Khách du lịch tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là một trong những nội dung của báo cáo Triển vọng kinh tế thị trường Việt Nam tháng 11, do Khối nghiên cứu kinh tế toàn cầu HSBC vừa công bố.
Theo báo cáo này, sản xuất dầu mỏ của Việt Nam đạt đỉnh điểm vào năm 2000 và tiếp tục là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng từ năm 2000 đến 2010 (cùng với sản xuất dệt may, giày dép và nông nghiệp).
Tuy nhiên, sản xuất các nhiên liệu hóa thạch đã sụt giảm vài năm gần đây và theo HSBC, đối với Việt Nam, dầu thô đã không còn là một nhân tố chủ lực.
Mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu rằng sản lượng dầu mỏ trong năm 2017 sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn, tương đương mức giảm 0,25% GDP.
Theo nhận định của ngân hàng này, ít nhất đến thời điểm hiện tại Việt Nam đang chuyển hướng không phụ thuộc vào dầu thô, một chính sách được đánh giá là bền vững hơn.
Trong bối cảnh đó, HSBC nhận thấy Chính phủ đặt mục tiêu thu hút nhiều du khách tới Việt Nam.
"Chúng tôi khá lạc quan với ngành du lịch của Việt Nam sau khi thực hiện những cải cách gần đây và kỳ vọng số lượng du khách đến Việt Nam sẽ vượt qua con số 10 triệu mỗi năm trong tương lai gần, nếu như các chương trình miễn thị thực nhập cảnh vẫn tiếp tục được thực hiện cùng môi trường kinh tế và chính trị của các nước thuận lợi" - HSBC nhận định.
Cũng theo ngân hàng này, một yếu tố khác thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam là hoạt động đầu tư.
Hàn Quốc là quốc gia có lượng vốn đầu tư FDI lớn nhất đổ vào Việt Nam, chủ yếu ở ngành sản xuất.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc lại quan tâm đến lĩnh vực bất động sản sau khi Việt Nam đã nới lỏng quyền sở hữu nhà cho người nước ngoài hồi năm 2015.
HSBC cũng dự báo lượng khách du lịch của Trung Quốc đến Việt Nam tiếp tục tăng và tới năm 2018 sẽ vượt qua con số 9 triệu du khách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận