Đọc hai tác phẩm vừa được xuất bản ở Việt Nam của ông, Aliss bên đám lửa và Ánh sáng trắng dường như chứng minh phần nào nhận định này.
Tìm kiếm một chỉ dấu ánh sáng trắng
Như người đàn ông lạc lối giữa rừng tối trong Ánh sáng trắng, độc giả cũng tìm kiếm một chỉ dấu để đi ra khỏi (hoặc cũng đồng thời là bước vào) thi giới của Jon Fosse. Để rồi khi khép lại trang sách, ta sẽ băn khoăn tự hỏi: rốt cuộc mình vừa trải qua chuyện gì?
Fosse không miêu tả một thứ hư vô, cái ông muốn nắm bắt là một khoảnh khắc gần như mặc khải, một điều như trải nghiệm tâm linh huyền bí mà chỉ mỗi cá nhân bằng cách đọc mới thực chứng được.
Một trải nghiệm không thể kể lại thành lời nhưng Fosse đã có nói thành lời, thậm chí vật chất hóa nó vào một hữu thể, dẫu là một hữu thể bất định, đầy biến ảo và mập mờ như thứ ánh sáng trắng mà "những chữ như sáng chói, trắng, tỏa sáng, hồ như không còn ý nghĩa, và giống như ý nghĩa, phải, ý nghĩa không tồn tại nữa" (Ánh sáng trắng, trang 87).
Cho nên việc đi tìm ý nghĩa cho những hình ảnh, biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm này cũng chỉ là một lối để băng qua cánh rừng trong đêm tuyết, hệt như nhân vật chính xưng "tôi" - người dẫn chuyện, kẻ lạc lối, người phải đi tới để thoát khỏi cảnh nhàm chán dù chẳng ai biết anh nhàm chán vì điều chi. Anh cứ lái xe đi tới, đi mà không biết đi đâu, đi cho đến khi bánh xe lún sâu trong tuyết và không thể di chuyển được nữa.
Toàn bộ câu chuyện của Ánh sáng trắng là thế. Thoạt tiên nó hứa hẹn những điều hấp dẫn, kiểu tình tiết mà nhân vật mắc kẹt trong một nơi hiểm trở, lạc lối trong một vùng mênh mông không biên giới, đối mặt với nguy nan để rồi thoát ra… loại tình thế đã được khai thác nhiều trong văn chương, phim ảnh.
Nhưng càng lật giở trang sách, người đọc lại có cảm giác như thể đến lượt mình cũng đang mắc kẹt giữa hai hàng chữ, mắc kẹt trong một kiểu đọc đi tìm ý nghĩa tác giả tác phẩm, cố định danh, cố gán cho tác phẩm những tầng sâu mà có lẽ tác giả chưa bao giờ có ý định dò tới. Jon Fosse không cố cắt nghĩa, ông tận hưởng cái không thể cắt nghĩa đó.
Không có dấu chấm hết
Trong khi đó Aliss bên đám lửa có vẻ sáng sủa hơn với người đọc. Nó dõi theo cái nhìn của thiếu phụ Signe hướng vào ngày tháng mười một của hai mươi năm trước khi chồng chị chèo thuyền ra vịnh hẹp và không bao giờ trở về nhà nữa.
Tiểu thuyết này bắt đầu bằng một câu dài gần như vô tận "Tôi thấy Signe đang nằm đó trên ghế dài trong phòng và cô đang nhìn quanh những thứ quen thuộc" (Aliss bên đám lửa, trang 5).
"Tôi" ở đây chính là tác giả, một tác giả có cái nhìn toàn năng, ngó vào cuộc đời Signe, soi xét nội tâm phức tạp của cô. Liền đó, cái nhìn của tác giả nối vào cái nhìn của người thiếu phụ, ông nhìn toàn bộ hiện thực và quá khứ qua đôi mắt của cô.
Và tiếp theo là một đoạn văn như chiếc chìa khóa mở ra hướng đọc tiểu thuyết này "cô nhìn ra cửa sảnh và rồi nó mở ra và rồi cô thấy chính mình bước vào phòng, dừng lại và đứng đó và nhìn ra phía cửa sổ và rồi cô thấy mình nhìn anh đang đứng trước cửa sổ và cô thấy, đang đứng đó trong căn phòng, rằng anh đang đứng và nhìn vào bóng tối" (Aliss bên đám lửa, trang 6).
Hiểu một cách đơn giản, người chồng đã biến mất nhưng hình bóng anh vẫn còn in đậm trong mọi góc của ngôi nhà cũng như trong ký ức cô.
Trong từng ngóc ngách của ngôi nhà cũng có hình bóng cô trong đó, những cuộc trò chuyện giữa cô với chồng, cả những cảm xúc dường như có khả năng khiến vạn vật hóa linh hồn.
Để lần nữa, trong ngôi nhà này từng có một gia đình, rộng hơn là một dòng họ, cứ thế, cứ thế câu chuyện ngược lên tới đời kỵ Aliss của Alse.
Trong Aliss bên đám lửa, một con mắt thâu nhiếp cuộc đời dài rộng của cả một dòng họ vào ánh nhìn duy nhất có thể xiên thời gian và không gian lại với nhau, đồng hiện và đồng thời trong một cuốn tiểu thuyết mỏng chưa đến hai trăm trang đến cuối cùng cũng không có dấu chấm hết.
Mọi sự bắt đầu vào năm 2002, trong cái nhìn ngoái lại quá khứ của Signe, ngày chồng cô ra đi năm 1979, cái nhìn xuyên đến tận năm 1897. Hàng trăm năm đã lướt qua chỉ tựa bằng một cái chớp mắt.
Trong cả hai tiểu thuyết này, Jon Fosse đã biến việc viết gần với một trải nghiệm tâm linh, dù cả hai được ông viết cách nhau hai mươi năm (Aliss bên đám lửa xuất bản năm 2003, Ánh sáng trắng xuất bản năm 2023).
Aliss bên đám lửa kết thúc bằng một lời cầu nguyện "Lạy Chúa con, cứu con, Người phải cứu con, Người", tương tự cách Jon Fosse kết thúc diễn từ Nobel của mình: "cảm ơn Thượng đế".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận