Thí sinh ôn bài trước giờ thi tại điểm thi Trường THCS Mạch Kiếm Hùng, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sau khi thí sinh hoàn thành môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2018, các Sở GD-ĐT đã bắt đầu chấm thi.
Sẽ không có 'mưa điểm 10' như năm trước
Đa số giáo viên đều dự đoán: điểm thi THPT quốc gia năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái vì đề thi quá khó. Thậm chí với đề toán, nhiều giáo viên còn nói bản thân không thể "giải quyết" trong 90 phút.
Tình trạng trên xảy ra tương tự với tổ hợp KHTN. Thầy Đoàn Xuân Hiển, người có kinh nghiệm luyện thi môn vật lý nhiều năm ở TP.HCM, cho rằng: "Với đề thi vật lý năm nay, trong 50 phút tôi chỉ giải được 35/40 câu của đề thi. Tùy theo mã đề, mỗi đề thi vật lý có khoảng 3-5 câu rất lạ, dài và khó.
Để giải hoàn chỉnh, mỗi câu khó như vậy cần ít nhất 15 phút. Thế nên, tôi dự đoán phổ điểm môn vật lý năm nay sẽ là 4-5-6 vì đề thi có khoảng 30 câu thuộc dạng cơ bản, số thí sinh đạt điểm 7, 8 sẽ ít hơn năm trước. Riêng điểm 9, 10 sẽ rất hiếm".
Thầy Nguyễn Duy Hiếu, giáo viên toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), dự đoán: "Điểm thi môn toán năm nay sẽ thấp hơn năm trước. Phổ điểm chỉ dừng ở mức 5-6 là chủ yếu. Những học sinh giỏi có thể đạt được 8 điểm nhưng điểm 9 và 10 sẽ không nhiều".
Ở môn sinh, cô Đặng Thị Yến - giáo viên môn sinh, hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM) - nhận định: "Đề thi không khó nhưng dài quá, thí sinh không thể nào làm kịp trong thời gian cho phép nên chắc chắn phải đánh "lụi" vài câu. Số thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên năm nay sẽ ít hơn năm trước".
Tương tự ở môn hóa, thầy Phan Trọng Quý, giáo viên môn hóa Trường trung học Thực hành - ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: "Sẽ không có "cơn mưa" điểm 10 như năm trước. Muốn đạt từ 8 điểm trở lên thí sinh phải có quá trình rèn luyện, giải đề rất nhiều. Thế nên, năm nay sẽ có rất nhiều thí sinh đạt điểm 5, 6 nhưng mức điểm cao hơn thì không nhiều".
Thậm chí, nhiều giáo viên ở TP.HCM còn cho rằng những thí sinh đạt 10 điểm môn toán, lý, hóa, sinh là do may mắn, bởi: "Giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, kinh nghiệm giải đề thi mấy chục năm như chúng tôi mà làm còn không kịp thời gian.
Xét về mặt mục tiêu, đề thi các môn KHTN năm nay không đáp ứng được yêu cầu thứ hai của kỳ thi THPT quốc gia: phân hóa thí sinh để xét tuyển vào ĐH.
Lý do: tất cả các môn KHTN đều thi trắc nghiệm, khi thí sinh làm bài không kịp thời gian, các em sẽ đánh cầu may. Và điểm số cuối cùng là hên xui. Sẽ có tình trạng thí sinh yếu hơn nhưng điểm lại cao hơn" - một giáo viên môn vật lý ở quận 5 nhận xét.
Các môn KHXH: sẽ ít điểm 8 trở lên
Theo nhiều giáo viên dạy văn tại Hà Nội thì đề văn năm nay tuy tạo hứng khởi cho học sinh nhưng sẽ ít điểm 8 trở lên so với năm trước.
Theo cô Hà Thanh - giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội), phần văn học đòi hỏi học sinh nắm chắc tác phẩm, đặc điểm phong cách nghệ thuật của tác giả và các yếu tố thời đại chi phối đến tác phẩm tạo nên "hiện thực" qua các tác phẩm. Từ đó học sinh mới có thể đánh giá so sánh.
Nếu không nắm kỹ tác phẩm và hiểu cách ra đề, nhiều thí sinh sẽ rơi vào lan man, không đủ thời gian làm bài.
Cô Kim Anh, giáo viên dạy văn Trường Phan Huy Chú (Hà Nội), cho rằng ở phần đọc hiểu có những câu rất "cơ bản" để học sinh có điểm. Nhưng câu hỏi mở muốn có điểm tối đa không dễ "chém gió" như các đề tài cuộc sống trong các đề thi năm trước. Điểm 9, 10 sẽ rất hiếm là nhận xét của các giáo viên.
Ở môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân cũng tương tự. Theo cô Châu Loan - Trường Phan Huy Chú (Hà Nội), để có điểm 6-7 ở phần địa lý không khó.
Thí sinh biết khai thác atlat, phân tích biểu đồ... sẽ dễ dàng có điểm mà không cần phải ghi nhớ kiến thức. Đây là những câu "cộng điểm" cho thí sinh. Nhưng khoảng 40% số câu hỏi bắt đầu khó.
"Điểm 6-7 sẽ nhiều. Điểm 8 cũng không hiếm nhưng so với năm trước thì chắc điểm 9, 10 sẽ không nhiều" - cô Châu Loan nói. Môn giáo dục công dân cũng được nhận định phổ điểm tương tự. Cô Trần Thị Quyến, giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), dự đoán phổ điểm sẽ chụm ở 6-8 điểm.
Theo các thầy cô giáo môn KHXH, "mưa" điểm 10 sẽ khó xảy ra với đề thi năm nay. Những thí sinh đạt điểm giỏi ngoài sự chắc chắn kiến thức thì phải có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, có khả năng tư duy tổng hợp, lập luận sắc sảo.
Cũng vì thế, các thầy cô cho rằng điểm chuẩn năm nay có thể giảm 1-2 điểm so với năm trước ở cùng tổ hợp xét tuyển tương ứng với các nhóm trường khác nhau.
Các Sở GD-ĐT bắt đầu chấm thi
Tại Nghệ An, việc chấm thi bắt đầu từ hôm qua 28-6, chậm nhất đến ngày 6-7 sẽ hoàn thành. Tại TP.HCM, Hội đồng chấm thi bắt đầu làm việc sớm hơn, ngay từ chiều 27-6 với các công đoạn rọc phách, đánh số...
Tại Quảng Trị, sáng 28-6, các thành viên hội đồng chấm thi đã bắt đầu triển khai việc rọc phách, quét dữ liệu. Việc chấm thi bắt đầu từ ngày 1-7 và dự kiến đến ngày 6-7 sẽ hoàn thành.
Đà Nẵng bắt đầu chấm thi từ ngày 30-6, dự kiến đến ngày 10-7 công bố điểm thi. Quảng Ngãi cũng chấm thi từ ngày 30-6, hoàn thành trước ngày 11-7.
Tại Cần Thơ, Hội đồng chấm thi làm việc từ ngày 28-6, sẽ hoàn thành chậm nhất vào ngày 8-7, còn Trà Vinh sẽ hoàn thành chấm thi trước ngày 10-7...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận