Màn biểu diễn Yoga vô cùng đẹp mắt do các bạn nam thực hiện - Ảnh: XUÂN MAI
Thực tế hiện nay hầu hết nam giới đều tìm kiếm cho mình những bộ môn thể thao đối kháng, vận động mạnh để tăng cường sức khỏe, thân hình săn chắc như: thể hình, bóng đá, bóng chuyền, bơi lội...
Tuy nhiên, vẫn có số ít nam giới lựa chọn và theo đuổi yoga kể từ khi nhận thấy những lợi ích to lớn mà bộ môn này mang lại cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Hai năm trước, căn bệnh viêm khớp gối khiến hai đầu gối của ông L.N.T. (ngụ quận 2, TP.HCM) luôn trong tình trạng đau nhức. Theo ông T., bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình di chuyển, sinh hoạt, đặc biệt khi trời trở lạnh.
Khoảng tháng 11-2018, nghe vợ mách kiên trì tập luyện yoga sẽ chữa được bệnh, ông T. cùng vợ đến phòng tập yoga gần nhà đều đặn 3 buổi/tuần. Đến nay, ông T. cho biết các cơn đau khớp gối đã có dấu hiệu suy giảm. Ngoài ra, ông T. cũng kiểm soát được tính nóng nảy và hạn chế sự nóng giận trong người bấy lâu nay.
"Trước khi quyết định chọn yoga để chữa bệnh khớp gối, tôi đắn đo, ngần ngại nhiều lắm vì thấy môn này toàn nữ tập. Vợ tôi khuyên bảo nhiều lần, nên tôi đi tập xem thế nào. Khi đến lớp, HLV là nam và cũng có vài người nam tập luyện nữa. Bây giờ, tôi thấy trong người rất khỏe, tôi tiếc rằng sao mình không học yoga sớm hơn" - ông T. chia sẻ.
Xuất phát từ HLV thể hình và gặp rất nhiều khó khăn trong những ngày đầu "bắt buộc" học yoga, hiện nay anh Nguyễn Văn Hoa (28 tuổi) đã trở thành HLV yoga chuyên nghiệp tại 2 lớp học trên địa bàn TP.HCM, sau hơn một năm kiên trì tập luyện.
Anh Hoa kể lại: "Nói thật là tôi không thích yoga, nhưng qua một buổi học "thử" để đánh giá chất lượng giảng dạy một giảng viên yoga rồi bị cuốn hút từ đó. Qua thời gian ngắn tập luyện, dần dần tôi cảm nhận được mình thích hợp với yoga".
Ông Nguyễn Thiện Tín - phó chủ tịch hội đồng chuyên môn Liên đoàn Yoga Việt Nam - cho biết vài năm trước, tại nhiều tỉnh, thành phố đã có nhiều phòng tập yoga mở riêng cho nam nhưng đều thất bại vì không có học viên đăng ký tập luyện.
Thế nhưng những năm gần đây, số lượng nam giới tham gia tập có dấu hiệu tăng lên từng ngày, đặc biệt tại các nơi có nền kinh tế phát triển như TP.HCM, Hà Nội... mặc dù tỉ lệ này còn thấp hơn nhiều so với nữ giới
Theo đó, phần lớn học viên nam giới trong độ tuổi 40 - 50 với mục đích chính là nâng cao sức khỏe và chữa bệnh. Ngoài ra còn có số ít nam giới độ tuổi 20-30 cũng theo học.
Giải thích tín hiệu đáng mừng này, ông Tín cho rằng nhận thức về thể dục thể chất trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng nâng cao, trong đó nhờ việc truyền miệng về lợi ích yoga từ người đã đi tập đến người chưa tập đóng góp rất lớn.
Cơ thể dẻo dai, điều hòa tâm tính
Theo cấu trúc sinh học cơ thể, nữ thiên về sức bền, còn nam thiên sức mạnh. Vì thế, với những tư thế mạnh và thăng bằng thì nam tập luyện có lợi thế hơn nữ; còn đối với các thế dẻo như xoạc chân, uốn dẻo lưng... thì ngược lại.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài - chủ tịch Liên đoàn Yoga TP.HCM, nam giới thường nông nổi, nóng tính nên dễ bộc lộ cơn giận dữ, lời nói to tiếng ra ngoài hơn phụ nữ. Khi nam giới tập yoga thì có thể điều hòa tâm tính, người nam sẽ không còn nóng nảy hay làm những việc sai trái với lương tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận