10/12/2017 10:42 GMT+7

Khối Ả Rập đòi Liên Hiệp Quốc hủy quyết định của Mỹ về Jerusalem

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Ngoại trưởng các nước Ả Rập kêu gọi Washington nên rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, nhấn mạnh động thái của Mỹ chỉ làm tăng thêm bạo lực trong khu vực.

Khối Ả Rập đòi Liên Hiệp Quốc hủy quyết định của Mỹ về Jerusalem - Ảnh 1.

Cuộc họp khẩn của ngoại trưởng các nước Ả Rập - Ảnh: REUTERS

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump "là một sự vi phạm nguy hiểm luật quốc tế" và vô hiệu về mặt pháp lý, Liên đoàn Ả Rập nhấn mạnh trong một tuyên bố cuối ngày 9-12. Tất cả thành viên của khối này đã tham dự cuộc họp tại Cairo, Ai Cập vài tiếng trước đó.

Động thái của ông Trump chỉ "làm tăng thêm căng thẳng, thổi bùng sự giận dữ và đẩy khu vực vào tình trạng bạo lực, hỗn loạn", tuyên bố lúc 3h sáng 10-12 (giờ địa phương) của Liên đoàn Ả Rập chỉ trích.

Khối này khẳng định sẽ tìm kiếm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để hủy bỏ quyết định của Mỹ.

Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil, trong cuộc họp khẩn của Liên đoàn Ả Rập ngày 9-12, thậm chí còn đòi các nước Ả Rập nên cân nhắc "trừng phạt kinh tế" Mỹ nhằm ngăn nước này dời đại sứ quán tại Israel về Jerusalem.

"Các biện pháp phủ đầu phải được áp dụng, bắt đầu từ ngoại giao đến chính trị, sau đó là kinh tế và tài chính", ông Gebran Bassil gợi ý.

Tuyên bố sau đó của Liên đoàn Ả Rập mặc dù vậy không hề đề cập tới các biện pháp trừng phạt Mỹ.

Ngày 7-12, Tổng thống Trump đã lật lại quan điểm suốt 22 năm của các chính quyền tiền nhiệm khi chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel và xúc tiến dời đại sứ quán về thành phố này. Quyết định của ông Trump đã vấp phải sự phản đối và chỉ trích của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả những đồng minh của Mỹ.

Thành phố Jerusalem, nơi đang nằm dưới quyền kiểm soát thực tế của Israel, được cả Israel và Palestine tuyên bố là thủ đô nhưng không được quốc tế công nhận. 

Theo kế hoạch phân vùng lãnh thổ ủy trị Palestine năm 1947, Jerusalem được đặt dưới sự quản lý đặc biệt của Liên Hiệp Quốc. Kế hoạch này không bao giờ trở thành hiện thực trong suốt 70 năm qua. 

Thành phố Jerusalem không chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị mà còn là nơi hội tụ của ba tôn giáo lớn của thế giới.

Palestine còn lại gì sau 70 năm? Palestine còn lại gì sau 70 năm?

TTO - Bảy thập kỷ biến động đã biến Palestine, từ một quốc gia có đường biên giới rõ ràng như trong kế hoạch phân vùng của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trở thành một nhà nước với ranh giới mơ hồ.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên