10/04/2018 16:02 GMT+7

Idecaf từ chối các liên hoan vì không tin đánh giá của ban giám khảo

LINH ĐOAN
LINH ĐOAN

TTO - Tối 11-4, Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc sẽ khai mạc tại Nhà hát Quân đội (quận Tân Bình, TP.HCM) với vở Kiều của Nhà hát kịch Việt Nam.

Idecaf từ chối các liên hoan vì không tin đánh giá của ban giám khảo - Ảnh 1.

Ra mắt tối 9-4, vở Yêu là thoát tội vừa được Nhà hát Thế giới trẻ (Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) hoàn thành để tham gia liên hoan - Ảnh: Quang Định

Liên hoan kéo dài hai tuần (đến 25-4) với 27 vở diễn của 22 đơn vị (trong đó có 13 đơn vị ngoài công lập), diễn vào hai suất 14h và 20h mỗi ngày tại 12 sân khấu khác nhau của TP.HCM.

Liên hoan là nơi tập trung người làm nghề cả nước sao chúng ta không tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm để anh em ngồi lại chia sẻ về hiện trạng, khó khăn và những giải pháp cho sự phát triển của sân khấu kịch trong tương lai?

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn

Những lựa chọn "được lòng" ban giám khảo?

Tiêu chí của các liên hoan là nhằm đánh giá, nhìn nhận lại tình hình hoạt động của đơn vị kịch nói trên cả nước.

Nhưng qua mỗi cuộc thi, dường như quy chế tổ chức chỉ lưu ý khuyến khích những vở diễn được dàn dựng theo các cuộc vận động. Điều đó có thể nhìn thấy qua kịch mục của các vở cùng "thi thố" tại liên hoan.

Idecaf từ chối các liên hoan vì không tin đánh giá của ban giám khảo - Ảnh 3.

Vở Châu về hợp phố của sân khấu Hồng Vân - Ảnh: LÊ THÚY BÌNH

Kịch mục còn thiếu những tác phẩm đang thật sự "sống" ở đời sống sân khấu kịch phía Nam, đang biểu diễn hằng đêm phục vụ khán giả cho thấy liên hoan chưa thật sự khuyến khích các đơn vị - đặc biệt những sân khấu tư nhân (như sân khấu xã hội hóa TP.HCM) - đem đến những vở diễn thể hiện cá tính, phong cách của mình.

Ngoài ra, năm nay quy chế chấm giải vẫn giữ quy định khung xét giải thưởng không vượt quá 35% cho tổng số vở diễn và tổng số diễn viên có tên trong bảng phân vai. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, liên hoan vẫn "hứa hẹn" cơn mưa huy chương ở phút cuối như những mùa liên hoan trước.

Idecaf từ chối các liên hoan vì không tin đánh giá của ban giám khảo - Ảnh 4.

Vở Đàn bà dễ có mấy tay của sân khấu Hồng Vân - Ảnh: LINH ĐOAN

Chuyện đi thi để tìm kiếm huy chương xét danh hiệu NSND, NSƯT là điều có thật. Vì vậy, không ít đơn vị chọn các kịch bản cách mạng, kịch bản cũ làm mới cho "chắc ăn", dễ "được lòng" ban giám khảo.

Và như thế, liên hoan mất dần tính hồn nhiên, niềm vui hội ngộ của người làm nghề, của những vở diễn mà người yêu kịch và nghệ sĩ cùng mong đợi...

Liên hoan cũng thiếu những hoạt động gắn kết nghệ sĩ qua các tọa đàm, những cuộc gặp gỡ rút kinh nghiệm về tính hiệu quả của liên hoan, khiến người làm nghề như ông Huỳnh Anh Tuấn (giám đốc sân khấu kịch Idecaf) đặt câu hỏi: "Mạnh đoàn nào thi diễn xong rồi đi về thì liệu có thể học tập lẫn nhau, gắn kết tình cảm anh em đồng nghiệp trên cả nước?".

Idecaf từ chối các liên hoan vì không tin đánh giá của ban giám khảo - Ảnh 5.

Vở Gương mặt kẻ khác của nhà hát 5B - ảnh: LINH ĐOAN

Người khước từ, người hào hứng

Trước thềm liên hoan, Sở Văn hóa, thể thao TP.HCM có cuộc gặp gỡ các sân khấu trên địa bàn TP để lắng nghe ý kiến.

Buổi gặp gỡ diễn ra khá sôi nổi và thống nhất sở đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn - đơn vị tổ chức liên hoan - chấp nhận mở rộng điểm diễn (không chỉ thi diễn tập trung tại Nhà hát Quân đội mà mỗi sân khấu thi ngay tại sân khấu mình) và mở rộng quy định thời lượng vở diễn.

Thế nhưng, quy định về thời lượng đã không thay đổi khiến sân khấu Hoàng Thái Thanh không thể tham gia liên hoan năm nay là điều hết sức đáng tiếc.

Sân khấu kịch Idecaf từ năm 2009 đến nay đã đặt mình bên lề các liên hoan, hội diễn.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thẳng thắn bày tỏ ý kiến: "Chúng tôi không tin tưởng vào sự đánh giá của ban giám khảo, ban tổ chức. Tôi nghĩ các hội diễn, liên hoan phải chấn chỉnh để tạo niềm tin cho người làm nghề...".

Idecaf từ chối các liên hoan vì không tin đánh giá của ban giám khảo - Ảnh 6.

Vở Vùng lạnh của nhà hát kịch Hà Nội - Ảnh: BTC cung cấp

Idecaf có những nỗi niềm riêng để khước từ hội diễn nhưng có những sân khấu mới như Thế Giới Trẻ vẫn đều đặn tham gia.

Ngọc Hùng - quản lý sân khấu - cho biết: "Chúng tôi đến hội diễn với tâm thế khá nhẹ nhàng, không đặt nặng chuyện thắng thua. Lâu lâu có ngày hội nghề để anh em cùng tham gia, học hỏi lẫn nhau. Có thêm huy chương để về lâu về dài, anh em sân khấu đủ điều kiện xét danh hiệu cũng là niềm vui nhỏ trong hành trình làm nghề!".

Idecaf từ chối các liên hoan vì không tin đánh giá của ban giám khảo - Ảnh 7.

Vở Bão tố Trường Sơn của nhà hát kịch VN - Ảnh: BTC cung cấp

Cũng với tinh thần như thế, nhiều sân khấu hiện không còn hoạt động nhưng cố gắng tập trung nghệ sĩ để đăng ký dự thi như nhóm kịch của nghệ sĩ Ngọc Trinh với vở Tiếng giày đêm, sân khấu Family của Gia Bảo với vở Lũ quỷ sống...

Lũ quỷ sống được Gia Bảo làm lại từ kịch bản Mẹ yêu diễn ở Kịch Sài Gòn mười mấy năm trước. Anh cho biết giờ kiếm kịch bản hay không ra nên phải làm lại kịch bản cũ.

Trước ngày thi, Bảo phải xấc bấc xang bang chạy tìm điểm diễn, cuối cùng được ban giám đốc sân khấu Idecaf hỗ trợ cho thi diễn tại đây. Bảo nói: "Cực quá trời nhưng mấy năm mới có liên hoan một lần, tập trung anh em lại đi thi cho vui!".

Trong 27 vở diễn, các đoàn kịch phía Bắc mạnh về đề tài cách mạng, anh chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ như Tình đồng đội (Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn), Bão tố Trường Sơn (Nhà hát kịch VN), Bản tình ca viết dở (Đoàn kịch nói Nam Định)...

Còn các đoàn kịch nói phía Nam khai thác mạnh đề tài gia đình, những mối quan hệ trong xã hội như Gương mặt kẻ khác (Nhà hát 5B), Mua chồng 30 vạn (Công ty Sài Gòn phẳng), Thiên thần nhỏ của tôi (sân khấu Hồng Hạc), Tiếng vạc sành (sân khấu Minh Nhí), Lũ quỷ sống (Công ty TNHH sân khấu - điện ảnh Gia Đình)...

Liên hoan cũng là cơ hội để khán giả Sài Gòn xem các vở diễn gây được hiệu ứng tốt ở phía Bắc như Kiều (Nhà hát kịch VN), Sóng muôn đời thao thức (Nhà hát kịch nói Quân đội), Vùng lạnh, Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nhà hát kịch Hà Nội), Nhà Ôsin, Hoa cúc xanh trên đầm lầy (Nhà hát Tuổi Trẻ)...

Ở Sài Gòn, thư giãn cùng kịch cà phê Ở Sài Gòn, thư giãn cùng kịch cà phê

TTO - 'Sài Gòn không của riêng ai. Sài Gòn là của chung, nơi dành cho những người thương Sài Gòn thực sự. Bao nhiêu khóc cười, bao nhiêu tình yêu mà con người ta dành cho Sài Gòn cứ đong đầy theo năm tháng...'

LINH ĐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên