23/08/2011 00:34 GMT+7

Kềm giá, còn nhiều việc phải làm

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8-2011 có xu hướng tăng chậm lại khi số liệu về giá tiêu dùng của Hà Nội và TP.HCM vừa được công bố. Về mặt kinh tế vĩ mô, đó là tín hiệu tốt. Nhưng với đa số người tiêu dùng, họ vẫn lo lắng. Bởi so với tháng 7, giá một số mặt hàng vẫn tăng, tiếp tục tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng, nhất là người làm công ăn lương. Còn so với cuối năm 2010, chỉ số giá đã tăng trên 14%.

Diễn biến giá của những tháng cuối năm có khác so với đầu năm. Nếu đầu năm giá cả tăng chủ yếu do bị tác động từ việc tăng giá xăng dầu, giá điện thì nay vấn đề nan giải là phải kềm cho được giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là giá lương thực, thực phẩm. Thậm chí phải đặt ra yêu cầu cao hơn là giảm giá lương thực - thực phẩm xuống mặt bằng hợp lý, là đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng.

Mới đây, cơ quan chức năng đã đưa ra những thông tin lạc quan. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sản lượng lúa năm 2011 dự kiến đạt 41,6 triệu tấn, tăng gần 1,6 triệu tấn so với năm 2010. Nhu cầu trong nước chỉ ở mức 27,52 triệu tấn, còn dư tương đương 8 triệu tấn gạo, chưa kể tồn kho năm 2010 chuyển sang.

Còn Bộ Công thương dự báo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng 3-5% trong sáu tháng cuối năm. Riêng nhu cầu tiêu thụ thịt dự kiến đạt 2,4-2,5 triệu tấn, so với nguồn cung khoảng 2,26-2,38 triệu tấn. Lượng thịt thiếu 120.000-130.000 tấn được bù đắp bằng nhập khẩu. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng có nhiều biện pháp để hỗ trợ người chăn nuôi trong nước nhằm tăng nguồn cung. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các ngân hàng đẩy mạnh cho vay để chăn nuôi.

Tuy vậy, việc cân đối cung - cầu hàng hóa cũng chỉ là một trong nhiều việc cần phải làm để kềm và tiến tới hạ nhiệt giá cả một cách bền vững. Vì chưa hẳn nguồn cung lương thực - thực phẩm dồi dào đồng nghĩa giá sẽ ổn định. Thực tế cho thấy ở nhiều thời điểm, nguồn cung không thiếu nhưng giá vẫn tăng. Mới đây, người tiêu dùng ở phía Nam phải chi thêm cả ngàn đồng để mua một ký gạo. Hoạt động xuất khẩu đã đẩy giá lúa gạo tăng có lợi cho nhà sản xuất, xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho người tiêu dùng.

Giá thực phẩm, nhất là thịt gia súc, đã tăng nóng khi một lượng heo được xuất ra nước ngoài. Người tiêu dùng càng thêm thiệt thòi khi giá luôn biến động theo hướng tăng dễ, giảm khó. Trước đó, chúng ta từng chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 và 6 giảm tốc nhưng rồi lại tăng đột biến trong tháng 7 do hoạt động mua hàng xuất khẩu tăng mạnh.

Chính vì vậy, không chỉ lo cân đối cung - cầu mà còn phải tính đến chuyện điều hành phân phối trong nước và xuất khẩu. Hoạt động này còn bất cập, nếu không chăm chút, tính toán thận trọng sẽ khó ổn định được giá cả. Nhiều loại rau củ quả có giá bán cho người tiêu dùng cao gấp nhiều lần so với giá của nhà sản xuất. Không thiếu gạo nhưng do doanh nghiệp tranh mua để xuất khẩu theo hợp đồng đã ký và hệ quả là giá gạo bị đẩy lên cao... Vấn đề phân phối sẽ càng chi phối giá cả khi vào mùa cuối năm, cũng là lúc hoạt động xuất khẩu nhộn nhịp, ở trong nước người kinh doanh có tâm lý tăng giá khi vào cao điểm mua sắm...

Có thể ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng hạ nhiệt nhưng để thật sự an lòng người tiêu dùng thì cần có thêm giải pháp đưa ra từ các cơ quan chức năng.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên