15/03/2019 15:31 GMT+7

Khai thác dầu khí suy giảm, PVN chịu nhiều sức ép

M.NGỌC
M.NGỌC

TTO - Mục tiêu gia tăng trữ lượng trong nước giai đoạn 2019-2020 từ 10-15 triệu tấn quy dầu/năm và những năm tiếp theo là thách thức trong bối cảnh nguồn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam chưa phục hồi và sản lượng khai thác đang suy giảm.

Khai thác dầu khí suy giảm, PVN chịu nhiều sức ép - Ảnh 1.

Khai thác dầu khí suy giảm gây nhiều áp lực cho PVN - ảnh: PVN

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Triển khai kế hoạch thăm dò khai thác dầu khí năm 2019 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức tại Vũng Tàu ngày 14-3.

Đây là hội nghị là hoạt động thường niên của PVN, chủ trì hội nghị là Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Thập.

Ngoài ra, tham dự và chỉ đạo Hội nghị có các ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương.

Về phía Tập đoàn, có ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV PVN, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN cùng các Thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc; Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San bên cạnh lãnh đạo các Ban/Văn phòng PVN, lãnh đạo các đơn vị, và đại diện cán bộ, công nhân viên làm công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí.

Sức ép giá dầu giảm 

Khái quát đánh giá công tác khai thác, thăm dò dầu khí năm 2018, các ý kiến đã chỉ ra những tồn tại, khó khăn, thách thức, những bài học kinh nghiệm và cùng nhau đưa những giải pháp cụ thể để triển khai và thực hiện thành công kế hoạch thăm dò khai thác dầu khí năm 2019, định hướng nhiệm vụ mục tiêu trọng tâm đảm bảo hoàn thành kế hoạch thăm dò, khai thác dầu khí trong những năm tiếp theo.

Theo đó, năm 2018, PVN đã hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch thăm dò khai thác, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 12,34 triệu tấn quy dầu. 

Đặt trong bối cảnh giá dầu giảm sâu, việc PVN đạt được kết quả trên là nhờ vào việc đưa ra những giải pháp tối ưu hóa về tổ chức, quản lý, quản lý tài chính, kinh tế kỹ thuật…

Cụ thể như, PVN nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án thăm dò khai thác, phân loại các dự án đầu tư để ưu tiên thực hiện các dự án có hiệu quả, ít rủi ro, giãn tiến độ dự án chưa thực sự cấp bách, rủi ro cao. 

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và kiến nghị các giải pháp cơ chế để thúc đẩy hơn nữa công tác thăm dò khai thác nói chung và đặc biệt là công tác tìm kiếm thăm dò.

Ngoài ra, các đơn vị thuộc PVN liên quan đến hoạt động thăm dò khai thác như Vietsovpetro, PVEP cũng tập trung nêu ra các kết quả năm 2018, tình hình đầu tư và kết quả tìm kiếm thăm dò giai đoạn 2011-2018.

Các đơn vị này đã định hướng tìm kiếm thăm dò các năm tiếp theo và kế hoạch thăm dò thẩm lượng năm 2019, tình hình đầu tư và kết quả khai thác dầu khí và giai đoạn 2011-2018, triển khai công tác năm 2019 và định hướng năm 2020.

Hội nghị cũng nêu ra các dự án thăm dò, khai thác trọng điểm - thực trạng và giải pháp, tình hình thực hiện các hợp đồng dầu khí - các khó khăn và kiến nghị, thực trạng và giải pháp tối ưu nguồn nhân lực thăm dò khai thác; tình hình đầu tư và kết quả thăm dò, khai thác của Vietsovpetro giai đoạn 1981-2018, kế hoạch năm 2019 và định hướng 2020.

Khai thác mỏ suy giảm nhanh

PVN xác định rõ, mục tiêu gia tăng trữ lượng trong nước giai đoạn 2019-2020 từ 10-15 triệu tấn quy dầu/năm và những năm tiếp theo là thách thức, trong bối cảnh nguồn đầu tư từ các công ty dầu khí nước ngoài vào Việt Nam chưa phục hồi.

Đặt biệt khi sản lượng khai thác tại các mỏ hiện đang suy giảm khá nhanh, phần lớn các mỏ đã phát hiện là các mỏ nhỏ, vì vậy việc tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò để gia tăng trữ lượng đưa vào phát triển khai thác với mục tiêu duy trì sản lượng dầu khí trong nước là yếu tố rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển bền vững của PVN.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, vấn đề cấp bách đặt ra là Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành cần sớm xem xét sửa đổi Luật Dầu khí theo hướng khuyến khích, thu hút đầu tư trong điều kiện tiềm năng dầu khí còn lại hạn chế, hoạt động tìm kiếm, thăm dò rủi ro.

Đồng thời với đó là cơ chế chính sách phù hợp để có thể phát triển các mỏ nhỏ cận biên; chính sách, quy định đối với các dự án PVN điều hành thay Chính phủ do Nhà đầu tư hoàn trả do không còn kinh tế nhưng vẫn còn tận khai thác.

M.NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0