Thí sinh xem danh sách phòng thi tại điểm thi THPT Trưng Vương Q.1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Mong ước bớt những điểm 10
Mong ước này có vẻ ngược đời. Tuy nhiên trên thực tế, càng ít điểm 10 thì những điểm 10 ấy càng có sức thuyết phục hơn. Khi càng ít thủ khoa điểm tuyệt đối, thì những thủ khoa ấy càng xứng đáng vinh danh.
Sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm nay, dư luận chung nhận định là đề thi khó, quá sức thí sinh.
Tâm lý này có lẽ đến từ góc nhìn phổ thông, đại diện cho đại bộ phận thí sinh tham dự kỳ thi mà không đặt cao quyền lợi của một bộ phận nhỏ thí sinh xuất sắc cần được phát hiện.
Nhớ lại giai đoạn thập niên 1990, các trường ĐH tổ chức ra đề thi độc lập (và cả chấm thi cũng như xét tuyển độc lập). Khi đó, những thủ khoa là thủ khoa của từng trường (chứ không phải là thủ khoa toàn quốc).
Những năm ấy, đề thi của các trường khó, nên ngay các trường tốp trên dù thu hút nhiều học sinh giỏi thì các thủ khoa cũng hầu như chẳng bao giờ đạt 30 điểm.
Năm 2017: "mưa" điểm 10 và...
Từ năm 2017, trong kỳ thi "2 trong 1", cả nước có 13 thủ khoa 30/30 điểm ở 2 khối A-B. Mức độ quá dễ của đề còn thể hiện ở trường hợp một lớp chuyên toán tại Hà Tĩnh có 28 em thì tất cả đều trên 27 điểm, trong đó có tới 15 em trên 29 điểm.
Một thí sinh đăng ký xét tuyển Trường ĐH Y Hà Nội, đạt tới 29,25 điểm (toán 9,4 - hóa 9,75 - sinh 10, tổng điểm 29,15, làm tròn thành 29,25) mà vẫn bị trượt.
Dù là vì bất cứ lý do gì, việc một người đạt mức điểm gần như tuyệt đối thế mà vẫn bị trượt ĐH (kể cả trượt trường khó đi chăng nữa) thì chỉ chứng tỏ đề thi quá kém trong phân loại.
Với 2 mục tiêu (xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH), bên cạnh kiểm tra kiến thức đại trà, việc có những câu trên tầm nhằm phân loại khá - giỏi, giỏi - xuất sắc là rất cần thiết. Đề thi năm nay được nhiều người so sánh với năm ngoái và cho rằng khó hơn nhiều. Nên xem đó là điểm tích cực.
Điều dễ thấy là với đề như thế này, những học sinh giỏi và xuất sắc, đối tượng ở tốp đầu sẽ được khu biệt rõ ràng. Họ không dư sức hay dễ dàng giải quyết trọn vẹn đề thi, như điều đã xảy ra ở một số năm trước. Nhưng cũng không dễ bị lẫn trong một tập hợp những thí sinh "cận giỏi", để chẳng may gặp tình trạng gần 30 điểm mà vẫn trượt ĐH .
Vì thế, nên ủng hộ xu hướng ra đề khó như năm nay. Những năm nhiều điểm 10, điểm thi chung cũng cao, dư luận cũng đã từng gay gắt, liệu chúng ta còn nhớ?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận