17/04/2017 17:54 GMT+7

​Khẩn trương đầu tư 2 tàu cứu nạn xa bờ

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam- Vietnam MRCC- chiều 17-4.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa trao bằng khen cho các thuyền trưởng, thuyền viên tàu SAR 413, SAR 272 tham gia tìm kiếm các thuyền viên của tàu Hải Thành 26 bị chìm - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa trao bằng khen cho các thuyền trưởng, thuyền viên tàu SAR 413, SAR 272 tham gia tìm kiếm các thuyền viên của tàu Hải Thành 26 bị chìm - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng giám đốc Vietnam MRCC - cho biết: Năm 2015 cơ quan này đã cứu và hỗ trợ  859 người bị nạn trên biển, năm 2016 cứu, hỗ trợ được 932 người và từ đầu năm đến 10-4-2017 cứu, hỗ trợ được 244 người…

Theo ông Vũ, hiện nay Vietnam MRCC có 7 tàu cứu nạn chuyên dụng nhưng đều là tàu loại nhỏ, có tàu đã sản xuất 16 năm nên chưa đáp ứng được công tác cứu nạn ở vùng biển xa. Vì vậy, đề nghị cho phép đầu tư, đóng mới hoặc đề xuất viện trợ nước ngoài 2 tàu chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ. Trong đó có 1 tàu được sử dụng nguồn kinh phí bảo đảm hàng hải vượt thu để đầu tư.

Giải thích thêm về chủ trương đầu tư 2 tàu cứu nạn, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết: Bộ đã báo cáo, Thủ tướng đồng ý đầu tư. Các bộ cũng thống nhất  sử dụng phí đảm bảo hàng hải vượt thu 860 tỉ đồng từ năm 2016 trở về trước để đóng 1 tàu và trả nợ cho các dự án khác. Nhưng tiền đóng tàu cần hơn 400 tỉ đồng nên phải làm rõ tính cấp bách để các bộ báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng đồng ý thì mới tiến hành đóng tàu.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, Thủ tướng đã kết luận đồng ý  đầu tư 2 tàu cứu nạn xa bờ rồi nhưng thủ tục đầu tư thực hiện quá chậm. Vì vậy, phải hết sức khẩn trương việc đầu tư 2 tàu này, nguồn vốn không chỉ nhìn vào tiền vượt thu đảm bảo hàng hải. “Nếu việc đầu tư đem lại lợi ích lớn cho xã hội thì không chỉ trông chờ vào tiền vượt thu. Nếu chậm do các  cơ quan khác thì Bộ Giao thông vận tải cần có trách nhiệm giải thích để họ chia sẻ, quan tâm đúng mức để có điều kiện tối thiểu hoàn thành nhiệm vụ”- ông Nghĩa đề nghị.

Bộ trưởng Nghĩa cũng lưu ý nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn không chỉ mang tính nhân đạo mà còn thể hiện sự khẳng định chủ quyền, có ý nghĩa chính trị lớn lao. Khi lực lượng tìm kiếm cứu nạn có mặt kịp thời dù một công dân Việt Nam hay một tàu thuyền quốc tế nào  bị nạn bất cứ đâu trên biển thì cũng góp phần khẳng định chủ quyền.

Do đó, ông Nghĩa yêu cầu Vietnam MRCC tiếp tục quan tâm khai thác, bảo trì phương tiện, thiết bị phục vụ nhiệm vụ, huấn luyện kỹ năng tìm kiếm cứu nạn để lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động, tránh câu chuyện cái gì cũng có nhưng lúc cần lại không sử dụng được cái gì.

Đồng thời, ông Nghĩa cũng lưu ý ngoài kỹ năng cấp cứu người bị nạn, nhân viên tìm kiếm cứu nạn cần phải học kỹ năng  ứng xử  với thi thể nạn nhân phù hợp với yếu tố tâm linh để thân nhân của họ yên tâm. Để thực hiện tốt công việc thì làm bằng cả trách nhiệm lẫn tình cảm.

Biểu dương các thành tích của Vietnam MRCC trong thời gian qua, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho biết phía quân đội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Vietnam MRCC trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn  máy bay Su 30 MK2, Casa 212 bị rơi trên biển, tìm kiếm thuyền viên tàu Hải Thành 26 trong thời gian vừa qua.

Về đề xuất thành lập các cơ sở hậu cần tìm kiếm cứu nạn ở Trường Sa, Bạch Long Vỹ, Phú Quốc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng rất cần thiết.  Nếu chưa có tiền đầu tư  thì trước mắt đề nghị địa phương, đơn vị liên quan cấp đất và có thể đề nghị địa phương đầu tư vì các cơ sở này cũng rất cần cho các địa phương.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên