07/05/2020 10:07 GMT+7

Không có chính sách khuyến sinh, hậu quả sẽ nặng nề

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - Những chính sách như hỗ trợ mua nhà ở xã hội, hỗ trợ tiền học cho các gia đình có đủ 2 con... mới chỉ là chính sách ban đầu, sau này sẽ có thêm.

Không có chính sách khuyến sinh, hậu quả sẽ nặng nề - Ảnh 1.

Hộ lý chăm sóc bé chào đời tại Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Việt Nam khuyến sinh ở vùng có mức sinh giảm thấp. Thủ tướng có quyết định về điều chỉnh mức sinh theo vùng, theo đối tượng đến năm 2030 có thể dẫn đến những ý kiến khác nhau: Việt Nam vẫn đang có mức sinh phù hợp, đã cần phải khuyến sinh chưa? Vì sao phải khuyến sinh theo vùng?...

Trả lời Tuổi Trẻ, tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú cho rằng "Việt Nam khuyến sinh ở các vùng có mức sinh giảm thấp vào thời điểm này đã là muộn". 

Ông Tú nói: "Ở những vùng có mức sinh thấp như Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP.HCM, đã đến lúc phải có chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Để có được kết quả ấy phải có hỗ trợ là gói dịch vụ gia đình kèm theo, hỗ trợ các gia đình trẻ có 2 con mua nhà ở xã hội, tiền học tại các trường công lập và các ưu tiên khác nhau để tăng tỉ suất sinh ở những vùng này".

* Theo ông, lý do nào dẫn đến tình trạng tỉ suất sinh đã giảm thấp ở các vùng kể trên từ sau năm 2010 đến nay? Các chính sách đã có vì sao chưa nâng được tỉ lệ này?

- Chúng tôi chưa khảo sát sâu, nhưng yếu tố văn hóa vùng miền cũng ảnh hưởng ít nhiều, như ở miền Bắc thì nếu mở ra, tỉ lệ sinh sẽ tăng nhiều hơn, trong khi miền Nam thì có mở nhưng không tăng. 

Những yếu tố liên quan khác như khu vực này nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có lực lượng lao động trẻ, đang ở tuổi sinh đẻ, lập gia đình nhưng họ thiếu điều kiện để chăm sóc con (ít hoặc không có nhà trẻ, trường mầm non, trường học), vì vậy họ không dám sinh đẻ và làm giảm tỉ suất sinh. 

Thời gian qua, kinh phí cho công tác dân số không có nhiều nên cũng chưa có nhiều chính sách khuyến sinh. Mà nếu không triển khai khuyến sinh ở những vùng này sớm thì hậu quả sẽ nặng nề hơn trong những năm tới, do chính sách dân số luôn phải đi trước khoảng 20 năm. 

Những chính sách như hỗ trợ mua nhà ở xã hội, hỗ trợ tiền học cho các gia đình có đủ 2 con... mới chỉ là chính sách ban đầu, sau này sẽ có thêm.

Không có chính sách khuyến sinh, hậu quả sẽ nặng nề - Ảnh 2.

* Việt Nam đã có đến trên 96 triệu dân, tỉ suất sinh vẫn đang ở mức sinh thay thế từ nhiều năm nay, việc dịch chuyển lao động từ các vùng đến vùng có mức sinh thấp vẫn diễn ra. Việc khuyến sinh như vậy có cần thiết, thưa ông?

- Thực tế đã có nhiều nước thực hiện thành công chương trình kế hoạch hóa gia đình, nhưng chưa có quốc gia nào khuyến sinh trở lại thành công. Như Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 nước rất gần Việt Nam, tỉ suất sinh của Hàn Quốc gần đây chỉ ở mức 0,96, tức một cặp vợ chồng độ tuổi sinh đẻ chưa có đến 1 con. Mỗi năm Hàn Quốc cũng chi đến 2 tỉ USD cho Ủy ban phụ trách về dân số nhưng mức sinh vẫn chưa tăng. 

Người ta đã tính toán nếu không có biện pháp gì đột biến, đến năm 2050 dân số Hàn Quốc sẽ giảm 10 triệu so với mức 50 triệu hiện nay, đến cuối thế kỷ chỉ còn 18 triệu người.

Chúng ta vì thế cũng cần có những biện pháp sớm, nghị quyết 21 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân số tình hình mới đã nêu các giải pháp: giảm mức sinh ở các vùng có mức sinh cao như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đều là những vùng còn nghèo, mức sinh cao, tiếp tục thực hiện kế hoạch hóa gia đình, cấp miễn phí phương tiện tránh thai. Ở những vùng có mức sinh thay thế 1,9 - 2,1 con/bà mẹ thì tiếp tục duy trì.

Riêng các vùng có mức sinh thấp (Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ bao gồm TP.HCM) thì khuyến khích mỗi gia đình sinh đủ 2 con. Theo một số nhà khoa học cũng như chỉ báo của các nước, việc Việt Nam bắt đầu khuyến sinh ở vùng có mức sinh thấp từ thời điểm này cũng đã là muộn.

* Vì sao trong chính sách dân số khuyến khích kết hôn trước tuổi 30?

- Điều này là dựa trên lứa tuổi sinh nở tốt nhất của phụ nữ, sức khỏe của phụ nữ có những đặc thù. Tuy nhiên đây là khuyến khích, các bạn trẻ vẫn có thể quan tâm sự nghiệp, học hành và có gia đình riêng cũng như con cái ở độ tuổi tốt nhất thì càng tốt.

* Về mức hỗ trợ, "hỗ trợ mua nhà ở xã hội", hỗ trợ học phí… là hỗ trợ thế nào, thưa ông?

- Quyết định vừa rồi của Thủ tướng là chính sách khung, sau này sẽ có hướng dẫn cụ thể riêng, tuy nhiên từng vùng, từng địa phương sẽ có những hỗ trợ riêng tùy điều kiện và mức độ cam kết.

Việt Nam có 21 tỉnh, thành phố mức sinh thấp; 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao; 9 tỉnh, thành phố có mức sinh thay thế.

Đề xuất giảm toàn bộ viện phí khi sinh con thứ 2 Đề xuất giảm toàn bộ viện phí khi sinh con thứ 2

TTO - Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, chi cục phó chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, đề xuất tại hội thảo "Vấn đề mức sinh thấp tại TP.HCM, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp" tổ chức sáng 26-11.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sinh con sinh con thứ 2