16/09/2017 11:59 GMT+7

Khi dân không đóng nổi tiền sử dụng đất

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Tại TP.HCM, nhiều người dân làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) nhưng khi có sổ đỏ thì từ chối nhận vì không đóng nổi tiền sử dụng đất.

Clip người dân nói về "tiền sử dụng đất"- Thực hiện: TIẾN LONG

Theo UBND Q.9, hiện trên địa bàn quận có khoảng 1.400 trường hợp người dân chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy tay có thể xem xét cấp sổ đỏ. Trong đó, có 750 trường hợp người dân chưa làm thủ tục xin cấp sổ đỏ.

Tại nhiều quận, huyện khác cũng xảy ra tình trạng người dân ngó lơ sổ đỏ.

Để giảm gánh nặng cho người dân, giải pháp trước mắt nên có chính sách chia nhỏ tiền sử dụng đất cho người dân đóng nhiều năm và không tính tiền lãi theo kiểu chậm nộp như hiện nay

Ông NGUYỄN ĐĂNG SƠN

Không nhận sổ đỏ vì sợ nợ

Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, tính đến cuối năm 2016, toàn TP có hơn 20.000 trường hợp người dân đủ điều kiện được cấp sổ đỏ nhưng đều đăng ký với phường là không làm thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ. 

Nguyên nhân là do tiền sử dụng đất là gánh nặng mà người dân, đặc biệt là dân nghèo, không kham nổi.

Ông Trần Như Thịnh, một người dân ngụ tại P.Long Thạnh Mỹ (Q.9), có miếng đất gần 350m2 do cha mẹ tạo lập, xây nhà ở từ trước năm 1975. Đến năm 1999, cha mẹ cho ông phần đất này. Vừa qua, ông Thịnh làm thủ tục xin cấp sổ đỏ. 

Ngoài diện tích định mức 200m2 được miễn tiền sử dụng đất, ông Thịnh phải đóng khoảng 360 triệu đồng tiền sử dụng đất cho phần diện tích 150m2 còn lại, cộng với phí trước bạ. Không có tiền đóng, ông Thịnh đành xin quận không nhận sổ đỏ. 

"Dù Nhà nước cho nợ tiền sử dụng đất 5 năm, nhưng các con tôi đều làm thuê làm mướn, lương ba cọc ba đồng cho nên không dám nợ" - ông Thịnh nói.

Mới đây, trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tại Q.9, UBND Q.9 cho biết đang chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - môi trường để giải quyết những trường hợp này. Một vị đại diện chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Q.9 cho biết trường hợp như ông Thịnh khá nhiều.

Khi dân không đóng nổi tiền sử dụng đất - Ảnh 3.

Khu nhà đất mà ông Trần Như Thịnh ở Q.9 (TP.HCM) làm thủ tục xin cấp sổ đỏ nhưng không nhận sổ vì không đóng nổi tiền sử dụng đất - Ảnh: TIẾN LONG

Cần thay đổi cách tính tiền sử dụng đất

Nhiều chuyên gia cho rằng nên thay đổi cách tính tiền sử dụng đất để tạo điều kiện cho người dân có giấy tờ nhà đất hợp pháp, thuận lợi trong giao dịch, thế chấp... 

Cụ thể, thay vì tính tiền sử dụng đất một lần, Nhà nước nên tính bằng một loại thuế tài sản mà người dân phải đóng hằng năm, với mức thuế suất phù hợp.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cho biết theo quy định tại khoản 21, điều 3 Luật đất đai 2013, tiền sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được giao đất có thu tiền sử dụng đất, khi được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, được công nhận quyền sử dụng đất. 

Khi doanh nghiệp hoặc cá nhân đã hoàn tất việc nhận chuyển nhượng đất (trường hợp chưa có quyền sử dụng đất) thì vẫn phải nộp tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Như vậy họ phải nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hai lần và việc này đã đẩy giá bất động sản lên quá cao mà người mua phải gánh chịu.

Còn TS Phạm Sỹ Liêm - viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) - cho hay nhiều nước không thu tiền sử dụng đất một lần mà đánh thuế tài sản dựa trên giá trị đất và tài sản trên đất. 

Ở nước ta, thuế đất phi nông nghiệp hiện giờ chỉ chia mấy bậc, thường căn cứ vào mục đích sử dụng, vị trí, diện tích khu đất để tính tiền thuế.

Theo ông Liêm, về lâu dài nên thay hình thức thu tiền sử dụng đất một lần bằng thuế tài sản được tính dựa vào giá trị tài sản. Ví dụ, trên cùng một khu đất 200m2 nhưng người xây biệt thự hàng chục tỉ đồng thì phải đóng khoản thuế cao hơn người nghèo chỉ xây căn nhà nhỏ.

Quá hạn 5 năm, khó trả hết nợ

Theo nghị định 45/2014 (về thu tiền sử dụng đất), hộ gia đình, cá nhân có thể ghi nợ số tiền sử dụng đất phải nộp và trả nợ dần trong thời hạn 5 năm.

Sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ, người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại được tính theo giá đất tại thời điểm trả nợ.

Trên thực tế, khi quá hạn trả nợ, rất nhiều trường hợp không còn khả năng trả hết số tiền sử dụng đất.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên