26/04/2018 10:01 GMT+7

Khi người dùng di động bị 'hành'

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TTO - Nhìn cảnh người dân chen chúc tại các điểm giao dịch để cập nhật thông tin thuê bao di động mới thấy buồn cho cung cách phục vụ của các nhà mạng đối với một dịch vụ thiết yếu với người dân.

Khi người dùng di động bị hành - Ảnh 1.

Nghị định 49 của Chính phủ quy định doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng kể từ ngày 24-4-2017 để rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ của mình có thông tin thuê bao chưa tuân thủ theo đúng quy định đến cập nhật, bổ sung thông tin.

Chẳng hiểu trong suốt một năm qua, các nhà mạng đã làm gì để thực hiện quy định, chỉ thấy đến thời điểm phải hoàn tất công việc trên ít ngày họ mới thông báo tới các thuê bao. Thông báo thòng thêm một câu "dọa" sẽ khóa dịch vụ với những thuê bao không thực hiện việc cập nhật thông tin trước ngày 24-4-2018. Điều này khiến rất nhiều chủ thuê bao lo sợ, vội vàng đi đăng ký thông tin, dẫn tới tình trạng "thất thủ" tại các điểm giao dịch.

Tuy nhiên, trong số những thuê bao thuộc diện phải đăng ký thông tin, không ít người tỉnh táo cho rằng nhà mạng chẳng dại gì khóa thuê bao bởi làm thế sẽ mất doanh thu.

Tính đến ngày 24-4-2018, vẫn còn 30 triệu thuê bao chưa đăng ký. Số lượng thuê bao khổng lồ này chắc chắn gắn với số doanh thu khủng mà nhà mạng sẽ mất nếu khóa thuê bao. Thực tế là sau đó các nhà mạng đã phải "hoãn binh" bằng thông báo không khóa thuê bao chưa cập nhật thông tin đến ngày 24-4-2018.

Việc nhà mạng nhùng nhằng suốt một năm qua, đến nay mới cuống cuồng thực hiện, có lẽ bởi họ không thực sự bị thuyết phục với các quy định trong nghị định. Bản thân người dùng di động cũng cảm thấy bị phiền hà, rắc rối và những hệ lụy từ việc phải cung cấp tất tật thông tin cá nhân, trong đó có cả ảnh chân dung cho nhà mạng.

Chuyện Facebook làm lộ thông tin các tài khoản cá nhân vẫn còn đang thời sự trên thế giới. Ở Việt Nam, từ lâu thông tin của các thuê bao di động đã bị lọt ra ngoài và rất nhiều thuê bao bị "tấn công" bằng những tin nhắn, cuộc gọi rác từ các ngân hàng, bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản…

Không bàn đến vấn đề về lộ lọt thông tin cá nhân thì thấy việc cập nhật thông tin thuê bao sẽ tiếp tục còn nhùng nhằng trong thời gian tới. Không dễ gì để nhà mạng hoàn thành sớm việc cập nhật thông tin của 30 triệu thuê bao.

Trong khi đó, Cục Viễn thông đã tuyên bố 24-4-2018 là thời điểm doanh nghiệp phải bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của mình đã tuân thủ hoàn toàn theo các quy định tại nghị định 49. Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định. Điều này đồng nghĩa với việc các thuê bao di động hoàn toàn có thể bị khóa nếu không cập nhật thông tin sau khi nhà mạng thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày.

5 năm trước, người dân đổ xô đi cung cấp CMND để đăng ký thuê bao điện thoại. 5 năm sau, khách hàng lại đổ xô đi nộp ảnh chân dung. Cuối cùng vẫn là người dùng di động lãnh đủ hậu quả.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên