Thượng Hải là nơi lập nghiệp của nhiều sinh viên sau tốt nghiệp - Ảnh: LEE SONG
Hàn Đông là đàn em khóa dưới của tôi ở Đại học Thượng Hải. Cô ấy cũng giống như nhiều bạn trẻ khác lựa chọn trở thành một "Hộ phiêu" (ở lại Thượng Hải làm việc) sau khi tốt nghiệp thạc sĩ.
Cô ấy viết trên Wechat: "Ai cũng nói Thượng Hải tốt đẹp, nhưng nơi này có thể đại diện cho điều gì chứ?".
Thượng Hải chưa bao giờ cho cô cảm giác thân thuộc, được trở về. Vài năm nữa, nếu vẫn không có người yêu, Hàn Đông sẽ rời Thượng Hải về quê để gặp mặt đối tượng kết hôn mà bố mẹ sắp đặt.
Tương thân là tên gọi của hiện tượng mai mối hôn nhân ở Trung Quốc. Kể từ năm 2007 đến nay, tương thân hay hiện tượng thặng nam, thặng nữ (hàm ý nam nữ bị ế) trở thành vấn đề nổi cộm trong xã hội Trung Quốc đương đại. Theo thống kê, vào năm 2017, Trung Quốc có trên 200 triệu thặng nam, thặng nữ. Để giải quyết vấn đề hôn nhân, họ lựa chọn việc gặp mặt đối tượng do bố mẹ, bạn bè, hay dịch vụ mai mối giới thiệu.
Không dễ nói yêu
Hầu hết những người bạn Trung Quốc mà tôi quen biết ở trường đại học đều chưa từng có mối tình đầu. Họ sống trong cô đơn giữa lòng thành phố phồn hoa Thượng Hải. Thời gian của họ chủ yếu là dành cho học tập, nghiên cứu, chơi game.
Lý do họ chưa yêu vì "duyên phận chưa đến", hay "thuận theo tự nhiên" như cách họ vẫn nói. Nhưng nếu thân thiết hơn, họ sẽ kể với bạn rằng yêu làm gì khi biết trước tốt nghiệp xong sẽ là chia tay, trừ phi hai người cùng lựa chọn phát triển sự nghiệp ở chung một thành phố. Họ đủ lý trí để không đặt tình cảm vào lựa chọn mang tính mạo hiểm.
Người trẻ Trung Quốc đôi khi chấp nhận độc thân vì quá lý trí - Ảnh: VIỆT CHEUNG
Thực tế, dân Bắc phiêu (người ngoại tỉnh lựa chọn ở lại Bắc Kinh làm việc) hay Hộ phiêu đều mong muốn có thể kết hôn với người bản địa để nhập tịch. Một quy định bất thành văn ở các thành phố lớn là nếu bạn là đàn ông, bạn không có nhà, không có xe, không có tiền trong tài khoản vậy, bạn không có đủ điều kiện kết hôn.
Áp lực đối với nam giới về mặt kinh tế là vô cùng lớn, đó là lý do họ bạt mạng kiếm tiền, nỗ lực để thăng tiến.
Ở trên mạng, những câu nói như "Đừng kết hôn với dân Bắc phiêu", "Làm một Bắc phiêu thật lòng quả không dễ"… rất phổ biến. Kỳ vọng vào hôn nhân của những người ngoại tỉnh bị phủ đầy màu sắc thực tế và vụ lợi.
Ở Thượng Hải, tôi chơi thân với một cô bạn học ngành ngữ văn. 28 tuổi, cô ấy vẫn thường than thở không biết chừng nào mới có được mối tình đầu. Thế rồi sau khi tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc, theo chính sách ưu đãi nhân tài của Thượng Hải, cô ấy được nhập hộ tịch, được tuyển vào làm giáo viên ở một trường tiểu học.
Ra trường, cô được bạn bè giới thiệu cho một anh chàng có trình độ đại học, làm việc ở công ty nước ngoài, có căn hộ riêng, ngoại hình và hoàn cảnh kinh tế nhìn chung là ổn. Ngay sau buổi đầu gặp nhau, anh ta thẳng thắn nói sẽ lấy cô ấy, không phải tiếng sét ái tình mà là kiểu "Chúc mừng! Bạn đã đạt đủ tiêu chuẩn".
Với cô ấy, mối tình đầu không hề đẹp như tưởng tượng, không lãng mạn, không ấm áp, thậm chí không tìm thấy sự chia sẻ. Nhưng sau đó họ vẫn kết hôn.
"Bên nhau trọn đời" là ví dụ điển hình cho tình yêu duy mỹ của phim ngôn tình
Ở Trung Quốc, hôn nhân không nhất thiết phải dựa trên cơ sở tình yêu, cho dù đó là hình mẫu hôn nhân lý tưởng. Mục đích cuối cùng của hôn nhân là duy trì nòi giống. Vậy nên, đừng vội tin khi bạn xem gameshow Phi thường hoàn mỹ, vì anh mà đến, vì những điều lãng mạn, phi thực tế chỉ là cách mà truyền hình Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền cho khát vọng tình yêu của họ mà thôi.
"Thanh niên Phật hệ"
"Thanh niên Phật hệ" là cụm từ nổi bật trên mạng Trung Quốc từ cuối tháng 12-2017, hoàn toàn không liên quan đến tôn giáo. Hình ảnh Đức Phật được họ mượn để làm biểu tượng cho cuộc sống không còn dục vọng của giới trẻ, đặc biệt là thế hệ 9X.
Những câu nói "sao cũng được", "có thể", "chẳng sao cả"… được xem là biểu hiện đồng thuận của giới trẻ đối với cuộc sống. Họ lựa chọn phương thức chung sống hòa bình, không mâu thuẫn, không đối đầu, càng không có phản kháng.
Họ lựa chọn cuộc sống độc thân. Yêu đương với họ là lãng phí thời gian. Họ không thích lợi dụng các mối quan hệ, thậm chí còn hạn chế giao thiệp để tránh mọi phiền phức. Họ chọn cách sống chậm rãi, lặng lẽ và tự lập theo ý thích của mình, không kết hôn, không sinh con.
Cảnh trong phim "Tây du ký" bản 1986
Đây có thể coi là một biểu hiện tiêu cực của xã hội Trung Quốc. Trái ngược với tiết tấu cuộc sống tất bật đầy áp lực của nhóm "Bắc phiêu/Hộ phiêu", hay việc chấp nhận hôn nhân không có tình yêu để giải quyết vấn đề hôn nhân, một bộ phận thanh niên Trung Quốc lại chọn cách "tự đào thải", trốn tránh việc đối mặt với hiện thực tàn khốc bằng quan niệm sống mặc kệ cuộc đời - "sao cũng được".
Ẩn giấu sau hiện tượng tiêu cực này là sự phản kháng ngầm của thanh niên Trung Quốc đối với sự phát triển không đồng đều trong xã hội. Họ muốn cải biến xã hội, nhưng khả năng có hạn, lực bất tòng tâm. Chính vì thế, họ lựa chọn việc tách mình ra khỏi dòng chảy chủ lưu của xã hội Trung Quốc, như một phương thức để biểu hiện thái độ không đồng tình và bất hợp tác.
"Thanh niên Phật hệ" đưa ra một góc nhìn khác về xã hội Trung Quốc, từ hình ảnh một xã hội đầy rẫy tham vọng sang một xã hội ít dục vọng, sự tương phản diễn ra trong quá trình phát triển xã hội thường thấy ở những đô thị phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận