14/10/2011 06:58 GMT+7

Khẳng định bản lĩnh trẻ

Q.LINH - K.ANH
Q.LINH - K.ANH

TT - Một lớp công nhân trẻ TP.HCM đang có những đóng góp lặng thầm cho xã hội. 21 gương mặt kỹ sư, công nhân sẽ được Thành đoàn TP.HCM vinh danh và trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi lần 4 tối nay (14-10) đang miệt mài tìm tòi, khẳng định bản lĩnh trẻ bằng những sáng tạo mới.

KC6lyMQN.jpgPhóng to

Nguyễn Thị Vân Anh - chuyên viên phòng kỹ thuật an toàn môi trường (Công ty Xăng dầu khu vực II TNHH một thành viên) - Ảnh: K.Anh

Xuyên lòng sông xây công trình

Công trình kích ống D3000 thuộc dự án vệ sinh môi trường TP.HCM đang bước vào những công đoạn cuối cùng. Điều ít ai biết là cả năm qua, 40 công nhân, kỹ sư trẻ đã... sống dưới đáy sông để công trình hoàn thành đúng tiến độ.

Hai năm sau khi nhà thầu nước ngoài bỏ dở, một đội hình toàn “lính chiến” của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị TP được điều đến công trường. Chàng kỹ sư 30 tuổi Nguyễn Tấn Đạt - chỉ huy phó công trình - nhớ lại: “Dù đã nghiên cứu rất kỹ từ trước nhưng lúc bắt tay vào làm anh em không khỏi lo lắng vì robot chỉ còn cái xác, máy móc đã bị gỡ hết, lại nằm sâu gần 40m dưới lòng đất và không vận hành trong thời gian dài”.

Bốn tháng lắp đặt máy móc, kết nối hệ thống điện, vệ sinh toàn bộ công trình và hồi hộp chờ đợi. Niềm vui vỡ òa vào một ngày trước Tết Nguyên đán 2011 khi những bánh răng chuyển động, đầu robot bắt đầu xoay trong lòng đất. Lúc đó đã gần 20g. “Chúng tôi điện thoại ngay cho giám đốc để báo tin vui, vì chỉ cần giải kẹt robot thành công tức là nắm chắc phần thành công của công trình”, anh Đạt nói.

Chàng kỹ sư chưa vợ ấy kể rằng những kinh nghiệm khi thi công đường cống D1200 trước đó tại đường Trần Hưng Đạo đã ít nhiều giúp các bạn tự tin hơn khi nhận nhiệm vụ trước lãnh đạo đơn vị. 230m còn lại trong tổng chiều dài công trình 410m xuyên lòng sông Sài Gòn, nối từ bờ Bình Thạnh qua quận 2 được miệt mài thi công 24/24 giờ. Để tiết kiệm thời gian, nhiều lúc anh em ngủ thiếp đi ngay trong lòng cống để kịp giờ vào ca mới.

Những công nghệ mới được nhiều nước trên thế giới áp dụng như công nghệ không đào, những trạm kích phụ hay kỷ luật lao động tuyệt đối nghiêm khắc được áp dụng tại đây. “Sẽ là kinh nghiệm quý báu vì đây là công trình lớn nhất và khó nhất mà chúng tôi thực hiện cho đến lúc này” - kỹ sư Đạt, gương mặt được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi lần 4, khẳng định. Bản lĩnh trẻ đã được khẳng định và niềm tin cũng được nhân lên khi các bạn vừa được tin tưởng giao thực hiện công trình kích ống D1500 tại một vị trí khác của TP sắp tới.

tkX9U4eb.jpgPhóng to
Kỹ sư Nguyễn Tấn Đạt (bìa phải) nhận giấy khen và phần thưởng của Thành đoàn TP.HCM vì những đóng góp xuất sắc cho công trình - Ảnh: Q.L.

Cô gái “vì môi trường”

Làm sao để bảo vệ môi trường, nhất là khu vực các kho xăng, vấn đề này luôn làm Nguyễn Thị Vân Anh - chuyên viên phòng kỹ thuật an toàn môi trường (Công ty Xăng dầu khu vực II TNHH một thành viên) - trăn trở. Được lãnh đạo ủng hộ, Vân Anh tự tin hoàn thiện kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu sự cố tràn dầu khu vực cầu cảng Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè, điểm nhấn là phao quây dầu ứng cứu tràn dầu.

“Nguyên nhân dẫn đến sự cố tràn dầu thì nhiều như rò rỉ ống dẫn, va chạm vào thân tàu, mà khi dầu tràn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh. Đặc biệt, vị trí hạ lưu sông Nhà Bè là vùng sinh quyển Cần Giờ”, Vân Anh chia sẻ. Cô bạn ấy cùng các đồng nghiệp tìm ra một quy trình chặt chẽ của đội ứng cứu tràn dầu và tập huấn một cách bài bản.

21/67

21 trong tổng số 67 hồ sơ tham gia đã được Thành đoàn TP.HCM xét trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi lần 4-2011. Đây là giải thưởng được trao thường niên vào Ngày truyền thống thanh niên công nhân TP 15-10.

Với tiêu chí: phải có sáng kiến mới được áp dụng vào thực tế và đem lại hiệu quả thiết thực cho đơn vị, giải thưởng ghi nhận và biểu dương đóng góp của các kỹ sư, công nhân trẻ không quá 35 tuổi.

Dù có nhiều ưu điểm khi xử lý sự cố tràn dầu bằng phao quây, nhưng lúc kiểm tra Vân Anh nhận thấy khi bị sóng lớn đánh, một số mắt phao bị bật, dầu vẫn lọt ra ngoài. Lại lên mạng tìm kiếm thông tin, trao đổi với chuyên gia, cuối cùng bạn đề xuất thay bằng phao quây cố định.

Chín cầu cảng khác nhau sẽ được xem như một hệ thống cầu cảng, luôn có phao quây dầu thường trực 24/24 giờ sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố, mà không dùng phao quây dầu cho từng tàu vì tốn nhiều phương tiện, thiết bị và nhân lực.

Vân Anh dẫn chứng một sự cố kỹ thuật trong đường ống có thể làm tràn khoảng 30m³ xăng, mất sáu giờ để khắc phục, thu hồi được khoảng 60% lượng xăng dầu thất thoát, làm đơn vị tổn thất chừng 450 triệu đồng.

Nhưng nếu áp dụng cách làm mới, thời gian khắc phục mất chừng hai giờ, lượng xăng dầu tràn dưới 10m³, thu hồi 80-90% lượng xăng dầu thất thoát nên việc xử lý sau đó đỡ vất vả hơn.

Sự thay đổi này đã giảm được 300-400 triệu đồng chi cho nhiên liệu vận hành tàu kéo ứng cứu rải phao quây dầu mỗi khi có tàu ra vào xuất nhập hàng. Chưa kể còn thu thêm được 500-700 triệu đồng từ phí các tàu ra vào cảng.

Tính từ đầu năm đến nay, việc đưa công trình này vào vận hành đã làm lợi cho đơn vị cả tỉ đồng.

Q.LINH - K.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên