26/02/2010 10:59 GMT+7

Không cần thiết công chứng hợp đồng thuê nhà

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG - NGUYỄN THỊ MỸ DUNG
Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG - NGUYỄN THỊ MỸ DUNG

TT - Hiện nay, việc né công chứng hợp đồng cho thuê nhà khá phổ biến, có thể dẫn đến rắc rối khi phát sinh tranh chấp giữa các bên (xem bài “Hợp đồng thuê nhà không công chứng: coi chừng rắc rối” - Tuổi Trẻ ngày 29-1-2010).

8Cw2nTwA.jpgPhóng to
Để được công chứng viên xác nhận những hợp đồng giao dịch, người dân phải chịu phí tăng nhiều lần - Ảnh: Chi Mai

Chúng tôi đồng tình với bài viết trên. Tuy nhiên, chuyện rắc rối không chỉ dừng lại ở đó.

Ngay từ Bộ luật dân sự (BLDS) năm 1995, các nhà làm luật đã quy định hình thức đối với hợp đồng cho thuê nhà là phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền và phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cho đến khi BLDS 2005 ra đời, quy định nói trên cũng vẫn còn (điều 492).

Khó thực thi

Tuy nhiên trên thực tế, việc đăng ký hợp đồng thuê nhà vẫn còn là chuyện quá “xa lạ” đối với những người trong cuộc do thiếu hướng dẫn để thi hành. Cụ thể, thủ tục đăng ký và cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước về việc đăng ký không được tìm thấy trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Tại khoản 6, điều 93 Luật nhà ở (ban hành năm 2005) có quy định người cho thuê nhà phải nộp bản sao hợp đồng thuê nhà cho UBND cấp xã. Tuy nhiên, việc nộp bản sao như thế có được xem là đăng ký hợp đồng hay không thì không có văn bản nào quy định.

Mãi tới ngày 10-12-2009, khi thông tư 17/2009/TT-BTNMT có hiệu lực, thủ tục đăng ký, cơ quan tiếp nhận việc đăng ký đã được ghi nhận tại điều 24. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, người đăng ký sẽ phải chuẩn bị hồ sơ bao gồm: hợp đồng cho thuê nhà và giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà. Nếu người cho thuê nhà không thực hiện thủ tục đăng ký như quy định, hợp đồng cho thuê nhà sẽ có thể bị vô hiệu khi phát sinh tranh chấp theo điều 134 BLDS.

Không ích lợi

Theo chúng tôi, không nên quy định việc công chứng là bắt buộc, mà chỉ nên xem đó là loại dịch vụ pháp lý đặc biệt nhằm giúp xác thực tính hợp pháp, tính có thực của một giao dịch dân sự cho các bên. Nghĩa là nếu một trong các bên tự thấy không đủ khả năng hoặc thời gian xem xét tính hợp pháp của giao dịch dân sự thì có thể thuê dịch vụ công chứng làm thay.

Nhà nước nên tôn trọng và công nhận tất cả các hình thức giao dịch dân sự do các bên lập (không cần phải có công chứng chứng nhận), nếu nội dung các giao dịch này không trái với pháp luật.

Việc cho thuê nhà đơn thuần là một giao dịch dân sự, vậy nên Nhà nước không cần thiết phải can thiệp quá nhiều và quá sâu. Việc buộc công chứng và đăng ký hợp đồng thuê nhà đã làm quá trình cho thuê nhà trở nên khá phức tạp, tốn kém tiền bạc và thời gian nhưng không mang lại hiệu quả quản lý nhà nước cao.

BLDS nên sửa đổi lại hình thức hợp đồng cho thuê nhà theo hướng chỉ cần bằng văn bản và đăng ký với cơ quan thuế là đủ. Quy định như thế là bảo đảm về mặt quản lý nhà nước trong hoạt động cho thuê nhà và tránh thất thu thuế.

Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG - NGUYỄN THỊ MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên