03/11/2023 05:53 GMT+7

Israel trước tứ bề áp lực

Israel đang đối diện sức ép từ nhiều phía trong lúc nước này tăng cường quy mô các cuộc tấn công nhắm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza.

Người biểu tình mang theo các thi thể giả bọc vải trong cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở thành phố Cape Town, Nam Phi ngày 1-11 - Ảnh: Reuters

Người biểu tình mang theo các thi thể giả bọc vải trong cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở thành phố Cape Town, Nam Phi ngày 1-11 - Ảnh: Reuters

Ngày 2-11, theo Hãng tin Reuters, một số quốc gia lớn nhất ở Mỹ Latin đã lên tiếng chỉ trích các cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza. Trong đó có Argentina - nơi có cộng đồng người Do Thái lớn nhất Mỹ Latin, Peru và Mexico.

Lên án, cắt đứt quan hệ với Israel...

Trước đó, cũng ở Mỹ Latin, Bolivia trở thành một trong những nước đầu tiên cắt đứt quan hệ với Israel - động thái ngoại giao mà Nhà nước Do Thái gọi là "đầu hàng bọn khủng bố". Trong khi đó Colombia và Chile đã triệu hồi đại sứ tại Israel về nước để tham vấn.

Bộ Ngoại giao Bolivia giải thích họ cắt đứt quan hệ với Israel "để phản đối và lên án cuộc tấn công quân sự không cân xứng của Israel đang diễn ra ở Dải Gaza, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế". Bolivia từng cắt đứt quan hệ với Israel vào năm 2009 cũng vì vấn đề Dải Gaza và khôi phục quan hệ vào năm 2019.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat nói Israel muốn các nước như Bolivia "ủng hộ quyền của một quốc gia dân chủ được bảo vệ công dân của mình".

Không chỉ các nước Mỹ Latin, Israel cũng đang chịu sức ép từ các nước ở Trung Đông. Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Qatar, Ai Cập, Jordan và Yemen đều đã lên án cuộc không kích hôm 31-10 của Israel vào trại tị nạn Jabalia ở phía bắc Gaza khiến hàng trăm người thương vong.

Jordan đã triệu hồi đại sứ ở Israel về nước. Cứng rắn hơn, lãnh tụ tối cao Ali Khamenei của Iran kêu gọi các nước Hồi giáo tẩy chay Israel, ngừng xuất khẩu dầu mỏ và thực phẩm sang nước này. Ông Khamenei nhấn mạnh: "Phải dừng ngay việc đánh bom vào Dải Gaza".

Chưa rõ với sức ép như vậy, Israel sẽ hành xử ra sao. Ngày 1-11, quân đội Israel tuyên bố đã chọc thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của phong trào Hồi giáo Hamas và đang tiến đến cửa ngõ thành phố Gaza nằm ở phía bắc Dải Gaza. Nếu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza trầm trọng hơn nữa, làn sóng phản đối Israel có thể sẽ còn tăng.

Áp lực trong nước

Không chỉ đối mặt áp lực từ bên ngoài, Tel Aviv còn đang phải đương đầu với áp lực từ gia đình của 240 người Israel vẫn đang bị bắt làm con tin.

Theo Đài NBC News, ngoài việc đổ lỗi cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu vì đã không bảo vệ người Israel khỏi cuộc tấn công của Hamas hôm 7-10, nhiều người Israel cũng cho rằng ông chưa đủ chủ động và đồng cảm với gia đình các con tin. Ngày càng nhiều người phản đối việc ông ưu tiên chiến dịch quân sự ở Gaza hơn là đưa các con tin trở về an toàn.

Nhiều người Israel từng muốn Hamas bị tiêu diệt để đảm bảo họ không thể lặp lại một vụ tấn công nào như vụ việc hôm 7-10 nữa. Song các ưu tiên của người dân Israel dường như đang thay đổi theo hướng ủng hộ việc trả tự do cho con tin, ngay cả khi phải đàm phán trao đổi con tin với Hamas, hoặc tạm dừng chiến dịch quân sự của Israel.

Theo cuộc thăm dò của báo Maariv (Israel) ở tuần liền sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7-10, có 65% người Israel được hỏi đã ủng hộ một chiến dịch trên bộ quy mô lớn ở Gaza. Nhưng một cuộc thăm dò khác vào tuần qua lại cho thấy có 49% số người được hỏi nghĩ rằng "tốt hơn nên hoãn lại" chiến dịch. Tờ Maariv lý giải là do ngày càng nhiều người hơn ủng hộ việc trả tự do cho các con tin.

"Diễn đàn Gia đình những người mất tích và con tin" - được lập ra chưa đầy 24 giờ sau cuộc tấn công của Hamas hôm 7-10 - đang kêu gọi trả tự do cho tất cả con tin bị Hamas bắt. Các thành viên của nhóm này đã biến quảng trường bên ngoài Bảo tàng Nghệ thuật Tel Aviv - đối diện Bộ Quốc phòng Israel - thành không gian biểu tình. 

Ở đó họ đặt các tác phẩm nghệ thuật công cộng, chẳng hạn một chiếc bàn Shabbat với 240 chiếc ghế trống, và dựng lên một bức tường có dán khuôn mặt của những người đang mất tích.

7.000 người nước ngoài, người 2 quốc tịch sẽ được sơ tán

Theo Hãng tin AFP, Bộ Ngoại giao Ai Cập thông báo nước này sẽ giúp sơ tán khoảng 7.000 người nước ngoài và những người có hai quốc tịch rời khỏi Dải Gaza. Trong khi đó lần đầu tiên sau nhiều tuần xảy ra xung đột Israel - Hamas, cửa khẩu Rafah (nối Dải Gaza với Ai Cập) đã mở cửa hôm 1-11 cho người từ Gaza sơ tán.

Ngày 2-11, UAE cho biết họ có kế hoạch điều trị cho 1.000 trẻ em Palestine ở Gaza, nhưng không nói rõ các em và gia đình sẽ rời khỏi Gaza (nơi đang bị Israel phong tỏa và ném bom) để đến UAE như thế nào.

Cơ quan y tế ở Gaza cho biết đến nay có ít nhất 8.796 người Palestine, trong đó có 3.648 trẻ em, đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel kể từ hôm 7-10.

Quốc gia nhỏ bé có thể giúp chấm dứt chiến sự Israel -HamasQuốc gia nhỏ bé có thể giúp chấm dứt chiến sự Israel - Hamas

Có một quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé đang đóng vai trò là cầu nối ngoại giao quan trọng bậc nhất trong xung đột Israel-Hamas, nhờ có mối quan hệ rất tốt với Hamas và là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên