp nhận những tiếng ồn xuất phát từ ý thức chủ quan, vì niềm vui và lợi ích của mình mà gây ồn ào, mất ngủ triền miên cho người khác. Nhất là những kiểu tiếng ồn âm nhạc tạo lợi nhuận như các cơ sở kinh doanh karaoke, các cửa hiệu buôn bán...

untitled-1-copy-1539140109875296314434

KTS Lê Công Sĩ

Không rõ tự bao giờ, các cửa hiệu kinh doanh ngày ngày cứ mở loa hết công suất. Những bài hát sôi động với âm thanh cực lớn tra tấn cả phố phường.

Ở nhiều nước, hàng quán, cửa hiệu vẫn luôn tấp nập khách dù không bao giờ có chuyện "tra tấn" bằng loa như ở ta. Hình như người bán quên rằng chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ mới là thứ lôi kéo và giữ chân khách, xa hơn là làm nên thương hiệu.

Ca hát và thưởng thức âm nhạc tuy là một trong những nhu cầu giải trí chính đáng và có thật, nhưng nó không cần thiết đến mức bất chấp các quy định pháp luật và các giới hạn hành xử văn hóa.

Những dàn loa kéo có mặt khắp nơi, từ đô thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, từ đám cưới đến đám tang, thôi nôi, sinh nhật... Nơi nơi đang theo phong trào.

Người này hát, người kia cũng muốn hát; nhà này hát, nhà kia cũng có nhu cầu ca hát. Cửa hiệu này mở nhạc, cửa hiệu khác cũng làm tương tự.

Với vi phạm ca hát làm ồn hàng xóm của người dân, cần tăng cường kênh tiếp nhận thông tin, kịp thời và mạnh tay xử lý ngay khi được phản ảnh. Bất kỳ ai cũng cần hiểu rằng hành vi làm ồn kiểu này là xấu xí, kệch cỡm và lạc lõng.

Tiếng ồn dù ở ngưỡng cho phép, trong giờ quy định vẫn gây phiền toái và hậu quả đến mọi người xung quanh. Song trớ trêu, thực tế cho thấy tiếng ồn tuy dễ "bắt" nhưng lại khó "xử"!

Không lẽ chúng ta khoanh tay chịu đựng tiếng ồn? Khó xử lý không đồng nghĩa với việc không thể xử lý.

Cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn với các cơ sở kinh doanh karaoke không đủ điều kiện về cách âm, những nơi gây ồn quá giờ quy định. Với các cửa hiệu hay quán ăn, theo tôi, có thể nghiên cứu cấm hẳn việc mở loa, mở nhạc ồn ào ra bên ngoài.

Đây không phải là hát giải trí mà là ý thức hành xử văn hóa trong cộng đồng. Ý thức kém thì phải có chế tài để ngăn chặn hành vi xấu, từ đó nâng dần ý thức để chung sống văn minh.

Mong chủ cơ sở kinh doanh hay cá nhân gây ồn hãy thử một lần đặt mình hoặc người thân bị mất ngủ, bệnh tật nhạy cảm với tiếng ồn, để hiểu tiếng ồn đáng sợ và nguy hiểm đến mức nào!

Cơ quan chức năng cần quản lý và xử lý nghiêm việc gây tiếng ồn bằng thiết bị đo âm lượng và kiểm tra giờ giấc hoạt động.

Hoạt động kinh doanh, nhu cầu giải trí của các doanh nghiệp hay cá nhân phải trên cơ sở không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (trong đó có lợi ích từ việc không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn) mới thực sự là văn minh và được khích lệ.

Đừng để lờn thuốc

untitled-2 copy

Tiếng ồn karaoke đã thành nỗi khổ cho bao người, từ thôn quê đến đô thị. Theo tôi, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải xử lý triệt để với tệ nạn này.

Cụ thể: chính quyền cần quyết tâm trong việc xử phạt bằng việc thành lập tổ công tác liên ngành có đủ quyền hạn xử phạt các hành vi vi phạm như một số địa phương đã thực hiện tốt.

Cũng nên xử phạt nghiêm hành vi gây ồn theo điều 17, nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (tùy trường hợp người vi phạm có thể bị phạt từ 1-160 triệu đồng).

Cần áp mức thuế cao đối với các loại loa kéo, dịch vụ karaoke di động, tiến tới nghiêm cấm buôn bán, lưu hành.

Để nhắc nhở, góp ý trong những tình huống này, nên thông qua những người có trách nhiệm (tổ trưởng dân phố, người có uy tín), các lực lượng chức năng (cảnh sát khu vực, bảo vệ chung cư), tránh đối đầu trực tiếp nhằm hạn chế những điều đáng tiếc giữa một bên đang bức xúc cao độ, còn bên kia không thể làm chủ bản thân do bia rượu.

CHUNG THANH HUY
(chung cư An Khang, KDC Nam Long, P.Tân Thuận Đông, Q.7)

Mạnh tay với chuyện “chướng tai gai mắt”

qd_nhau_karaoke_bia_duongphamvandong_21 2(read-only)

Nhóm bạn nhậu hát karaoke ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM lúc chiều tối - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nông thôn đất rộng người thưa hơn thị thành giờ cũng quá khổ trước nạn "khắp nơi ca hát" với dàn âm thanh loa "khủng".

Những ngày cuối tuần, lễ, tết, bạn bè tụ tập, bày tiệc nhậu ra trước sân nhà, thêm cái loa karaoke. Nhậu tới bến rồi thì mạnh ai nấy "hét" cùng với công suất loa "tắc xình, tắc xình xình" hết cỡ.

Người trong cuộc vui hết cỡ, hàng xóm... khổ hết biết! Chuyện bức xúc bấy lâu chẳng thấy ai phạt hay bị phạt. Thật không thể hiểu nổi!

Thú vui giải trí với ca hát tưởng chừng như lành mạnh, thêm món âm thanh cực lớn nay đã biến tướng trở nên tai hại vô cùng. Cuối tuần không thể nghỉ ngơi gì, khổ ngày này tháng nọ rồi còn có thể dẫn đến chết người như trường hợp thầy giáo ở Bình Dương vừa qua.

Hát bất kể giờ ngủ, nghỉ của người khác, khi đó âm thanh khủng "tra tấn" người già, người bệnh, trẻ sơ sinh; những người rất cần giấc ngủ sau những ngày giờ làm việc.

Tôi kiến nghị: chính quyền phường, xã, ấp, khu phố mạnh tay với những việc "chướng tai gai mắt" này. Xã hội tiến bộ và thượng tôn pháp luật, không thể tồn tại tư tưởng "phép vua thua lệ làng", không thể chịu thua kiểu hành xử kém văn hóa của một số người.

Nhiều người dân đang thấy chính quyền địa phương quản lý kém hiệu quả tình trạng này. Và nỗi bức xúc ngày càng lớn. Không thể vì nể nang, xuề xòa với người thân trong thôn xóm mà chính quyền chưa tích cực, lơ là vận động người dân thực hiện lối sống văn hóa, văn minh.

Trước hết, cá nhân gia đình cán bộ lãnh đạo nên làm gương. Nếu nhà cán bộ cũng có "tắc xình, tắc xình xình" sẽ "khó ăn khó nói" với dân. Nêu gương phải ngay từ chính những hành xử hằng ngày, ở nhà mình.

Việc vận động mọi người "giảm âm thanh vừa đủ nghe" lâu nay chưa mang lại hiệu quả vì nhiều lý do. Nhưng muốn đưa xã hội vào nề nếp, giữ vững an ninh trật tự xã hội, không thể không mạnh tay với biến tướng chuyện hát ca giải trí này.

Luật đã có quy định mức phạt hành vi gây ồn kiểu này. Xử phạt được không? Tôi nghĩ điều này tùy quyết tâm của chính quyền xã, phường là chính.

Mạnh tay với nạn "khủng bố tiếng ồn", người dân sẽ không còn phải bị... tiếng ồn karaoke tra tấn dài dài, và an ninh, trật tự xã hội còn được giữ ổn.

TÚ NGUYÊN (Long An)

Tuổi Trẻ chào đón phản hồi của bạn

Bài viết "Cần mạnh tay với nạn "karaoke khủng bố"" (Tuổi Trẻ 9-10) đã sớm nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc. Trên trang báo này, Tuổi Trẻ giới thiệu ba ý kiến phản hồi sớm nhất.

Bạn có cùng chung nỗi khổ và bức xúc vì tiếng ồn từ âm thanh như "khủng bố" này? Bạn nghĩ gì về việc hát hò, mở nhạc, phát loa hết công suất khắp nơi hiện nay? Nạn ô nhiễm tiếng ồn nơi bạn sống đang được xử lý như thế nào? Mời bạn gửi ý kiến phản hồi hiến kế giải pháp xử lý việc gây ồn cộng đồng về báo Tuổi Trẻ (email: phucdien@tuoitre.com.vn).

Tuổi Trẻ sẽ tiếp tục đăng ý kiến bạn đọc về vấn đề này trong những số báo tới. Trân trọng.

Tuổi Trẻ

Đo tiếng ồn karaoke, 3 cán bộ, công an bị đánh nhập viện Đo tiếng ồn karaoke, 3 cán bộ, công an bị đánh nhập viện

TTO - Tổ công tác liên ngành của UBND xã Bình Nhì, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang đến kiểm tra nơi tổ chức hát karaoke di động ồn ào thì bị những người trong gia đình dùng gạch ống tấn công.

KTS LÊ CÔNG SĨ (Trà Vinh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên