23/11/2015 10:28 GMT+7

Khi chồng “xìu xìu, ển ển”

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com)
LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com)

TT - Ngoài lý do bị bệnh, yếu tố tâm lý và các vấn đề khác trong cuộc sống vợ chồng cũng có thể khiến một người đàn ông “đang xoan” trở nên “xìu xìu, ển ển” khi “lâm trận”.

Minh họa DAD

Những chia sẻ của ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng - trưởng khoa nam học Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) và ThS tâm lý Lý Thị Mai tại chương trình trò chuyện với thầy thuốc “Hiểu đúng về rối loạn cương - bảo vệ hạnh phúc gia đình” (do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM tổ chức ngày 22-11) khiến người nghe hiểu rằng “chuyện gối chăn” không đơn giản là chuyện quan hệ tình dục.

Trong y khoa có “hội chứng kiệt sức sau giờ làm việc” vì áp lực công việc ngày càng quá căng thẳng. Năng lượng chỉ có 100% mà phải dồn sức cho công việc những 150% dẫn đến tình trạng bước chân ra khỏi công sở, nơi làm việc thì kiệt quệ, hết năng lượng. Điều này có ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng, cũng là nguyên nhân khiến nam giới không còn ham muốn

ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng

52% nam giới 40 tuổi gặp trục trặc

Theo BS Tiến Dũng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương (RLC) ở nam giới, chẳng hạn là những người có bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, xơ vữa mạch máu, hút thuốc lá hoặc uống rượu, sử dụng chất kích thích. Ngoài ra, tâm lý trầm cảm, lo âu, mệt mỏi... cũng khiến nam giới bị RLC.

Tần suất RLC nói chung ở nam giới là 52%, tình trạng RLC thường xuất hiện ở tuổi 40 và tăng dần theo tuổi tác. Khi 40 tuổi, tần suất RLC ở nam giới gần 30%, đến 70 tuổi thì hơn 60% nam giới bị RLC. Đáng lưu ý, hơn 83% nam giới bị RLC cho biết điều này đã khiến họ buồn phiền, lo âu, chán nản. Và không chỉ chồng buồn phiền, lo âu, người vợ cũng bị tác động tâm lý.

“Đây là vấn đề rất đáng báo động vì cứ mười người thì có đến hơn năm người bị RLC sau tuổi 40. RLC không còn là vấn đề không đơn giản, mà đã ảnh hưởng đến cả vấn đề dân số của VN, là vấn đề quan trọng của y tế VN thời gian tới” - BS Tiến Dũng khẳng định.

Theo BS Tiến Dũng, khi bị RLC, nam giới bị ảnh hưởng tâm lý, thay đổi cuộc sống, có khi bị trầm cảm và các yếu tố này tạo ra vòng xoắn bệnh lý nên cần điều trị. Có nhiều phương pháp điều trị RLC như dùng thuốc, ống hút chân không, phẫu thuật đặt dụng cụ hoặc ghép thể hang nhân tạo tùy theo nguyên nhân RLC của bệnh nhân.

Để phòng RLC, BS Tiến Dũng khuyên cần giảm căng thẳng trong cuộc sống, điều trị bệnh lý đi kèm, tăng cường thể dục, chống béo phì và thay đổi lối sống.

Hóa giải bằng tình yêu

Nếu gia đình lạnh lẽo, xào xáo cũng làm người đàn ông ức chế. ThS Lý Thị Mai chia sẻ chuyện trục trặc tình dục chiếm khá nhiều trong những nguyên nhân gây đổ vỡ hôn nhân, nhưng ít cặp vợ chồng nào dám thừa nhận việc này vì quá tế nhị và khó nói.

Cũng có người cho rằng chẳng lẽ lấy nhau chỉ vì chuyện ấy, nhưng quan hệ tình dục không chỉ là hoạt động để thỏa mãn nhu cầu nhục dục mà còn là sự kết hợp thiêng liêng trong cuộc sống vợ chồng.

Theo ThS Mai, không chỉ người lớn tuổi, người có bệnh thực thể mới bị RLC, qua tư vấn tâm lý bà ghi nhận nhiều thanh niên trẻ có trục trặc tình dục. Có người lấy vợ sáu tháng mà không gần gũi vợ được chỉ vì khi còn trẻ thường xuyên thủ dâm, thường xuyên xem phim sex.

Nguyên nhân là “vì anh chàng có thói quen vui một mình nhiều rồi, bây giờ có hai người thì lại loay hoay không biết vui làm sao cho đúng”.

Trả lời câu hỏi có phải do cuộc sống quá nhiều áp lực, quá ít thời gian và ai cũng mỏi mệt nên quan hệ tình dục cũng bị xao nhãng, bà Mai nói: “Có khi một tuần không gần gũi nhau, nhưng họ vẫn có những lúc thăng hoa tột đỉnh nếu biết sắp xếp với nhau trong khoảnh khắc nào đó. Đừng nghĩ khi quan hệ chăn gối thì anh với em phải vào giường... Nếu có chăng là chúng ta thiếu hơi ấm của trái tim, thiếu mệnh lệnh của trái tim nói rằng chúng ta phải làm gì cho nhau”.

Một lời thủ thỉ cũng đủ

Về ảnh hưởng của tâm lý trong đời sống tình dục, ThS Lý Thị Mai nói rằng vấn đề vợ chồng ứng xử với nhau cũng rất quan trọng. “Có khi thấy mặt chồng đi làm về, người vợ không an ủi, chia sẻ mà còn phán: “Cái mặt làm gì mà như bị mất tiền vậy?!”.

Những câu làm tổn thương nhau như vậy thì làm sao sau đó có thể âu yếm, vuốt ve nhau được. Nghĩa vợ chồng là chia ngọt, sẻ bùi. Làm sao để cho người đàn ông nhìn vợ chỉ muốn yêu liền mới là hạnh phúc” - ThS Mai nói.

Ngoài ra sau khi vợ sinh con xong, hầu hết là chồng chủ động, vợ đáp ứng, còn không thì “mạnh giỏi nhé”. Chính tâm lý thụ động khiến người chồng “thấy giống như đi xin”. Khi vợ không đáp ứng hoặc vùng vằng, người chồng dễ bị ức chế, sau đó không quan hệ và “cái gì không dùng đến một thời gian thì cũng ảnh hưởng đến chất lượng”.

Thái độ, sự cộng hưởng của người vợ vô cùng quan trọng. Chưa kể người vợ mà quần áo, tóc tai bù xù, lên giường với bộ quần áo nhàu nát cũng triệt tiêu mọi cảm hứng của chồng.

Theo bà Mai, lời ăn tiếng nói, không gian riêng rất quan trọng để biểu lộ tình cảm: “Chúng ta làm việc ấy trong thầm lặng, nhưng ngôn ngữ không lời vẫn có những biểu đạt riêng của sự hàm ơn bởi vì mình được yêu. Người chồng cũng vậy, người vợ cũng vậy, ai cũng phải biết ơn nhau. Một lời thủ thỉ, thỏ thẻ, một cái vuốt ve âu yếm nhưng đủ để người chồng thấy rằng người vợ đang rất yêu thương mình, đang trông chờ mình... Đó là quyền lợi của người vợ chứ tại sao mình cứ nghĩ bên kia là được, bên này là bị” - bà Mai tư vấn.

LÊ THANH HÀ (lethanhha@tuoitre.com)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên